Chuyện công nhận Nhà nước Palestine nóng lên với tuyên bố của ông Macron

Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ công nhận Nhà nước Palestine có thể gây áp lực lên Israel và truyền thông điệp đến các đồng minh châu Âu.

Ngày 24-7, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này sẽ chính thức công nhận Nhà nước Palestine khi ông có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 tới.

“Trung thành với cam kết lịch sử vì một nền hòa bình công bằng và bền vững tại Trung Đông, tôi quyết định rằng Pháp sẽ công nhận Nhà nước Palestine” – ông Macron viết.

Tổng thống Macron kêu gọi cộng đồng quốc tế chung sức “xây dựng Nhà nước Palestine, đảm bảo sự tồn tại của nhà nước này và đưa nhà nước này vào hoạt động” để “đóng góp cho an ninh của tất cả mọi người ở Trung Đông”.

Tuyên bố của ông Macron đã làm dấy lên loạt phản ứng trái chiều. Trong đó, Bộ Ngoại giao Palestine, Hamas lên tiếng ủng hộ. Ngược lại, phía Israel và Mỹ chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của ông Macron.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Ludovic Marin/AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Ludovic Marin/AFP

Phản ứng bất ngờ?

Tuyên bố của ông Macron cho thấy ông đã thực hiện một bước đi mà các tổng thống Pháp tiền nhiệm thường tránh đề cập, đó là vấn đề công nhận Nhà nước Palestine.

Theo tờ The New York Times, một trong những động lực lớn để nhà lãnh đạo Pháp đưa ra tuyên bố trên là tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của nạn đói, khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, khiến nhiều người thiệt mạng.

“Hình ảnh trẻ em Gaza chết đói, vào thời điểm Mỹ không gây áp lực lên Israel, dường như đã khiến ông Macron cảm thấy điều này không nên xảy ra nữa. Ông ấy tin rằng đây là cách duy nhất để chấm dứt giết chóc” – ông Gilles Kepel, chuyên gia hàng đầu của Pháp về Trung Đông, nêu quan điểm.

Trước đây, phía Pháp từng thể hiện quan điểm rằng họ chỉ công nhận Nhà nước Palestine khi các quốc gia Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Israel, khi Hamas hạ vũ khí và thả tất cả con tin Israel được thả tự do.

Tuy nhiên, tình hình diễn ra ở Gaza có thể đã thúc giục phía Pháp đẩy nhanh tiến độ nói trên. Trong chuyến thăm Ai Cập vào tháng 4, ông Macron đã rất xúc động khi gặp gỡ những người Palestine sống sót sau khi rời khỏi Gaza. Đó cũng là lần đầu tiên ông nói về khả năng công nhận Nhà nước Palestine.

Tuần qua, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cũng phát biểu rằng: "Không còn bất kỳ lý do chính đáng nào cho các hoạt động quân sự của lực lượng Israel tại Gaza. Cuộc tấn công này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã thảm khốc và gây ra thêm tình trạng sơ tán cưỡng bức người dân – điều mà chúng tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất".

Những "ngôn từ mạnh mẽ nhất" đó đã được thể hiện trong quyết định của ông Macron. Theo The New York Times, bằng cách công nhận Nhà nước Palestine, ông Macron đã bày tỏ sự phản đối hành động hiện tại của Israel ở Gaza và hy vọng tạo động lực ngoại giao cho giải pháp hai nhà nước.

 Gaza đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng do xung đột Israel-Hamas kéo dài. Ảnh: AFP

Gaza đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng do xung đột Israel-Hamas kéo dài. Ảnh: AFP

Tuyên bố của ông Macron có tác động ra sao?

Theo đài Euro News, Pháp là quốc gia có cộng đồng Do Thái lớn nhất châu Âu và cũng là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất Tây Âu. Là một trong những quốc gia sáng lập Liên minh châu Âu, tiếng nói của Pháp có trọng lượng đáng kể không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới.

Quyết định sẽ công nhận Nhà nước Palestine có thể sẽ gây thêm áp lực lên Israel, nhất là vào thời điểm Israel đang chịu sức ép từ nhiều phía về vấn đề khủng hoảng nhân đạo tại Gaza.

"Việc Pháp công nhận Nhà nước Palestine gửi một tín hiệu tới Israel rằng họ đang gặp vấn đề trong mắt các đồng minh vì những hành động của họ ở Gaza. Nó cũng phản đối nỗ lực của Israel nhằm xóa bỏ khả năng thành lập một Nhà nước Palestine” – ông Martin Konecny, người điều hành tổ chức nghiên cứu Dự án Trung Đông châu Âu tại Brussels (Bỉ), cho biết.

Các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng bằng tuyên bố trên, ông Macron đang hy vọng có thể gây áp lực lên các đồng minh châu Âu, bao gồm Anh, Đức và Ý, để họ có lập trường và khôi phục giải pháp hai nhà nước đã bị đình trệ từ lâu.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều chính phủ châu Âu đã ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhưng cho rằng việc chính thức công nhận Nhà nước Palestine nên song hành với một giải pháp lâu dài để giải quyết cho cuộc xung đột ở Trung Đông.

"Chúng tôi không thể chấp nhận thảm sát và nạn đói nữa. Ý ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhưng việc công nhận Nhà nước Palestine nên được thực hiện đồng thời với việc người Palestine công nhận nhà nước Israel" – Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani trả lời hãng thông tấn ANSA hôm 25-7.

 Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: Adrian Dennis/AFP

Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: Adrian Dennis/AFP

Thủ tướng Anh Keir Starmer tối 24-7 cũng lên án những đau khổ "không thể diễn tả thành lời và không thể bào chữa" ở Gaza, đồng thời khẳng định người dân Palestine có "quyền bất khả xâm phạm" đối với một nhà nước của riêng họ.

Phản ứng của các bên xoay quanh tuyên bố của ông Macron

Ngày 25-7, nhóm vũ trang Hamas hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc sẽ công nhận Nhà nước Palestine tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 tới. Phía Hamas cho rằng tuyên bố của ông Macron là "một bước đi tích cực đúng hướng", hướng tới công lý cho người dân Palestine và ủng hộ quyền tự quyết của họ.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Palestine cũng hoan nghênh tuyên bố của ông Macron, mô tả động thái này là bước đi "lịch sử".

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ tuyên bố này của ông Macron.

"Những gì ông ấy [ông Macron] nói chẳng quan trọng gì cả. Tuyên bố đó chẳng có giá trị gì cả" – Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 25-7.

Ông Charles Kushner – tân đại sứ Mỹ tại Pháp – gọi quyết định của ông Macron là "một món quà cho Hamas và một đòn giáng vào hòa bình".

Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của ông Macron, cho rằng việc công nhận Nhà nước Palestine trong bối cảnh hiện nay là “phần thưởng cho khủng bố”.

“Rõ ràng là Palestine không tìm kiếm một nhà nước bên cạnh Israel, họ muốn một nhà nước thay thế Israel” – ông Netanyahu nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-cong-nhan-nha-nuoc-palestine-nong-len-voi-tuyen-bo-cua-ong-macron-post862497.html