Anh đưa thêm tàu chiến tới vịnh Ba Tư sát cánh Mỹ
Dù tham gia liên minh, Anh nói không có thay đổi gì trong chính sách ới Iran và sẽ không tham gia chiến dịch tối đa hóa trừng phạt mà Mỹ đang áp lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
Ngày 12-8, Hải quân Hoàng gia Anh đã triển khai tàu chiến HMS Kent đến vịnh Ba Tư nhằm tham gia thực hiện Chiến dịch An ninh Hàng hải do Mỹ dẫn đầu ở khu vực, hãng Sputnik đưa tin.
“Trọng tâm của chúng tôi ở vùng Vịnh là giảm leo thang tình hình hiện tại. Chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải và bảo đảm lưu thông tàu thuyền quốc tế, đây là mục tiêu triển khai chiến dịch này”, Sputnik dẫn lời ông Andy Brown, chỉ huy tàu HMS Kent, cho biết.
Tàu HMS Kent sẽ hỗ trợ hoạt động của một tàu chiến khác của Anh là tàu HMS Duncan đang hoạt động ở khu vực trước đó.
Hải quân Hoàng gia Anh sẽ hoạt động bên cạnh Hải quân Mỹ nhằm bảo vệ an ninh các tàu thương mại di chuyển ở eo biển Hormuz giữa bối cảnh căng thẳng chính trị với Iran gia tăng.
“Chuyện bảo vệ tự do lưu thông hàng hải quốc tế ở eo biển Hormuz là sống còn và không thể trì hoãn, trong bối cảnh đe dọa gia tăng. Việc triển khai các tài sản của Hải quân Hoàng gia đến khu vực này là dấu hiệu cho cam kết của chúng tôi với các tàu mang cờ Anh, và chúng tôi trông đợi hoạt động bên cạnh Mỹ và các nước khác nhằm tìm một giải pháp quốc tế cho các vấn đề ở eo biển Hormuz”, Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói.
Mỹ đề xuất thành lập một liên minh quốc tế nhằm bảo vệ an ninh hàng hải ở vịnh Ba Tư, trong bối cảnh thời gian qua xảy ra nhiều vụ tàu dầu thương mại bị tấn công ở vùng vịnh mà Mỹ cho Iran là thủ phạm.
Mỹ đã lên tiếng mời một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Anh và một số nước khác như Nhật, Hàn Quốc, Úc tham gia. Tuy nhiên đến thời điểm này, chỉ mới có Anh là nước duy nhất chính thức ký thỏa thuận tham gia vào ngày 5-8.
Quyết định của Anh có thể có liên quan đến việc tàu dầu Srena Impero của Anh bị Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắt gần eo biển Hormuz hồi tháng trước. Trước đó, hải quân Anh đã bắt tàu dầu Grace 1 của Iran gần Gibraltar (lãnh thổ hải ngoại của Anh) với cáo buộc tàu này vi phạm trừng phạt của Liên minh châu Âu nhằm vào Syria.
Dù tham gia liên minh nhưng nhiều quan chức Anh nói sẽ không có thay đổi gì trong chính sách của nước này với Iran, và sẽ không tham gia chiến dịch tối đa hóa trừng phạt mà Mỹ đang áp lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
Điều này được Ngoại trưởng Anh Dominic Raad khẳng định: “Các tiếp cận của chúng tôi với Iran không thay đổi. Chúng tôi vẫn phối hợp với Iran và các đối tác quốc tế để giảm căng thẳng tình hình và duy trì thỏa thuận hạt nhân”.
Ngoài Anh đồng ý tham gia, Pháp không hài lòng lắm về ý tưởng lập liên minh hàng hải đối phó Iran ở vịnh Ba Tư và Đức thì thẳng thừng từ chối. Khi được Mỹ mời, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói thẳng Đức ưu tiên “các nỗ lực giảm căng thẳng và ngoại giao”, và “tham gia vào chiến lược tối đa hóa áp lực của Mỹ” không phải là ưu tiên này. Trong khi đó Trung Quốc và Nga ủng hộ kế hoạch đối thoại khu vực của Iran.
Các nước này nằm trong nhóm P5+1 cùng ký thỏa thuận hạt nhân Iran và chỉ có Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái. Những nước còn lại tiếp tục ủng hộ thỏa thuận và kêu gọi Mỹ và Iran cùng giảm căng thẳng.