Anh hùng LLVT nhân dân Trần Trọng Can - Người chiến sĩ can trường
Một trận đánh bắn rơi hai máy bay, sáu lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” - những chiến công ấy đã khắc họa nên chân dung Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Trần Trọng Can. Ông không chỉ là một xạ thủ cừ khôi mà còn là biểu tượng sống động của sự can trường và lòng quả cảm trong chiến đấu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.


Năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt, chàng thanh niên 19 tuổi Trần Trọng Can, quê ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (nay là xã Nam Lý, tỉnh Ninh Bình), lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Đoàn 250, Quân khu Việt Bắc (Quân khu 1) đóng tại Võ Nhai, Thái Nguyên. Sau thời gian huấn luyện, tháng 1/1968, chiến sĩ Trần Trọng Can được biên chế vào Đại đội 12 (Trung đội đại liên - 12ly7), Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 và nhận lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Đơn vị hành quân bộ từ Tuyên Quang vào Mặt trận đường 9 - B5 Quảng Trị - Một trong những mặt trận xung yếu. Tại đây, ông cùng đồng đội đã làm nên những trận đánh oanh liệt, khiến quân địch khiếp sợ.


Anh hùng LLVTND Trần Trọng Can bồi hồi nhớ lại những trận đánh ác liệt không thể nào quên, từ vị trí xạ thủ số 1 súng máy 12ly7 đến cương vị Trung đội trưởng 12ly7 của Tiểu đoàn 3 (mật danh K3 Tam Đảo).
… Ngày 4/3/1969, Khẩu đội 9 của ông nhận lệnh phục kích, đón lõng bắn máy bay Mỹ rải chất độc hóa học ở địa bàn huyện Cam Lộ. Ngay trong đêm, Khẩu đội trưởng Triệu Văn Chính chỉ huy khẩu đội chuyển súng đạn lên lèn đá T4 xây dựng công sự trận địa. Sáng ngày 5/3, sau khi ngụy trang hai trận địa cẩn thận, các thành viên trong khẩu đội cơ động đi lấy nước uống và đạn. Trận địa còn lại một mình ông. Đúng thời điểm ấy, trên trời có tiếng “ù ù”. Theo quan sát, Trần Trọng Can phát hiện một tốp 3 chiếc máy bay C130 bay theo đội hình hàng ngang, so le bậc thang, từ hai sải cánh là những luồng chất độc hóa học màu trắng phun ra. Phía cao hơn là đội hình F4H bay hộ tống. Ông nhanh chóng cơ động đến trận địa, khẩn trương thao tác với khẩu súng máy phòng không 12ly7 đưa đường ngắm vào mục tiêu và siết cò súng. Chiếc máy bay C130 trúng đạn bùng cháy rực lửa, lao xuống.
Chừng 10 phút sau khi chiếc máy bay C130 bị bắn hạ, những chiếc phản lực của Hải quân Mỹ liên tục bắn rốc két, thả bom vào khu vực trận địa của chúng tôi. Đúng lúc ấy, Khẩu đội trưởng Chính và các chiến sĩ trong khẩu đội đã cơ động về vị trí chiến đấu. Khẩu đội 9 hạ quyết tâm bám trận địa tiêu diệt giặc. Khi tốp F4H hộ tống quay trở lại, cả khẩu đội giương cao nòng súng đón đợi. Mỗi khi chúng bổ nhào cắt bom bắn phá trận địa cũng là lúc khẩu 12,7mm lại nổ vang đánh trả làm chúng hoảng loạn. Chiếc F4H ngoan cố hạ thấp độ cao cắt bom đã bị khẩu đội tiêu diệt tại chỗ. Máy bay địch bốc cháy như bó đuốc lao xuống chân cao điểm 300.

Với chiến công đặc biệt này, chiến sĩ Trần Trọng Can được đơn vị kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại mặt trận và nhận 2 danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay”. Ông nhớ lại phút giây đặc biệt: “Tôi được chi bộ tuyên bố kết nạp vào Đảng ngay tại trận địa, không cờ, hoa nhưng vô cùng xúc động và tự hào. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất của đời tôi. Khi đó tôi mới hơn 20 tuổi đời và được hơn 1 tuổi quân”.

… Bước sang năm 1972, ông cùng đơn vị tiếp tục tham gia chiến dịch Giải phóng Quảng Trị, với nhiệm vụ: Chốt giữ tại trung tâm Thành cổ, xây dựng công sự vững chắc đủ sức bám trụ dài ngày, bắn khống chế và tiêu diệt máy bay ném bom, máy bay trực thăng khi chúng bắn phá, đổ quân vào Thành cổ; đồng thời đảm bảo chi viện đắc lực cho các đại đội bộ binh chiến đấu cũng như bảo vệ Sở Chỉ huy Tiểu đoàn đặt tại cổng thành phía Tây.

Ngày 30/3/1972, toàn bộ Quảng Trị bắt đầu nổ súng, quân ta tiến đánh Cồn Tiên, Dốc Miếu rồi tiến đánh và giải phóng Cam Lộ vào ngày 2/4. Ngày 28/4, giải phóng Ái Tử, ngày 1/5 toàn bộ thị xã Quảng Trị được giải phóng. Để lấy lại tinh thần cho quân đội Việt Nam Cộng hòa và gây sức ép cho ta tại Hội nghị Paris, địch dốc toàn bộ lực lượng, mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị mà mục tiêu số 1 là chiếm lại Thành cổ. Mỹ đặt mục tiêu bằng mọi giá phải cắm cờ trên Thành cổ trước ngày 13/7/1972, tức trước khi Hội nghị 4 bên chính thức khai mạc tại Paris để thảo luận các vấn đề về Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Bởi vậy, chúng mở chiến dịch Lam Sơn 72, dùng hết các loại vũ khí tối tân nhất hòng chiếm lấy toàn bộ Thành cổ Quảng Trị.
Lúc này, đơn vị ông tham gia chốt giữ tại trung tâm Thành cổ Quảng Trị, "cái rốn" hứng chịu mọi thứ bom, đạn của kẻ thủ. Trên cương vị Trung đội trưởng 12ly7, ông đã trực tiếp chỉ huy anh em chiến đấu, đánh trả các đợt tấn công trên không của máy bay địch. Chúng dùng hỏa lực tối đa với các loại bom, pháo hạng nặng trút xuống Thành cổ với ý đồ nghiền nát các đơn vị bộ đội của ta.
Khoảng 9h sáng, một ngày trung tuần tháng 8/1972, từ độ cao hàng nghìn mét, những chiếc ABARi bay lượn, thả những quả bom hạng nặng lao xuống khu vực Sở chỉ huy Tiểu đoàn. Sau tiếng nổ ghê gớm, ông bị hất ngược lên nóc hầm, mắt mũi tối sầm lại. Khi định thần lại, nhìn ra ngoài không thấy Sở chỉ huy Tiểu đoàn đâu, mà chỉ là một bãi quang nham nhở hố bom, đạn. Nhiều đồng đội bị vùi sâu, chôn sống mà không thể cứu được. Các đợt pháo kích tiếp tục diễn ra, nén đau thương, ông lại tiếp tục chỉ huy khẩu đội về vị trí tiếp tục chiến đấu bảo vệ Thành cổ.
Những ngày bám trụ ở đây, chúng tôi không hề run sợ, và cùng chung một suy nghĩ: “Đây là nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ mục tiêu có tầm chiến lược, mọi người dù đều phải hy sinh tính mạng mình để góp phần cho chiến thắng chung chúng tôi cũng cam lòng. Làm lính thời chiến, rút lui, đầu hàng, dao động, nhụt ý chí là có tội” - ông Can chia sẻ. Đây là 2 trong nhiều trận đánh ác liệt mà Anh hùng LLVTND Trần Trọng Can cùng đồng đội đã trải qua góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Trong những năm chiến đấu ác liệt tại chiến trường đường 9 - B5, Trần Trọng Can đã chứng minh bản lĩnh thép của một người lính Bộ đội Cụ Hồ. “Vì anh ấy tên Can nên chiến đấu rất can trường” là lời nhận xét của các đồng đội từng sống và chiến đấu cùng ông. Giải thích về lời nhận xét của đồng đội, ông cho biết: “Trong chiến đấu, đối mặt với kẻ thù, mình phải có bản lĩnh mới tiêu diệt được chúng!”.

Với lối đánh táo bạo linh hoạt, dũng cảm can trường, ông đã cùng đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc. Từ năm 1968 đến năm 1971, ông đã bắn rơi 6 máy bay trong các trận đánh thuộc khu vực: điểm cao 622; lèn đá T4 thuộc cao điểm 300; cao điểm 415; khu vực “Đồi Hành”; điểm cao 300 đất trên mặt trận đường 9 - B5 Quảng Trị.

Tháng 2/1976, sau gần 10 năm chiến đấu trong quân đội với nhiều lần bị thương, sức khỏe yếu, ông Trần Trọng Can xin chuyển ngành về công tác tại mỏ than Khánh Hòa, tỉnh Bắc Thái với thương tật 2/4. Ra quân tròn 3 năm, đến tháng 3/1979 khi chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, mặc dù là thương binh nhưng cựu chiến binh Trần Trọng Can đã tình nguyện tái ngũ trở lại quân đội lần thứ 2 với quyết tâm mạnh mẽ và hăng hái như thủa ban đầu.

Ông được điều về Trường Quân sự Hà Nam Ninh làm cán bộ khung, tham gia tổ chức huấn luyện chiến sĩ tăng cường cho các mặt trận. Năm 1983, ông được điều về công tác tại Trung đoàn 582, Sư đoàn 432, Quân khu 3. Đến năm 1990, ông nghỉ chế độ, trở về quê hương Lý Nhân, vừa lao động sản xuất, vừa tham gia công tác xã hội ở thôn, xã, ông luôn được bà con quý mến.
Đến năm 2011, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đề nghị Bộ Quốc phòng xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho cựu chiến binh Trần Trọng Can, vì những thành tích đặc biệt trong quá trình chiến đấu tại mặt trận đường 9 - B5 Quảng Trị.
Ngày 26/7/2012, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Danh hiệu này là vinh dự lớn lao đối với cá nhân cựu chiến binh Trần Trọng Can, nhưng ông luôn xem đó là phần thưởng chung của cả đơn vị. “Đây là sự tự hào, niềm vinh dự chung của đơn vị, được làm nên từ mồ hôi, nước mắt và máu xương của bao đồng đội”. Ông Can xúc động chia sẻ.
Thiếu tá, Anh hùng LLVTND Trần Trọng Can - người lính nhỏ bé nhưng mang trong mình tinh thần can trường, không bao giờ lùi bước trước kẻ thù. Ông là hình ảnh cụ thể của một thế hệ Bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng hiến dâng tất cả vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Những chiến công của ông không chỉ được ghi trong sử sách, mà còn sống mãi trong ký ức của đồng đội và thế hệ trẻ hôm nay - như một ngọn lửa truyền thống không bao giờ tắt.

