Anh gặp khủng hoảng nhà ở, tình trạng nhà đất 'nhảy dù' lên ngôi

Tại thị trấn Croydon, phía Nam London, một số tòa nhà từng bị bỏ hoang đang dần dần 'sống' lại, khi nhóm hoạt động xã hội Reclaim Croydon tiếp quản các cơ sở thương mại không sử dụng để cung cấp cho người vô gia cư.

Một trung tâm thanh thiếu niên bỏ không ở Croydon, Nam London, nước Anh đã được tổ chức Reclaim Croydon sửa sang để làm nơi ở tạm cho người vô gia cư

Một trung tâm thanh thiếu niên bỏ không ở Croydon, Nam London, nước Anh đã được tổ chức Reclaim Croydon sửa sang để làm nơi ở tạm cho người vô gia cư

Theo dữ liệu của Chính phủ, Croydon - một thị trấn với nhiều khu chung cư và văn phòng cao tầng - có gần 4.000 bất động sản không được sử dụng vào tháng 10-2023. Trên các con phố mua sắm chính, các cơ sở kinh doanh đóng cửa, biển giảm giá chăng đầy các cửa hàng và khu chợ nhộn nhịp. Alex, 28 tuổi, thành viên tổ chức Reclaim Croydon cho biết, kể từ khi thành lập năm ngoái, nhóm đã tân trang khoảng 30 tòa nhà, cung cấp nơi ở cho hơn 100 người. Trước tiên, nhóm phải đảm bảo các tòa nhà còn trống và đáp ứng các nhu cầu cơ bản như nước sinh hoạt và điện. Sau đó, họ tiến hành sửa chữa để có thể ở được, bao gồm lắp đặt vòi sen và nhà bếp, sửa các chỗ rò rỉ và loại bỏ nấm mốc.

Những người sống trong các tòa nhà này xuất thân khác nhau. Leaf, 28 tuổi, một người đến từ thành phố Reading vừa vào ở trong một trung tâm thanh thiếu niên cũ cho biết, anh đã sống trên đường phố vì giá thuê nhà tăng cao, vượt xa các phúc lợi của Chính phủ. Sống chung tại trung tâm thanh thiếu niên với Leaf có một sinh viên và một nhân viên vận tải không thể trả kịp tiền thuê nhà ở London. “Rất nhiều người ở Anh bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng của tình trạng vô gia cư và họ thích ở lại với chúng tôi hơn”, Alex nói.

Nước Anh bắt đầu nỗ lực xây dựng nhà ở sau Thế chiến thứ hai, với phần lớn nhà ở công cộng được xây dựng cho các gia đình có thu nhập thấp. Nhưng nguồn nhà ở này không được bổ sung sau khi cựu Thủ tướng Margaret Thatcher cho phép người dân mua nhà từ chính quyền địa phương. Theo Chính phủ Anh, từ năm 2020, họ cần 300.000 ngôi nhà mới mỗi năm nhưng kể từ đó, mỗi năm chưa đầy 250.000 công trình được xây dựng.

Trong cuộc khủng hoảng nhà ở những năm gần đây, giá thuê nhà tư nhân tăng 22% khiến ngày càng nhiều người phải chật vật tìm nơi để sinh sống. Nhà ở thường xuyên xuất hiện trong 5 vấn đề hàng đầu mà cử tri Anh quan tâm trước cuộc tổng tuyển cử. Giá thuê nhà cao có nghĩa là những người ở độ tuổi 20 hoặc 30 vẫn phải sống ở nhà với cha mẹ hoặc ở chung nhà, trong khi số lượng người ngủ trên đường phố và trong các tòa nhà trống ngày càng tăng.

Cùng với đó, hiện tượng “nhà nhảy dù”, vốn tồn tại ở Anh hàng trăm năm nay, cũng tăng theo. Sau Thế chiến thứ hai, nhiều binh sĩ và gia đình họ chuyển đến những căn cứ quân sự bỏ không. Vào những năm 1970, phong trào này mang tính chính trị khi những người theo chủ nghĩa vô chính phủ chiếm các tòa nhà để phản đối. Theo luật pháp nước Anh, kể từ năm 2012, việc chiếm các tòa nhà dân cư là bất hợp pháp. Nhưng chiếm đất thương mại không phải là tội hình sự, miễn là không gây thiệt hại gì và người chiếm nhà sẽ rời đi khi có lệnh của tòa án. Hiệp hội chủ nhà Anh ước tính, việc “nhảy dù” vào ở trong các tòa nhà thương mại bỏ không đã tăng gần 300% kể từ tháng 12-2021. Đây là vấn đề mà ông Sajjad Ahmad, người đứng đầu hiệp hội, cho rằng lỗi do các chính sách của chính phủ chứ không phải do người lấn chiếm. “Rất nhiều người mà bạn nhìn thấy trên đường phố hoặc chiếm đóng các tòa nhà không phải là người nghiện ma túy. Họ đôi khi là những người có trình độ và vẫn đang làm việc”.

Những người “nhảy nhà” cho biết, tìm được nơi ở khiến họ yên tâm, thậm chí cảm giác lấy lại được phẩm giá dù vẫn sợ bị ném ra ngoài. Như Leaf, người khuyết tật ở chân cho biết, anh như được cứu mạng khi tìm thấy một cộng đồng người “nhảy dù”. “Tôi bị tàn tật. Tôi sẽ không thể sống sót trên đường phố. Đơn giản thế thôi”, anh nói.

Theo Reuters

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-gap-khung-hoang-nha-o-tinh-trang-nha-dat-nhay-du-len-ngoi-post581911.antd