Anh hùng Phan Thị Hồng Châu (tức Minh Hiền): 'Thà chết một mình mình để cho nhiều gia đình hạnh phúc'

Như một nhân duyên, tôi kết bạn Facebook với hai chị em nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, một trường hợp hiếm có của cách mạng Việt Nam. Đó là Đại tá, Anh hùng Phan Thị Hồng Châu (tức Minh Hiền) và Đại tá, Anh hùng Phan Thị Ngọc Tươi, hai nữ chiến sĩ trung kiên của An ninh vũ trang trên quê hương Đồng Khởi Bến Tre. Nữ anh hùng Phan Thị Hồng Châu, có bí danh là Nguyễn Thị Minh Hiền được tuyên dương ngày 6/1/1974 khi vừa tròn 20 tuổi. Bà được cử là đại diện thanh niên Việt Nam tiêu biểu sang Cộng hòa Dân chủ Đức tố cáo tội ác của quân xâm lược Mỹ. Bà cũng là một trong hai nữ anh hùng được tôn vinh trong Bảo tàng Biên phòng.

Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1974. Ảnh: Tư liệu

Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1974. Ảnh: Tư liệu

“Hồi đó, hai chị em tôi còn nhỏ, nhưng ba má tôi đã tham gia cách mạng từ rất lâu, hoạt động trong vùng giải phóng Tam Phước rồi chuyển về Thành Triệu, tỉnh Bến Tre nên gửi hai chị em tôi ở nhà bà ngoại tại vùng tạm chiếm Sơn Hòa. Bà nghèo, lại già yếu, nhà không có ruộng đất nên hai chị em đi ở đợ, hái rau bán, nhín nhút chút tiền, khi được vô “cứ” là đưa hết tiền cho ba má. Má thấy con đi ở đợ, xót xa má khóc hết nước mắt. Rồi có hôm có gạo, mấy má con nấu cơm trắng ăn, không phải độn khoai mì, ngon khó tả... Nhưng rồi sau này lớn hơn chút, tôi đã phải phải trực tiếp chứng kiến cảnh cha bị bắn vào đầu và hy sinh ngay trước mắt mình. Vậy là, tôi quyết tâm thoát ly gia đình, tham gia cách mạng, miễn làm sao để giết giặc, trả thù cho đồng bào, đồng đội, trả thù những đứa đã giết chết cha tôi” - Đại tá Minh Hiền bắt đầu câu chuyện bằng những hồi ức về thuở thiếu thời khiến chúng tôi không khỏi cảm thương.

Đó là vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, phong trào đấu tranh của quần chúng tại Bến Tre sôi nổi, rầm rộ. Đặc biệt, trong tầng lớp thanh thiếu niên thị xã Bến Tre càng sục sôi hơn bao giờ hết. Hòa chung không khí đấu tranh của quần chúng, được sự giúp đỡ của các cán bộ an ninh địa phương, cô bé Tư Châu mới 14 tuổi đã đổi tên là Minh Hiền tiếp bước ba má theo cách mạng. Đó là một niềm vui sướng, đồng thời cũng là một trách nhiệm vô cùng nặng nề. Mặc dù đã trở thành chiến sĩ vũ trang, nhưng cô vẫn tiếp tục làm người ở cho một gia đình công chức trong chính quyền ngụy. Gia đình này có một người em trai làm sĩ quan cảnh sát. Hàng ngày, bọn công an, cảnh sát, chiêu hồi... vẫn thường tập trung nhậu nhẹt, ăn uống.

“Tới năm 1969, đơn vị T30 trực thuộc Ban An ninh tỉnh Bến Tre được thành lập do chú Bảy Cường làm chỉ huy với mục đích “đưa chiến trường vào lòng địch, tiêu diệt mục tiêu và các đối tượng chỉ định". Tôi cùng anh ruột và em ruột của mình là Ba Hoàng và Út Tươi cùng hoạt động trong T30. Do tôi đã tạo được vỏ bọc, chui sâu vào lòng địch, lại được các chú, các anh huấn luyện các kỹ năng hoạt động nên tôi không sợ gì cả, chỉ nghĩ làm sao diệt được kẻ thù. Tôi tham gia cả thảy 17 trận đánh, tiêu diệt và làm bị thương 174 tên, nhiều lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy” - Đại tá Minh Hiền kể.

Lớn hơn chút, Minh Hiền trổ mã thành thiếu nữ khiến nữ chủ nhà mà cô ở đợ tỏ ý ghen tuông, dù còn ít tuổi, song cô không sợ mang tiếng, chỉ sợ lộ thì sẽ không thể hoạt động được tiếp trên địa bàn. Trong hoàn cảnh đó, Minh Hiền vừa chu đáo, tận tình giữ em cho gia chủ, kiêm cả việc nấu cơm, đi chợ, quét dọn nhà cửa và khẳng định mình không tâm tư gì với chủ nhà. Đôi khi, đám cảnh sát ngụy đến chơi nhà chủ cũng có ý dò la cô bé về hoàn cảnh gia đình, công việc hàng ngày và một số tình hình hoạt động của cách mạng. Song cô đã khôn khéo cung cấp một số tin tức và không hề để lộ lọt điều gì bất lợi. Từ vợ chồng nhà chủ, Minh Hiền đã khai thác được nhiều thông tin, tài liệu rất có lợi cho ta.

Năm 1970, An ninh vũ trang thị xã Bến Tre triển khai diệt một số tên ác ôn, gián điệp đầu sỏ trong thực hiện “bình định - Việt Nam hóa”, làm cho địch rất hoang mang, lúng túng. Ngày 27/1/1097, địch tổ chức Hội nghị công chức của tỉnh nên các trưởng đoàn “bình định” của các dịa phương tụ tập hội họp. Minh Hiền đóng giả làm người bán quà bánh lọt được vào trong, khôn khéo vừa bán hàng, vừa đặt mìn định hướng, mìn nổ đã làm chết và bị thương 17 tên địch, trong đó có một trung úy, một thiếu úy phụ trách công việc huấn luyện và 13 tên chỉ huy “bình định”.

Đại tá Nguyễn Thị Minh Hiền xem lại những tấm ảnh ngày trẻ của mình cùng đồng đội. Ảnh: NVCC

Đại tá Nguyễn Thị Minh Hiền xem lại những tấm ảnh ngày trẻ của mình cùng đồng đội. Ảnh: NVCC

Tiếp đó, ngày 1/4/1970, Minh Hiền đã mưu trí sử dụng mìn định hướng đánh tại khách sạn Caravelle, diệt và làm bị thương 44 tên, trong đó có một tên đại úy phụ trách huấn luyện, còn lại là bọn cảnh sát công an và một số cán bộ “bình định”, làm rung động chính quyền Sài Gòn. Nhớ lại nhiệm vụ này, Đại tá Minh Hiền nói, chính bản thân mình không nghĩ là có thể sống sót mà đã xác định là sẽ chết. "Biết chết vẫn làm, bởi vì sao? Bởi vì nếu không làm được thì còn chết nhiều hơn, không chỉ gia đình mình mà còn nhiều gia đình khác. Thà chết một mình mình để cho nhiều gia đình hạnh phúc” - người nữ chiến sĩ An ninh vũ trang ấy đã tự hỏi và trả lời mình như vậy.

Năm 1972, Minh Hiền được bố trí ra miền Bắc học tập. Tới năm 1973, cô vinh dự là một trong những thanh niên tiêu biểu, đại diện cho Việt Nam sang Cộng hòa Dân chủ Đức tố cáo tội ác của giặc Mỹ. Tại đại hội, Minh Hiền đã phát biểu khẳng định hai điều: Việt Nam chống Mỹ cứu nước là một sự nghiệp chính nghĩa. Cô kêu gọi thanh niên thế giới ủng hộ Việt Nam về vật chất lẫn tinh thần cho cuộc kháng chiến. “Tại đại hội, trong cuộc họp báo có sự tham dự của các nhà báo 91 nước, một nhà báo đoàn Mỹ hỏi tôi: Bạn có căm thù tôi không? Tôi trả lời, bạn tới đây vì yêu chuộng hòa bình, tự do trên toàn thế giới, sao tôi căm thù bạn được. Tôi chỉ căm thù đế quốc Mỹ xâm lược nước tôi” - Đại tá Minh Hiền chia sẻ thêm.

Năm 1974, người nữ trinh sát xứ Dừa đó đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Câu chuyện chiến đấu, hoạt động ngay trong sào huyệt quân thù của Minh Hiền cũng trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Sau khi đất nước hòa bình, Minh Hiền trở về quê hương và tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa VI và tiếp tục theo học Đại học An ninh. Sau nhiều năm cống hiến trong ngành công an, Đại tá Minh Hiền nghỉ hưu trên cương vị Phó Trưởng Công an quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Đặng Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-hung-phan-thi-hong-chau-tuc-minh-hien-quottha-chet-mot-minh-minh-de-cho-nhieu-gia-dinh-hanh-phucquot-post473676.html