Anh hùng thời chiến, gương sáng thời bình

ĐBP - Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, có biết bao người con đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì đất nước. Hòa bình lập lại những người con anh hùng - thế hệ cựu chiến binh ấy lại đem nhiệt huyết, trí tuệ phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương; là tấm gương sáng cho con cháu và thế hệ trẻ noi theo. Chúng tôi đã gặp một cựu chiến binh như thế, ông là Trần Văn Tiệp trú tại đội 11, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên).

Cựu chiến binh Trần Văn Tiệp, đội 11, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Như nhiều thanh niên cùng trang lứa, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc năm 1979 khi vừa tròn đôi mươi, chàng trai trẻ Trần Văn Tiệp viết huyết tâm thư xin đi bộ đội. Sau thời gian huấn luyện ông được biên chế về Ðại đội 33 (Sư đoàn 326) tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tại mặt trận Phong Thổ (tỉnh Lai Châu). Phong Thổ là chốt chặn quan trọng trong khu vực phòng thủ biên giới ngăn không cho quân địch tiến sâu vào nội địa nên bị quân địch ngày đêm bắn phá ác liệt. Trong hoàn cảnh đó ông cùng các chiến sĩ Ðại đội 33 anh dũng kiên cường chống lại những đợt đạn pháo của quân địch. Ðồng thời, tổ chức các đợt phản công để mở đường cho bộ binh của ta tiến lên... Ông Tiệp tâm sự: Bộ đội pháo binh có vai trò rất quan trọng, quyết định đến 90% thắng lợi trong các cuộc đối đầu của bộ binh. Vì việc bắn phá nhanh chính xác trận địa pháo, mục tiêu của quân địch sẽ mở đường cho bộ binh của ta tiến lên.

Năm 1983, ông Tiệp xuất ngũ trở về quê hương. Khó khăn chồng chất khi điều kiện kinh tế - xã hội đất nước đang trong giai đoạn kiến thiết, phục hồi sau chiến tranh. Anh chị em đi làm ăn xa, nhà chỉ còn mẹ già ngoài 80 tuổi. Nhưng những khó khăn, thiếu thốn trước mắt không ngăn được ý chí phấn đấu vươn lên của người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống trang trại được đầu tư khang trang rộng 2,3ha, ông Tiệp nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp gian khó. Trở về quê hương năm 1983, đến cuối năm 1984 tôi xây dựng gia đình. Ngoài làm ruộng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, hai vợ chồng bươn chải làm đủ nghề từ lên rừng lấy măng, mộc nhĩ, lấy củi đến đi gánh đất, đóng gạch thuê... để trang trải cuộc sống. Nỗ lực làm việc, cuộc sống gia đình dần ổn định, không còn phải lo cái ăn cái mặc như trước nữa. Ðến năm 2006, khi xã Thanh Chăn có chủ trương cho cá nhân, hộ gia đình thầu 2,3ha mặt nước của xã để phát triển chăn nuôi thủy sản, tôi đã bàn với vợ quyết định nhận thầu diện tích mặt nước này để đầu tư chăn nuôi. Số tiền tích lũy cộng với vay ngân hàng 500 triệu đồng, gia đình quyết định đầu tư xây dựng 200m2 chuồng nuôi lợn thương phẩm, 200m2 chuồng gà, vịt; 1,8ha mặt nước chia thành hệ thống 5 ao nuôi cá giống và cá thương phẩm. Với mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”, vừa chăn nuôi vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, mới đầu gia đình chỉ nuôi từ 20 - 50 con lợn, 200 con vịt đẻ... Trong những ngày đầu mới nuôi chưa có kinh nghiệm không tránh khỏi bệnh dịch, thậm chí có năm còn mất trắng cả vốn. Khắc phục tình trạng dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngoài việc tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn, gia cầm... do huyện tổ chức, tôi còn chủ động đi tham quan, học hỏi từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Ðặc biệt là quyết tâm đầu tư máy tính kết nối mạng internet để thường xuyên tìm hiểu, trao đổi thông tin về chăn nuôi thủy sản, gia cầm với các chủ trang trại, các nhà khoa học... Tích lũy phương pháp và cách chăn nuôi của riêng mình, phù hợp với điều kiện địa phương; hiện nay gia đình nuôi gần 100 con lợn thương phẩm, trên 500 con vịt đẻ, 1,8ha ao cá. Trung bình xuất ra thị trường 40 tấn cá thương phẩm, trên 10 tấn lợn thịt/năm, tổng thu nhập trên 3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về trên 500 triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động, tạo việc làm thời vụ cho trên 20 người.

Kinh tế gia đình vững vàng là điều kiện thuận lợi để ông Tiệp làm nhiều công việc từ thiện, các hoạt động tình nghĩa hướng về những người đồng đội năm xưa, những người đã kề vai sát cánh cùng ông trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. “Từng là người lính vào sinh ra tử ở chiến trường, tôi may mắn khi trở về lành lặn và được sống trong hòa bình. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại chiến trường; nhiều người trở về nhưng thân thể không còn nguyên vẹn; nhiều người cuộc sống lại vô cùng khó khăn. Với nghĩa tình đồng chí, đồng đội, tôi cùng các đồng chí trong Hội Doanh nhân Cựu chiến binh cố gắng tạo điều kiện giúp đỡ con em đồng đội, gia đình chính sách có việc làm ổn định; hỗ trợ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn...” - ông Tiệp chia sẻ.

Với tình cảm ấy, tính riêng từ năm 2015 đến nay, cựu chiến binh Trần Văn Tiệp cùng Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh vận động quyên góp trên 500 triệu đồng làm 5 ngôi nhà tình nghĩa giúp các hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm của ông Tiệp và các cựu chiến binh trong thời bình góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ: Anh hùng trong thời chiến, gương sáng trong thời bình.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/179597/anh-hung-thoi-chien-guong-sang-thoi-binh