Anh hùng trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động
Vườn cây ăn trái của người dân ở thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc. Ảnh: MINH DUYÊN
Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hòa Quang Bắc trở thành một xã đạt chuẩn nông thôn mới điển hình của Phú Yên nói chung và huyện Phú Hòa nói riêng. Vùng đất giàu truyền thống cách mạng này đang từng ngày đổi mới.
KỲ I: Đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương
Xã Hòa Quang Bắc hôm nay như được khoác trên mình một chiếc áo mới. Hai bên đường liên xã từ Hòa Trị đến Hòa Quang Bắc, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, khang trang. Những con đường hoa mười giờ rực rỡ sắc màu trong nắng vàng tạo nên một bức tranh làng quê thật bình yên.
Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mảnh đất Hòa Quang (cả Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam ngày nay) đã lưu giữ biết bao dấu ấn và chứng tích lịch sử oai hùng. Địa danh Hòa Quang mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thân thương.
44 năm đã trôi qua nhưng người dân Hòa Quang không thể nào quên sự khốc liệt của chiến tranh cũng như sức chịu đựng của vùng đất này. Là căn cứ địa cách mạng, bom đạn kẻ thù dội xuống mảnh đất Hòa Quang không kể xiết. Trong khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, nhân dân Hòa Quang vẫn kiên cường bám trụ, giữ đất, giữ làng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Hòa Quang đã cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú nhất của mình: toàn xã có 363 liệt sĩ, 138 thương, bệnh binh, 35 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cán bộ và nhân dân xã Hòa Quang đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng gần 2.000 huân, huy chương các loại; 117 dũng sĩ Quyết thắng.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, quân và dân xã Hòa Quang Bắc đã anh dũng kiên cường, lập nên bao chiến công oanh liệt. Năm 1995, 1997, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Quang (Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam ngày nay) đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng nhì.
Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, cán bộ và nhân dân xã Hòa Quang Bắc đang ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng bình yên, giàu đẹp. Là một xã bán sơn địa có diện tích 5.093ha, xã Hòa Quang Bắc có 8 thôn với số dân khoảng 12.500 người, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông và lâm nghiệp. Ông Phan Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc cho biết: Trước năm 2013, khi chưa triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM do Đảng và Nhà nước đề ra, đời sống kinh tế của người dân còn rất nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm… ở xã chưa được đầu tư nâng cấp như bây giờ. Vào thời điểm đó, các tuyến đường liên thôn chưa được bê tông hóa và chưa có hệ thống đèn chiếu sáng đến từng thôn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 26 triệu đồng/người/năm. Các làng nghề, mô hình tổ hợp tác trang trại có đầu tư nhưng quy mô chưa lớn, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để mang lại hiệu quả cao. Từ năm 2013 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân trong xã đã đồng tâm, hiệp lực, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, xây dựng quê hương Hòa Quang Bắc ngày càng phát triển.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã tham gia tích cực vào phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM”, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền vận động, giúp mỗi người dân nhận thức được lợi ích về vật chất và tinh thần mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại. Ngay sau khi triển khai các chương trình, kế hoạch của UBND xã, các tầng lớp nhân dân đều đồng tình, hưởng ứng, tham gia tích cực. Xác định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là nền tảng thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế phát triển nên trong những năm qua, xã Hòa Quang Bắc đã huy động toàn dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, con em thành đạt của xã trên khắp mọi miền đất nước đã ủng hộ 3 tỉ đồng để xây dựng đường bê tông nông thôn. Hiện tại, các tuyến đường liên thôn như Nho Lâm - Cẩm Sơn, Mậu Lâm Bắc - Thạnh Lâm… đều được bê tông hóa và có hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đi lại, giao thương buôn bán…, đồng thời góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm.
Ông Phan Thanh Đồng chia sẻ: Nhờ có chủ trương đúng đắn, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự mạnh dạn trong chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng mà kinh tế ở xã Hòa Quang Bắc không ngừng phát triển. Hiện tại ngoài 778ha trồng lúa hai vụ, bà con trong xã còn trồng các cây công nghiệp ngắn ngày như đậu phộng, bắp, đậu xanh, đậu đen, mè..., góp phần tăng thu nhập. Đặc biệt, xã Hòa Quang Bắc có 5 sản phẩm đặc trưng được tỉnh công nhận là: mít, mãng cầu dai, sắn nước, hoa lay ơn và trứng gà sạch. Cùng với làng nghề trồng hoa, trồng rau ở thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa), làng nghề trồng hoa lay ơn và rau màu ở thôn Ngọc Sơn Đông, xã Hòa Quang Bắc cũng khá nổi tiếng; thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh. Hiện làng nghề này có 96 hộ dân với 330 người tham gia hoạt động nghề. Sản lượng bắp và sắn nước khoảng 620 tạ/ha; hoa lay ơn khoảng 280.000 cây/500m2. Bà con làng nghề đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, sử dụng hệ thống phun nước bằng béc tự động. Nhờ đó đã mang lại thu nhập cao cho các hộ dân nơi đây với bình quân khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Cùng với việc phát triển làng nghề, xã Hòa Quang Bắc còn thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư, sản xuất kinh doanh như Công ty TNHH Quang Sơn, Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát... Vào lúc cao điểm, các công ty này có tới hơn 600 công nhân, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân lúc nông nhàn.
Để địa phương phát triển bền vững, Ban Nhân dân từng thôn đã thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề; đưa nội dung bảo vệ môi trường làng nghề vào hương ước, quy ước tại địa phương. Mô hình “Sáng, xanh, sạch, đẹp” được bà con tham gia hưởng ứng.
Quan tâm đến công tác giáo dục, xã đã đầu tư nhiều tỉ đồng để xây dựng những ngôi trường khang trang; 100% các cháu ở độ tuổi đi học được đến lớp. Hiện tại, 4 trường trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới điện đã phủ kín toàn xã, tạo điều kiện cho bà con tăng năng suất lao động và tiếp cận những thông tin bổ ích, học hỏi nhiều kinh nghiệm hay trong sản xuất và chăn nuôi trên mọi miền đất nước. Trạm Y tế xã cũng có đầy đủ phương tiện để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Theo ông Trần Văn Tam ở thôn Mậu Lâm Bắc, xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên được người dân đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Nhờ đó, không những đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, điện sáng khắp vùng quê mà đời sống của người dân cũng được nâng lên đáng kể.
KỲ CUỐI: Sức sống mới trên vùng đất Hòa Quang Bắc
Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, cán bộ và nhân dân xã Hòa Quang Bắc luôn chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là xã NTM kiểu mẫu của huyện Phú Hòa.