Anh hùng Lê Duy Cận: Người lái xe kiên cường qua tuyến lửa
Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đi vào huyền thoại không chỉ bởi những chiến công, những danh hiệu cao quý, mà còn bởi con đường đã thể hiện sự đồng sức, đồng lòng gắn kết giữa mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng các dân tộc anh em. Trên con đường đó, có một chiến sĩ lái xe thuộc lực lượng Công an nhân dân vũ trang (BĐBP ngày nay) đã lập nên những chiến công đáng ghi nhận. Đó là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Cận, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP.
Sinh năm 1941 tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình nông dân, ngay từ thuở thanh niên, đồng chí Lê Duy Cận đã tích cực tham gia công tác tại địa phương và nhiều lần được địa phương khen thưởng. Năm 1962, đồng chí Lê Duy Cận nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 22, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) với nhiệm vụ lái xe ô tô, làm nhiệm vụ chuyển tải quân và khí tài, lương thực phục vụ cho hoạt động của lực lượng An ninh vũ trang miền Nam chiến đấu trong lòng địch, bảo vệ các Khu ủy, Thành ủy các tỉnh phía Nam.
Là một chiến sĩ lái xe, đồng chí đã luôn bền bỉ phấn đấu, lập thành tích ngày càng cao, đặc biệt là trong những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Chỉ từ năm 1963 đến năm 1968, lúc lái xe độc lập, lúc theo đoàn xe hùng hậu, khi làm chiến sĩ lái xe, khi thì kiêm vai trò phụ trách đoàn xe, đồng chí đã lái xe tham gia 33 kế hoạch vận chuyển trên nhiều tuyến đường khác nhau, chạy trên 41.000km đường, bảo đảm an toàn tuyệt đối người và hàng. Riêng trên tuyến đường khu 4 bị địch đánh phá ác liệt, đồng chí đã lái xe đi 23 chuyến, mỗi chuyến đi đều vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nhưng đồng chí Lê Duy Cận luôn bình tĩnh, dũng cảm vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tháng 3/1966, trong chuyến đi Quảng Bình, đồng chí Lê Duy Cận đã thay cả lái phụ, lái xe suốt 26 ngày đêm liên tục. Xe vừa lên phà Nghèn (Hà Tĩnh) thì không thể đi tiếp do bị địch đánh phá, hai đồng chí công binh phụ trách phà hy sinh. Cho dù rất mệt mỏi, song đồng chí đã không quản ngại nguy hiểm, động viên anh em cùng hợp sức kéo phà vượt qua truông, đảm bảo người và hàng an toàn. Trong kí ức của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, hình ảnh những đoàn xe của các chiến sĩ CANDVT bình tĩnh quan sát máy bay địch đang gầm rú trên bầu trời, hay những lần các anh khéo léo vượt đèo, băng ngầm, chênh vênh đưa xe qua hố bom nổ chậm an toàn, là những hình ảnh lẫm liệt và đáng yêu biết mấy.
Tiếp đó, tháng 2/1967, ông tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ chở hàng vào Vĩnh Linh, nửa đường, mới tới phà Sông Giang, Quảng Bình thì máy bay địch ập tới bắn phá. Người lái xe đảm lược ấy đã lợi dụng pháo sáng nhận định địa hình, vững tay lái vượt dốc đèo để tìm đường vượt địa bàn nguy hiểm. Chạy được một đoạn, tới Hồ Xá lại bị đánh phá, Lê Duy Cận cho xe lùi lại 9km, quan sát tình hình và lợi dụng thời cơ định tạm ngưng bắn trong vài phút để rồ ga nhanh chóng vượt qua “điểm nóng”, đưa xe đến điểm đã định. Tháng 11/1967, đồng chí phụ trách 3 xe đi Vĩnh Linh chở hàng tới nơi an toàn. Khi trở về, đồng chí còn nhận trợ giúp địa phương đưa 30 người dân sơ tán ra Thanh Hóa chu đáo, an toàn.
Trong hàng trăm hành trình ngược xuôi tuyến lửa, ấn tượng nhất đối với Đại tá Lê Duy Cận là chuyến công tác chở cán bộ vào Nam chi viện tháng 2/1968. Xe vào đến địa phận Nghệ An thì bị gãy cần số, không thể tiếp tục di chuyển. Đại tá Lê Duy Cận nhớ lại: “Lúc đó rất căng thẳng, bởi xe có thể sẽ bị trúng bom bất cứ lúc nào. Tôi chợt nghĩ đến việc tìm cần số thay thế. Vậy là tôi đã đi vào bãi bom nổ chậm, tìm trong số xe bị cháy lấy được một cần số còn sử dụng được mang về thay thế”. Nhưng thử thách chưa dừng lại, xe và người tiếp tục hành quân chưa được bao lâu, thì tiếp tục bị bom đánh phá. Giữa mịt mù khói lửa và bản thân bị trào máu miệng do sức ép của bom, song nghĩ tới trách nhiệm của mình và tính mạng của 22 đồng chí cán bộ trên xe, Lê Duy Cận gồng mình giữ lái, điều khiển xe vượt ngầm, đưa đoàn cán bộ đến nơi tập kết an toàn, đúng thời gian quy định.
Không chỉ kiên cường, đảm lược trên những chặng đường gian nan, lửa khói, đồng chí Lê Duy Cận luôn là tấm gương thực hiện lời Bác Hồ dạy "Yêu xe như con, quý xăng như máu", bảo quản, sử dụng xe tốt nhất và lập kỷ lục tiết kiệm xăng trong toàn lực lượng. Ông chịu khó thu nhặt từng chiếc ốc, sợi dây điện hay các phụ tùng còn sử dụng được từ những chiếc xe hỏng khác để tự sửa chữa, khắc phục chiếc xe cũ và “uống xăng” của mình. Nhờ vậy, chiếc xe được cải tạo, hạ mức ăn xăng xuống 25 lít/100km.
Trong 4 năm đảm nhận công tác lái xe, đồng chí Lê Duy Cận đã đã tiết kiệm được 805 lít xăng, chiếm kỷ lục tiết kiệm xăng cao nhất trong toàn lực lượng CANDVT. Ngoài ra, đồng chí đã dùng chân chống kích chắn gió thay chống máy phát điện để tận dụng đẩy cánh quạt nội chạy thêm 800km mới bỏ. Có lần, bộ bạch kim bị vỡ, anh em đã bỏ đi không dùng nữa, đồng chí lại kiên trì sửa chữa để chạy thêm được 2.500km nữa.
Trong suy nghĩ của đồng đội, đồng chí Lê Duy Cận chẳng những có tinh thần trách nhiệm rất cao trong nhiệm vụ lái xe, trình độ lái vững vàng, dũng cảm, mưu trí, mà còn là một người luôn luôn khiêm tốn và cầu tiến. Do yêu cầu công tác, Ban chỉ huy đại đội đã điều động đồng chí qua 5 tiểu đội. Ở cương vị nào, đơn vị nào, đồng chí cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng anh em tích cực nghiên cứu sửa chữa xe giỏi, giải quyết nhiều trường hợp khó khăn, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng đại đội trở thành đơn vị khá nhất của tiểu đoàn.
Trong gian khó, thiếu thốn nhiều bề, trên những nẻo đường ra mặt trận bời bời lửa đạn, đồng chí Lê Duy Cận đã trở thành chiến sĩ sử dụng xe xuất sắc nhất của đơn vị, được cấp trên tin tưởng, đồng đội mến yêu và nhân dân quý trọng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Đại tá Lê Duy Cận đã được tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng Nhì, 3 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua (1966-1968). Ngày 25/81970, đồng chí Lê Duy Cận được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Những năm sau đó, Đại tá Lê Duy Cận tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại Cục Hậu cần BĐBP và lần lượt trải qua nhiều cương vị khác nhau. Năm 1989, sau khi hoàn thành khóa học nghiệp vụ tại Liên Xô, người anh hùng của ngành hậu cần BĐBP đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hậu cần. Với trọng trách mới, ông cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Cục Hậu cần xác định cần phải hướng về cơ sở, phục vụ đắc lực cho chiến đấu và công tác, phát huy tinh thần tự lực tự cường, cần kiệm...
Đặc biệt, Đại tá Lê Duy Cận luôn đau đáu phải làm thế nào giảm tỷ lệ anh em hi sinh vì sốt rét hàng năm lên tới trên 2 con số. Ông đã quyết liệt chỉ đạo và tạo điều kiện tối đa cho các cán bộ quân y tìm tòi, nghiên cứu các bài thuốc dân dân gian, từ đó nghĩ ra cách chiết xuất dược liệu từ cây thanh hao hoa vàng để chữa sốt rét cho anh em. Sau một thời gian thực nghiệm thành công tại biên giới, loại thuốc viên nén trị sốt rét đã được cấp cho toàn quân, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ bộ đội bị sốt rét, tăng cường sức khỏe, sức chiến đấu và công tác cho bộ đội.
Năm 2000, Anh hùng Lê Duy Cận nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Ông tiếp tục năng nổ tham gia công tác tại địa phương, 10 năm liên tục đảm nhận vai trò Bí thư chi bộ tổ dân phố cùng các tổ chức đoàn thể khác. Trọn cuộc đời, người anh hùng ấy đã chiến đấu anh dũng cùng đồng chí, đồng đội, góp phần đảm bảo cho những chuyến xe đưa người, đưa hàng ra tiền tuyến được an toàn... suốt những năm kháng chiến. Trong hòa bình, ông cùng Cục Hậu cần BĐBP tạo nên nhiều đổi mới trong công tác hậu cần đảm bảo. Và về với đời thường, người anh hùng ấy vẫn giản dị, hồn hậu bên những người đồng đội đã trải qua một thời lửa đạn, nuôi dạy con cháu nên người, trở thành người có ích cho xã hội.