Anh hùng giữa đời thường
Cống hiến trọn đời cho chuyên ngành thần kinh học
(HNM) - Đối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu đã trở thành huyền thoại bởi tinh thần dũng cảm trong chiến đấu. Trở về với cuộc sống đời thường đã lâu và ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương sáng cho nhiều người học tập.
Anh hùng La Văn Cầu chăm sóc cây cảnh.
Rạng rỡ chiến công
Biết đến qua sách giáo khoa, câu chuyện kể, nay được ông tiếp chuyện tại nhà riêng trong con ngõ nhỏ trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa), phóng viên Báo Hànôịmới càng cảm nhận được tinh thần, ý chí của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu. Mang trong mình nhiều vết thương nặng bởi chiến tranh, nhưng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm về các trận đánh lịch sử, lời kể của Đại tá La Văn Cầu vẫn toát lên sự khỏe mạnh và nhanh nhẹn lạ kỳ.
Là người dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng, năm 1948 khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên La Văn Cầu gia nhập Đại đội 671. Ông vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên rèn luyện thành một chiến sĩ gương mẫu, lập được nhiều chiến công. Năm 1949, trong trận phục kích trên đường Bông Lau - Lũng Phầy (Cao Bằng), La Văn Cầu một mình tiêu diệt hơn 10 tên lính Pháp trên xe tăng… Nhớ về những trận đánh năm xưa, Đại tá La Văn Cầu bồi hồi: “Tôi tham gia 2 chiến dịch lớn với tổng cộng hơn 25 trận đánh, trong đó trận đánh đồn Đông Khê trong Chiến dịch biên giới Thu - Đông từ ngày 16 đến 18-9-1950 là đáng nhớ nhất, bởi cánh tay phải của tôi vĩnh viễn nằm lại chiến trường”.
Tham gia trận đánh ấy, chiến sĩ La Văn Cầu được phân công làm Tổ trưởng Tổ bộc phá với nhiệm vụ phá hàng rào lô cốt của đối phương để mở đường cho đồng đội tiến lên. Trong quá trình chiến đấu, ông bị thương nặng rồi ngất đi. Khi tỉnh lại, cả người đau ê ẩm, tay trái có thể cử động được, tay phải đã dập nát nhưng việc đầu tiên La Văn Cầu nghĩ đến là phải phá bằng được lô cốt địch. Cánh tay bị thương lủng lẳng, vướng víu, vậy là ông nhờ đồng đội chặt giúp cánh tay bị thương, tiếp tục ôm quả bộc phá nặng 12kg bằng tay trái, leo dốc, áp vào lô cốt giặc để phát nổ…
Tổng kết chiến dịch Biên giới Thu - Đông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sĩ trẻ La Văn Cầu là một trong những “lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công”. Sau đó, ông cùng một số chiến sĩ vinh dự được gặp Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc… Với chiến công trong trận đánh Đông Khê, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5-1952), chiến sĩ La Văn Cầu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bị thương và phải về tuyến sau, nhưng anh hùng La Văn Cầu luôn xác định sẽ tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới. Đầu tiên, ông tập viết bằng tay trái và học văn hóa, rồi về làm Trợ lý chính trị tại Cục Quân y. Năm 1960, ông được điều về Quân khu Việt Bắc phụ trách công tác thanh niên và tham gia làm Ủy viên Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc; tham gia đại biểu Quốc hội hai khóa. Năm 1983, ông chuyển về Hà Nội công tác tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Một thời gian sau, ông chuyển về Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam). Năm 1996, Đại tá La Văn Cầu nghỉ hưu, về cư trú và sinh sống tại khu dân cư số 7, phường Quang Trung (quận Đống Đa).
Giản dị giữa đời thường
Cuộc đời của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu phần lớn là phục vụ quân đội, phục vụ Tổ quốc. Ở công việc nào, ông luôn chú trọng khắc phục mọi khó khăn, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, ý chí chiến đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bản lĩnh, kinh nghiệm của người chiến sĩ luôn được anh hùng La Văn Cầu giữ gìn, phát huy ngay cả khi về với đời thường. Bằng chứng là khi tuổi tác và sức khỏe còn cho phép, ông đã tham gia hàng trăm buổi nói chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ trong và ngoài quân đội. Đại tá La Văn Cầu tự hào: “Tôi rất vui bởi đã giúp lớp con, cháu có cái nhìn chân thực và đầy đủ hơn về cuộc chiến tranh vệ quốc của cha ông”…
Mấy năm nay, khi sức khỏe không cho phép, ông ít khi nhận lời tham gia nói chuyện truyền thống. Thay vào đó, 5h sáng hằng ngày, người anh hùng thức dậy và quét dọn từ trong nhà ra ngoài ngõ phố. Ban đầu, ông làm công việc này một mình, nhưng sau đó thấy ông chăm chỉ nên hàng xóm đã ra làm cùng. Không chỉ quét dọn, thấy rác vứt bừa bãi, ông còn thu dọn và mang ra khu vực để rác theo đúng quy định… "Là người được nhiều lần gặp Bác Hồ, nên tôi chọn cách sống, học và làm theo Bác từ những việc rất nhỏ. Công việc quét rác buổi sáng phù hợp với sức khỏe của tôi và tôi xem như mình thêm một lần được vận động”, Đại tá La Văn Cầu chia sẻ.
Việc làm chăm chỉ, cần mẫn và tự giác của Đại tá La Văn Cầu đã thành tấm gương sáng cho bà con trong khu phố noi theo, được lãnh đạo phường và khu dân cư ghi nhận. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Quang Trung Phạm Tuấn Minh chia sẻ: "Là anh hùng trong chiến đấu nhưng khi về sinh sống với bà con trong khu dân cư, Đại tá La Văn Cầu sống rất giản dị, hòa đồng. Không chỉ tham gia ủng hộ mọi phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động mà việc tự giác quét dọn con ngõ nơi ông sinh sống đã có tác động rất lớn trong việc giáo dục ý thức cho con trẻ nói riêng và người dân nói chung về việc giữ vệ sinh môi trường, góp phần để khu dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp".
Với thành tích trong quá trình chiến đấu và công tác, Đại tá La Văn Cầu vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Ba; ông vinh dự là một trong 7 chiến sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất... Năm 2009, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen; năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2019, ông được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”…
Chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện về Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu gan dạ trong chiến đấu, luôn sống có ích và giản dị giữa đời thường sẽ mãi là tấm gương sáng, có ý nghĩa giáo dục với thế hệ trẻ hôm nay...
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/946899/anh-hung-giua-doi-thuong