Anh gặp khó trong đối phó 'bão lạm phát'
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa cho biết sẽ điều chỉnh tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong ít ngày tới sau khi đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào giữa tháng 6 vừa qua. Động thái này cho thấy, nước Anh đã sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn để 'dập tắt' tỷ lệ lạm phát cao, tuy nhiên BoE sẽ khó ngăn nổi những tổn hại mà lạm phát gây ra cho nền kinh tế trong dài hạn.
Các nỗ lực nói trên của BoE được đưa ra trong bối cảnh "bão lạm phát" đang tràn qua "xứ sở sương mù" và gây ra nhiều hệ lụy kinh tế đáng lo ngại.
Theo số liệu chính thức của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố mới đây, lạm phát hằng năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương của người lao động và tạo thêm sức ép buộc BoE phải nâng lãi suất. Lạm phát tại Anh đã tăng từ mức 9% trong tháng 4 lên 9,1% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 1982 và BoE dự báo lạm phát sẽ lên mức hơn 11% vào cuối năm nay.
Nhà kinh tế trưởng ONS Grant Fitzner cho biết, nguyên nhân khiến lạm phát ở Anh tăng lên là do giá thực phẩm leo thang trong khi giá xăng đạt mức kỷ lục. Mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ đang kéo theo cuộc khủng hoảng về giá sinh hoạt và gây ra nhiều hệ lụy với nước Anh.
Theo đó, người tiêu dùng đang cảm thấy mức sống của họ bị siết chặt theo hướng tồi tệ nhất trong ít nhất hai thập kỷ qua và kêu gọi chính phủ viện trợ. Những tuần gần đây, các công nhân đường sắt Anh đã tiến hành cuộc đình công lớn nhất của ngành trong hơn 30 năm khi giá cả leo thang ảnh hưởng đến đồng lương của họ. Trong khi đó, mới đây các luật sư tại vùng England và xứ Wales đã ủng hộ đình công, trong khi các giáo viên, nhân viên của cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia và bưu điện cũng có động thái tương tự.
Lạm phát cũng đã đẩy tăng trưởng kinh tế Anh lâm cảnh sa sút kể từ tháng 3 năm nay. Theo các số liệu chính thức của ONS, tổng sản phẩm quốc nội của nước Anh đã giảm 0,3% trong tháng 4, sau khi giảm 0,1% trong tháng 3; sản lượng dịch vụ, sản xuất và xây dựng đều giảm. Những dữ liệu nêu trên đã làm dấy lên lo ngại rằng kinh tế Anh có thể rơi vào ngưỡng suy thoái. Trong khi đó, ONS lưu ý rằng các ngành tiếp tục ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tình hình lạm phát leo thang như trên đã buộc BoE phải tăng lãi suất chủ chốt 5 lần, kể từ tháng 12/2021.
Theo thông báo mới nhất, BoE sẽ đẩy nhanh hành động chống lạm phát trong tuần tới khi ngân hàng này cùng với khoảng 70 thể chế tài chính khác trên toàn cầu điều chỉnh tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.
Giới phân tích cho rằng, động thái này sẽ đánh dấu mức tăng lãi suất lớn nhất của Vương quốc Anh trong 27 năm qua, đồng thời góp phần tạo ra "bước ngoặt lịch sử" đưa nền kinh tế "xứ sở sương mù" bước ra khỏi kỷ nguyên tiền rẻ.
Mặc dù vậy, Thống đốc BoE Andrew Bailey phát biểu với báo giới rằng, đợt tăng lãi suất này sẽ không phải là cuối cùng. Ông khẳng định các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn nếu cần để kiềm chế lạm phát. Cũng theo các nhà phân tích, BoE là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên của một nền kinh tế lớn quyết định tăng lãi suất sau thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng còn một chặng đường rất dài để theo kịp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), với mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong hai lần liên tiếp. Lãi suất của BoE hiện là 1,25%, nhưng của FED là 2,5%.
Thời gian qua, BoE luôn nhấn mạnh quyết tâm chống lạm phát bằng "công cụ lãi suất". Trong tuyên bố hồi tháng 6, cơ quan này khẳng định: "Quy mô, tốc độ và thời gian của bất kỳ đợt tăng lãi suất nào khác sẽ phản ánh đánh giá của Ủy ban Chính sách tiền tệ về nền kinh tế Anh. Ủy ban sẽ đặc biệt cảnh giác trước những dấu hiệu của áp lực lạm phát dai dẳng hơn và nếu cần thiết sẽ hành động mạnh mẽ để đáp lại".
Hầu hết thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoE tin rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa vẫn có thể phù hợp trong những tháng tới. Tuy nhiên, một số nhà phê bình đã chỉ trích rằng, BoE đã hành động quá chậm để ngăn chặn lạm phát gia tăng, gây tổn hại cho nền kinh tế trong dài hạn.
Một vấn đề nữa đặt ra với nước Anh là động thái tăng lãi suất tới đây của BoE sẽ gây thêm áp lực cho các ứng viên Thủ tướng của nước Anh. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss đã cam kết sẽ cắt giảm thuế nếu bà giành chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, cũng là đối thủ của bà Liz Truss, lại cảnh báo rằng điều này sẽ thúc đẩy lạm phát, buộc lãi suất phải tăng cao hơn nữa.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/anh-gap-kho-trong-doi-pho-bao-lam-phat-post708380.html