'Anh gọi meo meo, chứ có phải mẹ đâu' và những ký ức về người cha vũ phu
Mỗi lần cứ nhắc đến câu nói ấy của anh trai, nước mắt tôi lại chảy... Một kí ức hãi hùng của tuổi thơ bên người cha vũ phu lại hiện về.
Tôi không nhớ rõ, hình như từ năm tôi học lớp 4, mẹ tôi mới thực sự sống
hạnh phúc , ba trở nên tuyệt vời hiếm có. Ngày lễ 20 – 11, ba hái một bó hoa cải chăm chút trang trí trong chiếc lọ nhỏ bằng thủy tinh màu ngọc bích. Ba xắn tay đi chợ, vào bếp nấu một bữa ăn ngon lành. Mẹ đi dự đại hội chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam về vui mừng đến chảy nước mắt với món quà ấm áp, giản dị của ba. Ba chăm lo bên ngoại, yêu thương ông bà như ba mẹ mình.
Nhưng những ngày tháng hạnh phúc đó thật ngắn ngủi. Ba ra đi, khi tôi mới bước vào lớp 10. Khi ra đi, ba không còn nói được câu gì, hai hàng nước mắt lăn dài trên má.
Đó là giọt nước mắt từ biệt cõi đời hay giọt nước mắt vì hối hận đã làm mẹ khổ suốt một thời gian dài, giọt nước mắt tiếc nuối vì hạnh phúc đến quá muộn màng.
Ba đã mất, tôi cố xua hết những kí ức hãi hùng của những trận bạo hành mẹ để ướp giữ một kỉ niệm đẹp về một người cha tuyệt vời của những năm tháng cuối đời. Nhưng đâu đó, góc khuất ấy vẫn chợt bị dòng kí ức tuổi thơ chạm đến, chỉ cần chạm đến đã nhói đau, chỉ cần nhớ tới đã trào nước mắt.
Ba thông minh nhưng vướng vào lí lịch xấu vì ông nội trước đó không đucợ trong sạch nên ba luôn bị chèn ép, học xong, không làm được việc gì ngoài công nhân. Cộng thêm hoàn cảnh nhà nội khánh kiệt, mọi người ốm đau, bệnh tật và lần lượt ra đi trong nỗi bế tắc. Chính vì thế, ba luôn buồn phiền, chán nản và chìm đắm trong men say để quên, để hận cuộc đời. Cứ uống say, ba lại đánh mẹ. Mẹ luôn mang khuôn mặt tím bầm mỗi sáng lên lớp.
Một đứa bé 5 tuổi như tôi vẫn luôn nhớ đến nỗi sợ phập phồng ấy. Lâu lâu không thấy ba đánh mẹ, tôi lại cứ cảm giác sắp rồi, sắp rồi... và cầu mong thời gian ơi hãy dừng lại. Mỗi lần ba đánh, mấy đứa con chạy ra cửa đứng nép, khóc ầm, kêu làng xóm... Tiếng mẹ quay lại “Nhỏ nhỏ thôi các con, kẻo làng xóm họ lại cười cho”. Sau mỗi lần như thế, mẹ lại tả tơi xác ve sầu. Nhớ như in hình ảnh người đàn bà trong đêm tối mịt mù, mái tóc rối bù, chân không... cứ thế chạy... Mẹ ôm ông ngoại khóc nức nở. Ông thở dài, đôi mắt ầng ậc nước.
Ở không được, chạy trốn cũng không xong, lo cho con cái nheo nhóc, vài hôm mẹ về hoặc ba đi tìm mẹ rồi van xin bằng những bài thơ đẫm nước mắt do ba tự viết. Vì con, mẹ về.
Cứ thế, mỗi lần ba uống rượu, tôi không dám đi ngủ, cứ ngồi kề ỉ ơi ba đừng uống nữa mà say... Tôi nhớ có lần, sau mỗi bữa ăn, khi ba đi làm, anh trai cả thường bưng một bát cơm lên gác xép nhỏ cho mẹ. Mẹ trốn trên đó. Hai đứa em nhỏ nhớ mẹ, nghe anh gọi “mẹ ơi ăn cơm” liền cuống quýt vui mừng nhao nhao “mẹ đâu anh, mẹ đâu, mẹ về rồi à”. Anh sợ ba phát hiện lại nói dối “Không, anh kêu meo meo, chứ có phải mẹ đâu”.
Bao lần mẹ phải đến bệnh viện vì ba đánh đến nỗi trật khớp tay, một vết sẹo dài ở cằm vì một lần ba phóng dao mẹ không tránh kịp. Bao lần mái tóc dài của mẹ rũ rượi vì ba nắm tóc, đấm đá túi bụi.
Lớn lên, tôi hỏi mẹ vì sao mẹ không ly hôn, mẹ bảo vì thương ba đứa con còn nhỏ quá. Lớn lên một chút nữa, một lần dọn tủ tôi tìm được rất nhiều lá đơn ly hôn mẹ viết, mỗi cái ngày tháng khác nhau, mỗi cái đôi chỗ bị mờ vì nước mắt ướt nhòe. Nếu mẹ
ly hôn , chắc các con sẽ không có một tuổi thơ như vậy hoặc cũng là bài học để thức tỉnh ba sớm hơn.
Giá mẹ đừng chịu đựng, để giờ đây, mỗi đêm tôi vẫn khóc khi nghĩ đến cuộc đời mẹ. Giá ai cũng biết trân trọng cuộc sống sớm hơn, đừng chờ con cái lớn lên, lúc đó mới thay đổi 360 độ, cũng là lúc ba chuẩn bị ra đi. Bao nhiêu dự định, bao nhiều bù đắp... bõ ngõ. Mẹ lại đàn bà quá một mình nuôi con.