Anh gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine bất chấp cảnh báo của Nga

Vương quốc Anh ngày 25/4 xác nhận nước này đã gửi tới Ukraine hàng nghìn quả đạn pháo cho xe tăng Challenger 2, bao gồm cả đạn uranium nghèo (DU). Tuy nhiên, nước này lưu ý rằng họ sẽ không giám sát việc sử dụng loại đạn này.

Những viên đạn uranium nghèo 25 mm, tháng 2/2004. Ảnh: AFP

Những viên đạn uranium nghèo 25 mm, tháng 2/2004. Ảnh: AFP

“Chúng tôi đã gửi hàng nghìn quả đạn Challenger 2 tới Ukraine, bao gồm cả đạn xuyên giáp uranium nghèo. Vì lý do bảo mật tác chiến, chúng tôi sẽ không bình luận về tỷ lệ sử dụng các loại đạn dược này của Ukraine”, Thứ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey trả lời bằng văn bản về các câu hỏi của nghị sĩ Scotland Kenny MacAskill của Đảng Alba, theo TASS.

Thứ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey. Ảnh: BBC

Thứ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey. Ảnh: BBC

Khi được hỏi rằng những quả đạn này sẽ được sử dụng ở đâu, ông Heappey cho biết: “Xe tăng Challenger 2 và đạn uranium nghèo mà Anh cung cấp cho Kiev hiện nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng vũ trang Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh không giám sát các địa điểm mà Kiev khai hỏa đạn uranium nghèo”.

Trả lời câu hỏi liệu Anh có sẵn sàng giúp Ukraine loại bỏ tàn dư khi sử dụng đạn uranium nghèo hay không, ông Heappey nói nước này “không có nghĩa vụ” phải làm điều này, đồng thời nhấn mạnh “nhu cầu cấp thiết của Kiev”. Quan chức này cũng đề cập đến cam kết của Anh là “giúp Ukraine thoát khỏi cuộc chiến này một cách an toàn, thịnh vượng và tự do”.

Phản ứng trước quyết định của Anh, Đại sứ quán Nga tại Anh ngày 25/4 cho biết, London sẽ không thể trốn tránh về hậu quả của việc đạn uranium nghèo được sử dụng ở Ukraine.

 Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở New York, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích việc London cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine, cảnh báo rằng London phải hiểu trách nhiệm của mình đối với hậu quả của việc sử dụng chúng. Ông cũng trích dẫn việc sử dụng các đầu đạn uranium nghèo trong các vụ đánh bom của NATO ở Nam Tư vào năm 1999, gây ra mối nguy hại cho người dân và khiến toàn thế giới sự lên án.

Trước đó, ngày 21/3, Anh thông báo rằng nước này sẽ cung cấp một đội xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cho Ukraine và các loại đạn dược, bao gồm đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo. Những loại đạn này có hiệu quả cao trong việc đánh bại xe tăng và xe bọc thép hiện đại.

Trước động thái trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố rằng Moscow lên án kế hoạch gửi đạn uranium nghèo tới Ukraine của Anh. Ông cho biết việc cung cấp loại đạn này cho Kiev sẽ được Moscow coi là hành động cung cấp vũ khí có chứa “thành phần hạt nhân”.

Quân đội Nga cũng cảnh báo rằng việc sử dụng đạn uranium nghèo có khả năng “gây ra hậu quả không thể khắc phục” đối với sức khỏe các binh sĩ Ukraine và “thiệt hại kinh tế to lớn cho tổ hợp nông – công nghiệp” trong khu vực.

Theo RT, vào tháng 3, các cố vấn của Anh và Mỹ đã giám sát khóa huấn luyện đặc biệt cho quân đội Ukraine về cách xử lý đạn uranium nghèo.

Đạn uranium nghèo từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi quốc tế do tính độc hại và tính phóng xạ của vật liệu. Tuy nhiên, loại nguyên liệu này lại được sử dụng để chế tạo lõi cứng của đạn xuyên giáp do mật độ cao của nó. Một khi va chạm, lõi của viên đạn bay hơi, biến thành aeerosol và làm ô nhiễm môi trường bằng uranium.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/anh-gui-dan-uranium-ngheo-cho-ukraine-bat-chap-canh-bao-cua-nga-post20950.html