Anh hùng La Văn Cầu trở về thời bình thành 'chiến sĩ bảo vệ môi trường'
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu đã trở thành huyền thoại bởi tinh thần dũng cảm trong chiến đấu. Trở về với cuộc sống đời thường ở độ tuổi 'xưa nay hiếm' nhưng ông vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, là tấm gương sáng cho nhiều người học tập.
Huyền thoại “vang dội” một thời
Chúng tôi tìm về nhà Đại tá, trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa, TP.Hà Nội, ông xuất hiện trong bộ quân phục giản dị, với nụ cười ấm áp, thân thiện. Dù đã bước vào cái tuổi 88 nhưng trong ông vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, chất phát và tự tin của anh Bộ đội cụ Hồ năm nào.
Bên chén trà nóng, Đại tá La Văn Cầu nhớ lại một thời đã qua mà đối với ông đó là linh hồn của thanh xuân, là những ký ức tươi đẹp nhất của tuổi trẻ. Ông sinh năm 1931, ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, người dân tộc Tày. Chứng kiến cảnh đất nước đau thương dưới sự tàn bạo của quân xâm lược, cậu bé La Văn Cầu sớm nuôi ý chí được cầm súng giết giặc giải phóng đất nước. Với niềm quyết tâm ấy, người thanh niên La Văn Cầu đã khai tăng tuổi từ 16 lên 18 để được đi bộ đội. “Trước khi đi bộ đội, gia đình tôi cũng tỏ ra lo lắng vì tôi là con một. Tôi đã nói với mẹ rằng, nếu con hy sinh, đồng đội của con sẽ là con của mẹ. Đồng đội của con sẽ yêu thương mẹ như chính tình yêu của con dành cho mẹ. Sau này mẹ không chỉ có con mà có cả đồng đội của con bên cạnh mẹ” Đại tá La Văn Cầu nhớ lại.
Vào năm 1948, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Nhưng niềm vui, ý chí đã giúp cho chàng trai trẻ La Văn Cầu vượt qua khó khăn, vươn lên rèn luyện thành một chiến sĩ gương mẫu, giàu lòng nhân ái, được đồng đội rất quý mến.
Bồi hồi xúc động, Đại tá La Văn Cầu đã kể về trận đánh đồn Đông Khê 2 năm 1950, đây là trận chiến đầy khốc liệt và bi tráng. Trong trận chiến này, những người đồng đội của ông đã lần lượt ngã xuống và ông chính là người cuối cùng may mắn sống sót, khi chỉ còn một cánh tay lành lặn.
Khi được hỏi về cuộc chiến đấu khốc liệt năm đó, ông chậm rãi kể: "Tổ chiến đấu có 5 người do tôi làm Tổ trưởng. Lần đầu tiên chúng tôi đánh bộc phá - đơn vị bộc phá đầu tiên. Bộc phá có ít nên tôi có sáng kiến lấy mìn của địch để phá hàng rào. Lúc đó, địch bắn xuống như mưa, nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nên dù có bị thương cũng không dám nói ra vì sợ mọi người nhụt chí.
Đến khi không còn trụ nổi nữa họ mới nói: "Chúng tôi bị thương nặng không làm được nhiệm vụ nữa. Các anh cố gắng làm xong nhiệm vụ và trả thù cho chúng tôi. "Khi cách lô-cốt địch khoảng 15 thước, hai người nữa lại bị địch bắn trúng và hy sinh. Ôm hôn vĩnh biệt các anh, lại thấy căm thù giặc hơn, tôi quyết phải trả thù cho các anh và làm cho xong nhiệm vụ.
Vào khoảng 10h đêm 17/9/1950, tôi được giao nhiệm vụ dùng bộc phá đánh vào một lô-cốt lớn của địch tại Ðông Khê, mở đường cho đồng đội tiến lên. Trong lúc đang chuẩn bị làm nhiệm vụ thì tôi bị hai viên đạn của địch bắn trúng. Một viên trúng vào má phải và viên kia trúng tay phải, khiến tôi ngã xuống, ngất lịm. Lúc tỉnh lại, tôi đưa tay trái sờ lên đầu, lên ngực, thấy không sao, tôi mừng quá, định vọt tiến lên thì thấy chỉ còn tay trái cử động được, cánh tay phải không còn cảm giác gì. Trong đêm tối, tôi biết cánh tay phải của mình đã bị thương, tôi vẫn cố tìm quả bộc phá, rồi dùng tay trái ôm chặt nó vào ngực, trườn lên phía trước”.
Kể đến đây, mắt ông nhòe đi, giọng trầm hẳn xuống. Phải mất một lúc, câu chuyện giữa chúng tôi và ông mới có thể tiếp tục: “Lúc này, cánh tay phải bị thương cứ lủng lẳng, vướng vào cột dây thép đau hơn lúc trúng đạn. Khi đó, tôi chợt nghĩ đằng nào cũng bị thương rồi, thà chặt luôn tay đi cho đỡ vướng rồi tiếp tục dùng tay trái ôm bộc phá áp sát lô- cốt địch, giật liền cả hai nụ xòe và chạy về phía sau. Sau tiếng nổ lớn, tôi lại ngất đi. Trong lúc ấy, các đồng chí khác đã thay tôi tiếp tục ôm bộc phá lao lên diệt các lô-cốt khác của địch. Ðường đã được mở, bộ đội ta xông lên tiến công...”.
Chiến thắng Ðông Khê đã mở màn cho Chiến dịch Biên giới, làm thay đổi cục diện chiến trường, khiến quân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động.
“Trận ấy đội tôi có hai người hy sinh: Anh Lý Văn Mưu hy sinh khi giật bộc phá, Tiểu đội Trưởng Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai che đạn cho đồng đội. Tôi là người may mắn nhất...” - ông vừa xoa xoa mỏm tay cụt vừa kể lại. Kết thúc trận đánh, nhường cáng cứu thương cho các đồng đội bằng câu khẳng định: “Tôi còn đủ hai chân”. Sau đó Anh hùng La Văn Cầu đã một mình băng rừng, vượt núi đá tai mèo về trạm xá. Lúc đến nơi, ông lăn ra bất tỉnh. Cánh tay bị nhiễm trùng tím đen, hoại tử. Bị trúng đạn và chặt ở cổ tay nhưng các bác sĩ đã phải cắt đến gần vai mới giữ được mạng sống cho La Văn Cầu.`
Với những thành tích đóng góp trong sự nghiệp chiến đấu của mình, vào ngày 19/5/1952 ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, khi đang là Tiểu đội Phó thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Được phong hàm Đại tá từ năm 1985, ông đã được Nhà nước tặng Huân chương quân công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất. Ngoài ra, ông cũng từng là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Người anh hùng trong thời bình
Cuộc đời của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu phần lớn là phục vụ quân đội, phục vụ Tổ quốc. Ở công việc nào, ông luôn chú trọng khắc phục mọi khó khăn, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, ý chí chiến đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bước ra khỏi trận đánh, trở về cuộc sống đời thường, ông tập làm mọi việc bằng tay trái. Ông tập trung học văn hóa, học chính trị, rồi trở thành một cán bộ tuyên huấn, chuyên trách công tác thanh niên ở Quân khu Việt Bắc. "Năm 1952, tôi được tham dự Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ nhất, được Bác Hồ khen và tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng người anh hùng một thời vẫn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động bảo vệ môi trường. Mỗi buổi sáng, ông thức dậy từ 4h để dọn dẹp, vệ sinh cho cả khu phố. Cũng chính vì thế mà ông Cầu được người dân khu phố đặt cho tên gọi thật thân thương đó là “chiến sĩ bảo vệ môi trường”. Chia sẻ với chúng tôi, ông vui vẻ nói: “Mọi người thường ví von so sánh việc tôi quét sạch rác cho khu phố cũng như việc quét sạch “rác thực dân” ra khỏi đất nước của mình”.
TP.Hà Nội tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu và vinh danh 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2019, trong số 10 cá nhân được tặng thưởng có Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu.
Ông La Văn Cầu bày tỏ sự vui mừng và vinh dự khi được tặng thưởng danh hiệu này. “Vinh dự này là quá lớn với tôi, không ngờ cuối đời lại nhận được vinh dự như thế”, Anh hùng La Văn Cầu chia sẻ. Ông cho hay, để xứng đáng với tấm lòng tin yêu của Đảng, nhân dân với mình, ông luôn giữ vững bản chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, tích cực góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội luôn xanh, sạch, đẹp.
Rời nhà Anh hùng La Văn Cầu khi trời những giọt mưa phùn đã lất phất bay báo hiệu một mùa xuân mới sắp đến. Không còn bom đạn chiến tranh, không còn hy sinh mất mát nhưng những câu chuyện của ông vẫn để lại cho chúng tôi sự bồi hồi, xúc động.
Anh Cầu ra trận/ Giặc bắn què tay/ Anh chặt phăng ngay/ Mìn anh nổ trúng/ Bịt lỗ châu mai/ Giặc ngã sõng soài/ Anh Cầu giỏi quá/ Được Bác Hồ khen/ Anh được nêu tên/ Anh hùng quân đội”... Những vần thơ đã đi vào lịch sử vẫn âm vang bên tai chúng tôi như một lời nhắc nhở cần phải dũng cảm, nghị lực và luôn phấn đấu sống có ích cho cộng đồng và xã hội.