Anh hoãn quyết định cấm bán một số vũ khí cho Israel do khủng hoảng Liban

Cuộc khủng hoảng leo thang ở Liban và những khó khăn pháp lý trong việc xác định vũ khí xuất khẩu chỉ được sử dụng cho mục đích tấn công đã khiến Anh phải trì hoãn quyết định cấm bán một số loại vũ khí cho Israel.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Kafr Kila, Liban, ngày 29/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Kafr Kila, Liban, ngày 29/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang The Guardian, hiện tại có khả năng quyết định này sẽ hoãn lại trong vài tuần, sau cuộc tấn công bằng tên lửa vào Cao nguyên Golan cuối tuần trước khiến 12 người thiệt mạng, khiến Israel thực hiện các động thái trả đũa tại Liban.

Trong tuyên bố gửi đến các nghị sĩ, Ngoại trưởng David Lammy đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, khuyến cáo người dân không nên đi du lịch đến Liban và cảnh báo hậu quả của cuộc xung đột rộng lớn hơn sẽ rất “thảm khốc”.

“Chúng tôi ủng hộ quyền tự vệ của Israel theo luật nhân đạo quốc tế. Họ đang ở một khu vực khó khăn bị đe dọa bởi những kẻ muốn tiêu diệt họ”, ông nói thêm.

Cáo buộc Iran đang gây căng thẳng, ông nói thêm: “Trong nhiều tháng nay, chúng ta đang ở bên bờ vực. Nguy cơ leo thang hơn nữa và ổn định khu vực đang cấp bách hơn bao giờ hết”.

Về vấn đề hoãn bán vũ khí cho Israel, ông Lammy muốn phân biệt giữa vũ khí mà Tel Aviv sử dụng cho cuộc chiến ở Gaza và vũ khí được sử dụng để phòng thủ. Nhưng vào thời điểm Israel đang phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Hezbollah ở Liban, việc phân biệt trở nên khó khăn hơn về mặt luật pháp, cũng như thách thức về mặt chính trị.

Theo đó, các bộ trưởng sẽ cần quyết định cách phân loại các bộ phận của Anh mà Israel sử dụng trong máy bay F-35 mà nước này đã mua từ Mỹ. Lệnh cấm các bộ phận của F-35 sẽ bị BAE Systems phản đối, nhưng F-35 đã được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công ở Gaza, cũng như bảo vệ Israel.

Máy bay F-35 Lightning của không lực Mỹ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Petrovec, gần Skopje, Macedonia. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay F-35 Lightning của không lực Mỹ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Petrovec, gần Skopje, Macedonia. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Phe đối lập Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung Vương quốc Anh, Andrew Mitchell, kêu gọi thận trọng về lệnh cấm bán vũ khí. Ông Mitchell thúc giục ông Lammy “hãy nhớ rằng chỉ vài tuần trước, quân đội và vũ khí Anh đã bảo vệ đồng minh Israel của chúng ta khỏi tên lửa do Iran phóng”.

Ông Lammy cho biết ông có nghĩa vụ phải đưa ra lời khuyên pháp lý mới, nhưng cho biết sẽ không có bước đi nào từ bỏ đồng minh Israel, như một số nghị sĩ đảng Bảo thủ tuyên bố.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức Human Rights Watch (HRW), ActionAid UK và Oxfam cáo buộc Chính phủ Anh tham gia vào “trò chơi pháp lý” và “do dự” về lệnh cấm bán vũ khí cho Israel.

Bà Yasmine Ahmed, Giám đốc HRW tại Vương quốc Anh, gọi quyết định hoãn bán vũ khí của Anh là “bước tiếp theo quan trọng”.

“Thật đáng thất vọng khi chính phủ dường như đang chậm trễ. Quyết định này càng kéo dài thì càng gây tổn hại đến danh tiếng của chính phủ”, bà nói.

Ông Halima Begum, Giám đốc điều hành của Oxfam GB cho rằng: “Chính phủ hoàn toàn nhận thức được nguy cơ vũ khí xuất khẩu từ Anh có thể được sử dụng để phạm tội ác chiến tranh ở Gaza. Bằng cách bán các bộ phận của F-35 cho Israel, Chính phủ Anh thực sự đang tạo điều kiện cho nhiều cuộc không kích của Israel và tàn phá Gaza”.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/anh-hoan-quyet-dinh-cam-ban-mot-so-vu-khi-cho-israel-do-khung-hoang-liban-20240731112400692.htm