Anh em bỏ ngãi, quên tình...

Dân gian vẫn dùng thành ngữ 'huynh đệ tương tàn' để chỉ những tình huống như vậy.

Chúng ta đọc sách, chắc đều biết có nhiều câu chuyện rất thương tâm là anh em trong một nhà, hay trong một gia tộc, hay rộng hơn là những người trong một nước đang sống yên lành lại tự nhiên gây sự, chém giết lẫn nhau vì những tính toán cá nhân, ích kỷ. Quả là điều nghịch cảnh.

Dân gian vẫn dùng thành ngữ “huynh đệ tương tàn” để chỉ những tình huống như vậy. Ví dụ: “Dưới ách cai trị của thực dân và đế quốc, trong một thời gian dài của thế kỷ 19 và 20, dân tộc Việt Nam đã lâm vào hai cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Bao nhiêu người cùng chung đất nước đã hy sinh”.

Chuyện như vậy đã có trong lịch sử nước ta (và nhiều nước khác).

Ảnh: TL

Ảnh: TL

Theo sách “Tả truyện”, Từ Ngũ Phạm là cô gái đẹp nổi tiếng vào đời nhà Trịnh bên Trung Quốc, rất nhiều chàng trai trong vùng mến mộ và có ý định hỏi làm vợ. Nhưng chàng Công Tôn Sở có tài thao lược đã lọt vào mắt xanh của nàng Từ. Oái oăm thay, lúc đó, Công Tôn Hắc – là em họ Công Tôn Sở - cũng đem lòng yêu Từ Ngũ Phạm và dù biết chuyện đã rồi, Công Tôn Hắc vẫn liều mình mang lễ vật đến hỏi Từ Ngũ Phạm.

Nàng Từ rất bối rối không biết xử trí ra sao, bèn thỉnh giáo Tử Sán, xin ý kiến. Tử Sán tiên sinh nói rằng chuyện này nên để cô em quyết định. Nghe vậy, Từ Ngũ Phạm đã chọn Công Tôn Sở làm chồng rồi hai người làm lễ cưới.

Tưởng mọi chuyện đã xong, ai ngờ Công Tôn Hắc vẫn lập mưu cướp vợ của anh mình. Hắn bày kế định giết chết anh trong một bữa tiệc. Công Tôn Hắc tìm tay chân thân tín họp lại và phân công công việc thực hiện mưu đồ của mình.

Công Tôn Sở biết được mưu ấy, giận sôi gan. Chàng liền vào nhà, lấy một chiếc giáo, đuổi theo Công Tôn Hắc và đâm chết tay em họ bất nghĩa. Đời sau, khái quát tích này thành câu “đồng thất thao qua” (có nghĩa là “cùng ở một nhà mà nổi can qua” – can qua: mộc và giáo, ví cảnh chết chóc, loạn lạc) để chỉ cảnh gia đình, anh em xảy ra chuyện tranh chấp, giết hại lẫn nhau vì lợi ích riêng.

Thật là đau xót biết bao. Thành ngữ “huynh đệ tương tàn”, hay “cốt nhục tương tàn”, hay “gà cùng một mẹ lại đá nhau” chính là nói về chuyện đó:

Anh em bỏ ngãi, quên tình

Giết nhau tổn hại thanh danh một nhà…

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/anh-em-bo-ngai-quen-tinh-39178.html