Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Sênh: Gương sáng của người anh hùng

Lần đầu tiên được đến với quê hương cách mạng Cao Bằng - nơi ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tham dự chương trình 'Về nơi khởi nguồn' do Báo Quân đội nhân dân tổ chức, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Sênh không giấu nổi sự xúc động và hồi hộp.

Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Sênh bảo, ông xúc động vì ở tuổi ngoài 80 còn có thể hành quân vượt hàng trăm cây số lên tới nơi mà 80 năm trước 34 chiến sĩ giơ nắm tay thề “hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam”. Ông còn hồi hộp bởi không biết sẽ nói gì với các bạn trẻ Nguyễn Bình trong một sự kiện ý nghĩa như thế này. Còn chúng tôi thì ấn tượng trước sự giản dị, mộc mạc của ông.

Sinh năm 1941 ở thôn Trại Xanh, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, ngay từ nhỏ Lê Xuân Sênh đã quen với nghề sông nước do thường xuyên đi đánh bắt cá ở sông Kinh Thầy. Tháng 6-1965, ông nhập ngũ về một đơn vị công binh của Quân chủng Hải quân. Quá trình huấn luyện, biết hoàn cảnh gia đình ông khó khăn, đã có vợ và hai con nhỏ với mẹ già mắc bệnh tâm thần, đau yếu liên miên, thủ trưởng đơn vị có ý định cho ông về phục vụ ở địa phương. Tuy nhiên, ông nhất định không đồng ý. Hai lần ông viết đơn lên xin cấp trên cho về một đơn vị trực tiếp chiến đấu. Rất mừng sau đó, qua khám tuyển sức khỏe, ông đủ điều kiện đi huấn luyện đặc công nước. “Tuy nhiên mới huấn luyện được 3 tháng thì lực lượng này phải tạm dừng do chưa đủ quân số. Khi tuyển chọn đủ, chúng tôi mới thực sự bước vào những ngày khổ luyện thành tài. Qua những ngày thử vàng, thử sức ấy, với một ý chí vững vàng và lòng quyết tâm, chúng tôi mới được công nhận hoàn thành huấn luyện để được về đơn vị chiến đấu thực địa”, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Sênh tâm sự.

 Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Sênh.

Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Sênh.

Ông được biên chế về Phân đội 3, Đại đội 2, Đoàn đặc công nước 126, Bộ tư lệnh Hải quân bấy giờ. Năm 1966, đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc; chiến sĩ đặc công nước Lê Xuân Sênh cùng đồng đội đã xuất kích nhiều trận và thành công phá nhiều thủy lôi địch. Năm 1969, ông được cử vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Từ năm 1969 đến năm 1972, đồng chí là phân đội trưởng làm nhiệm vụ đánh tàu địch ở cảng Cửa Việt. Đây là một vị trí chiến lược của hải quân Mỹ và ngụy. Phía Bắc cảng Cửa Việt là hàng rào điện tử McNamara. Chúng bố trí dày đặc các căn cứ, đồn bốt với xe tăng, xe bọc thép, lính bộ binh được trang bị đủ loại vũ khí. Ngoài biển, tàu chiến tuần tiễu suốt ngày đêm. Vậy mà bất chấp nguy hiểm, ông và đồng đội nhiều lần vào và ra cảng Cửa Việt trinh sát, nắm tình hình địch, dẫn đường cho đơn vị đánh chìm hàng chục tàu địch. Cá nhân ông đánh chìm 3 chiếc.

“Trận đánh tàu địch ngày 13-11-1969 là một trong những trận đánh không thể quên của tôi. Đêm ấy khi tôi cùng tổ chiến đấu tiếp cận mục tiêu thì bất ngờ có ném lựu đạn địch ném từ trên tàu xuống. Tôi bị choáng nhưng cố duy trì tỉnh táo, cố gắng hết sức bơi vào sát tàu của chúng, đặt bộc phá nổ, kịp thời kích nổ rồi thoát ly an toàn. Chiếc tàu trọng tải 5.000 tấn của chúng bị nhấn chìm sau tiếng nổ bung của khối bộc phá. Bất chấp hỏa lực của địch ở khu vực cảng bắn ra dữ dội, tôi vẫn bình tĩnh dìu một đồng đội bị đuối sức về khu vực an toàn”, ông Sênh kể lại. Trận đánh thành công đã góp phần chặn đứt đường vận chuyển tuyến Cửa Việt - Đông Hà của địch, tạo khí thế mới cho bộ đội và nhân dân tiếp tục kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai.

Hay như trận đánh đêm 21-3-1971, Lê Xuân Sênh đã chỉ huy đơn vị luồn lách qua khu vực địch thường phục kích, tổ chức đánh bọn thám báo để tiếp cận mục tiêu và đánh chìm một tàu địch… Không được học qua trường lớp quân sự nào nhưng với tinh thần tự học, tự nghiên cứu vận dụng và kinh nghiệm thực chiến được đồng đội truyền đạt lại, ông được đồng đội tin tưởng đặt cho biệt danh "Mũi nhọn thọc sâu, đánh đâu thắng đó".

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, ngày 19-5-1972, ông Sênh vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi đang là Phân đội trưởng Phân đội 3, Đại đội 2, Đoàn đặc công nước 126.

Trong chiến tranh, đồng chí Lê Xuân Sênh là một chỉ huy dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và gan dạ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dù khó khăn gian khổ và phức tạp đến mấy cũng kiên quyết hoàn thành. Thời bình, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông đã có nhiều đóng góp cho nhân dân và sự phát triển của quê hương, tích cực cùng cấp ủy và chính quyền địa phương chăm lo đời sống của nhân dân, được nhiều người tin yêu mến phục. Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Sênh là tấm gương sáng để tuổi trẻ hôm nay học tập, noi theo.

Bài, ảnh: NINH HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/anh-hung-llvt-nhan-dan-le-xuan-senh-guong-sang-cua-nguoi-anh-hung-789612