Anh học cách sống chung với Covid-19, UAE có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 5/7 thông báo sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các quy định bắt buộc về việc đeo khẩu trang cũng như giãn cách xã hội vào cuối tháng này.

Theo hãng thông tấn AP, người dân Anh sẽ không còn bị bắt buộc phải đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội ở các không gian công cộng, dù mỗi doanh nghiệp vẫn có những quy định riêng về việc này. Thủ tướng Johnson cho rằng, cuộc chiến với dịch Covid-19 giờ chỉ còn là “trách nhiệm của từng cá nhân”, và nước Anh cần phải “học cách chung sống với virus”.

Nước Anh dự kiến sẽ chuyển sang giai đoạn cuối cùng của việc dỡ bỏ các hạn chế phòng chống Covid-19 vào 19/7 tới, dù quyết định về việc này sẽ chỉ được ấn định vào ngày 12/7. Thủ tướng Boris Johnson dự kiến sẽ cho phép tất cả câu lạc bộ đêm, bảo tàng, nhà hát và địa điểm thể thao được hoạt động trở lại mà không bị giới hạn bởi sức chứa hoặc các biện pháp giãn cách xã hội trong ngày 19/7.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 5/7. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 5/7. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các phần lãnh thổ khác của khối Liên hiệp Anh như Scotland, Wales và Bắc Ireland sẽ đưa ra các quy định của riêng mình trong việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết, quyết định mở cửa trở lại nước Anh có được nhờ vào tính hiệu quả của các chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19, Theo báo Bưu điện Washington. Khoảng 85% người trưởng thành ở Anh đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19.

UAE trở thành nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới

Theo trang tin Bloomberg, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) đang là nước có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới, khi có tới 72,1% trong tổng dân số 10 triệu người của nước này được tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Kể từ tháng 3, số ca nhiễm Covid-19 mới ở UAE dù vẫn dao động ở mức khoảng 2.000 ca/ngày, song nước này vẫn có tỷ lệ người được xét nghiệm cao hơn hầu hết quốc gia khác, và là một trong những nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới.

Không giống các quốc gia khác, UAE hạn chế việc áp đặt các biện pháp phong tỏa. Các hoạt động kinh tế ở nước này vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, nhiều nước vẫn tiếp tục duy trì các lệnh hạn chế đi lại đối với UAE. Tuần trước, Mỹ đã nâng mức cảnh báo đi lại đối với người nhập cảnh từ UAE lên cao nhất. Ảrập Xêút cũng tạm thời cấm nhập cảnh người từ UAE, trong khi Anh vẫn liệt quốc gia Trung Đông này vào "danh sách đỏ" kể từ tháng 1.

Vắc xin Pfizer giảm hiệu quả trước biến chủng Delta

Theo số liệu mới được Bộ Y tế Israel công bố hôm 5/7, trong khoảng thời gian từ 2/5 tới 5/6, hiệu quả bảo vệ từ vắc xin Covid-19 của Pfizer trước biến thể Delta là 94,3%. Tuy nhiên, từ ngày 6/6, tức 5 ngày sau khi Chính phủ Israel dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch Covid-19, cho tới đầu tháng 7, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 64%.

Hiệu quả bảo vệ của vắc xin Pfizer trước các triệu chứng Covid-19 cũng có sự suy giảm tương tự. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ người nhiễm trước nguy cơ bệnh trở nặng và phải nhập viện vẫn duy trì ở mức cao. Từ 2/5 tới 5/6, tỷ lệ hiệu quả của vắc xin Pfizer trong việc ngăn ngừa số ca nhập viện là 98,2%, cao hơn một chút so với mức 93% được ghi nhận từ ngày 6/6 tới 3/7.

Dervila Keane, người phát ngôn của Pfizer, từ chối bình luận về dữ liệu trên của Bộ Y tế Israel. Tuy nhiên, bà Keane đã chỉ ra một số nghiên cứu khác cho thấy, vắc xin Pfizer vẫn hiệu quả trong việc bảo vệ người được tiêm chủng trước các biến thể mới, dù mức độ bảo vệ có sự suy giảm nhẹ ở một số trường hợp.

Israel là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về chương trình tiêm vắc xin Covid-19. Đến nay, 59,82% người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ bằng vắc xin của Pfizer.

Indonesia khủng hoảng oxy cho bệnh nhân Covid-19

Quan chức Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi hôm 5/7 đã đề nghị tăng sản lượng oxy phục vụ mục đích y tế, trong bối cảnh nhiều bệnh viện lớn ở nước này thông báo đã cạn kiệt oxy và phải từ chối tiếp nhận thêm bệnh nhân Covid-19 cần được điều trị khẩn cấp.

Vị quan chức này cũng kêu gọi người dân không tích trữ oxy vì điều này chỉ khiến tình trạng thiếu hụt oxy trở nên trầm trọng hơn. Theo BBC, tại Indonesia lúc này rất khó mua thêm bình dưỡng khí mới hoặc bơm đầy bình cũ, khi giá cả oxy đang tăng gấp đôi vì nhu cầu lên cao.

Quốc gia Đông Nam Á này đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch Covid-19 ngày một tồi tệ hơn, với số ca nhiễm mới mỗi ngày lên tới 25.000. Đa số ca nhiễm Covid-19 mới ở Indonesia đều từ biến thể Delta.

Pháp cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4 vào cuối tháng 7

Gabriel Attal, người phát ngôn Chính phủ Pháp, hôm 5/7 cho biết 30% số ca nhiễm Covid-19 mới tại Pháp lúc này là từ biến thể Delta, đồng thời cảnh báo biến thể này có thể gây ra làn sóng Covid-19 thứ 4 vào cuối tháng 7.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự. Tuy nhiên, ông Veran cho biết nếu kết hợp tiêm chủng, xét nghiệm, và giãn cách xã hội, tác động của làn sóng thứ 4 sẽ được kiểm soát.

Theo trang thống kê Worldometers, Pháp hiện có hơn 5,7 triệu ca nhiễm và hơn 111 nghìn ca tử vong bởi Covid-19, tính đến ngày 5/7.

Giới chức nước này thừa nhận số người tiêm vắc xin Covid-19 còn chưa đủ để có thể kìm hãm sự gia tăng số ca nhiễm mới. Hiện mới chỉ có 36% dân số Pháp đã được tiêm chủng đầy đủ. Ngay cả đối với các nhân viên bệnh viện, tỷ lệ tiêm chủng cũng chỉ ở ở mức 64%.

Trung Quốc phong tỏa thành phố biên giới với Myanmar

Giới chức Thụy Lệ, thành phố Trung Quốc nằm sát biên giới với Myanmar, hôm 5/7 đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ thành phố sau khi ghi nhận 3 ca nhiễm Covid-19 mới ngoài cộng đồng.

Theo tuyên bố từ Ủy ban Y tế tỉnh Vân Nam, trong 3 ca nhiễm Covid-19 ở Thụy Lệ, 2 ca là người mang quốc tịch Trung Quốc, 1 ca còn lại là người quốc tịch Myanmar. Cả 3 trường hợp trên được phát hiện trong quá trình xét nghiệm PCR định kỳ trên diện rộng tại Thụy Lệ.

Theo lệnh phong tỏa mới, người dân sinh sống hoặc học tập tại Thụy Lệ được phép vào thành phố nếu xuất trình giấy tờ hợp lệ. Tuy nhiên, những ai cần rời thành phố với lý do đặc biệt phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus corona trong vòng 3 ngày trước đó, và cần được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp thuận.

Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Việt Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tin-covid-19-ngay-6-7-2021-anh-do-bo-cac-han-che-vao-cuoi-thang-7-753233.html