Anh điều động quân đội hỗ trợ các bệnh viện chống dịch COVID-19
Ngày 7/1, Bộ Quốc phòng Anh thông báo đã bắt đầu triển khai quân đội để hỗ trợ các bệnh viện đang bị thiếu nhân lực và chịu sức ép lớn do số ca mắc COVID-19 tăng nhanh tại nước này.
Thông báo nêu rõ chính quyền đã điều 200 binh sĩ đến hỗ trợ Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) tại thủ đô London trong 3 tuần tới. Các binh sĩ này sẽ hỗ trợ công tác xét nghiệm COVID-19 và triển khai các chương trình tiêm phòng. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết việc điều động thêm nhân lực sẽ giúp các nhân viên NHS vượt qua được giai đoạn mùa Đông khó khăn này.
Biến thể Omicron đã khiến số ca mắc COVID-19 tại Anh tăng nhanh. Chỉ riêng trong tuần qua, Anh đã ghi nhận hơn 150.000 ca nhiễm mới/ngày. Nhờ vào tiến độ tiêm phòng và nguy cơ biến thể Omicron khiến bệnh trở nặng là thấp, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng khẳng định vùng England có thể đối phó với làn sóng này mà không cần áp đặt các biện pháp hạn chế mới, song cảnh báo rằng nước này sẽ đối mặt với thách thức trong những tuần tới, khi có thêm nhiều người phải tự cách ly, dẫn tới việc thiếu hụt nhân lực trầm trọng.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Anh, nước này đã ghi nhận gần 150.000 ca tử vong do COVID-19. Trong ngày 4/1, Anh đã ghi nhận thêm 218.724 ca nhiễm mới trong ngày, mức cao nhất theo ngày kể từ trước đến nay. Mặc dù số ca tử vong và bệnh nhân cần máy trợ thở đã ổn định, song số nhân viên y tế dương tính với virus SARS-CoV-2 và buộc phải tự cách ly đã tạo thêm áp lực đối với hệ thống y tế nước này.
Theo một nghị sĩ Anh, dịch vụ y tế công nước này đã phải đối mặt với khủng hoảng nhân lực từ trước khi xuất hiện làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron. Cuộc khủng hoảng nhân lực có thể làm chệch hướng các nỗ lực nhằm đáp ứng nhu cầu cho những người mắc COVID-19 đang chờ điều trị.
Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Y khoa Anh Chaand Nagpaul nhấn mạnh NHS chưa bao giờ ghi nhận tình trạng nhân viên vắng mặt nhiều như hiện nay. Mặc dù chính phủ đã phải điều động quân đội hỗ trợ London, song đây là vấn đề mang tính quốc gia.
*Tại Bangladesh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh xấu đi, chính phủ nước này đã quyết định không cho phép học sinh trong độ tuổi từ 12-17 chưa tiêm phòng COVID-19 quay lại trường.
Thư ký Nội các Bangladesh Khandker Anwarul Islam cho biết chính phủ đang triển khai các bước nhằm đảm bảo tiêm phòng COVID-19 cho toàn bộ trẻ em nước này. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, chính phủ có thể sẽ giảm một nửa công suất hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng.
Số ca nhiễm mới tại Bangladesh đang có dấu hiệu tăng nhanh. Tổng Giám đốc Dịch vụ Y tế Bangladesh cho hay trong 7 ngày qua tính đến sáng 6/1, nước này đã ghi nhận thêm 4.920 ca mắc COVID-19 mới. Tính đến ngày 6/1, Bangladesh ghi nhận tổng cộng 1.589.947 ca mắc COVID-19 và 28.097 ca tử vong.
Bangladesh đã bắt đầu tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 từ năm ngoái.
*Tại Mông Cổ, ngày 7/1, nước này đã bắt đầu tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho người dân trên cơ sở tự nguyện sau khi ghi nhận 12 ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.
Bộ Y tế Mông Cổ cho biết biến thể Omicron đã xâm nhập vào nước này và việc lây lan chỉ là vấn đề thời gian. Do đó, nước này sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thứ 4 cho người dân.
Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 773 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 393.757 ca. Số ca nhiễm mới hằng ngày tại Mông Cổ đang có xu hướng tăng lên trong những ngày qua do các hoạt động ăn mừng Năm mới. Tính đến ngày 7/1, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mông Cổ là 1.995 ca.
Đến nay, khoảng 66,5% dân số Mông Cổ đã tiêm đủ các liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19. Số người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 3 là 929.705 người.