'Anh hùng tương ngộ' đạt kỷ lục Việt Nam

Với những nét độc đáo, cây đa cảnh 'Anh hùng tương ngộ'' của anh Nguyễn Văn Khiếu ở khu dân cư Mỹ Động, phường Hiến Thành (Kinh Môn) đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận giá trị kỷ lục độc bản tại Việt Nam.

Tác phẩm "Anh hùng tương ngộ"

Tác phẩm "Anh hùng tương ngộ"

Dáng hổ và đại bàng

Theo lời kể của anh Khiếu, qua nhiều đời chăm sóc, cây đa này ước đã trên 200 năm tuổi. Thân cây xù xì, vỏ cây đã mốc rêu xanh thể hiện rõ sự cổ kính. Anh Khiếu mua cây này cách đây 16 năm. Trước đó cây thuộc sở hữu của một người ở tỉnh Thái Nguyên. Cụ tổ của người này trong một lần đi qua núi Yên Tử (Quảng Ninh) thấy có một cây đa cổ thụ đã nhặt hạt đa dưới gốc mang về trồng.

Ngay từ khi còn nhỏ thân cây có hình con hổ đang giữ mồi và bên trên là những tán lá cây được mọc ra từ hai cành rất vững chãi. Trải qua hàng trăm năm, gia chủ chưa có bất kỳ can thiệp nào vào dáng thế của cây. Vốn có chút hiểu biết về cây cảnh và dựa trên những đặc điểm vốn có của cây nên sau khi bàn bạc với các nghệ nhân, anh Khiếu quyết tâm tạo thành hình con hổ bên dưới và con đại bàng bên trên.

Theo quan niệm của người Việt, mãnh hổ là chúa tể của rừng xanh, còn đại bàng thống trị bầu trời. Tác phẩm này chính là thể hiện quan điểm của anh trong cuộc sống cũng như công việc, không hề khuất phục trước khó khăn... Để tạo sự độc đáo, ngoài việc kỳ công uốn nắn, chỉnh sửa, tạo dáng cho sắc nét hơn, anh Khiếu còn bổ sung thêm các tảng đá ở dưới làm biểu tượng như một con lợn rừng bị mãnh hổ vồ, bên trên là con đại bàng đang muốn tranh giành mồi. Vì thế, sự độc đáo trong tác phẩm này còn thể hiện ở chỗ hai con vật biểu tượng sức mạnh của tự nhiên lại được kết hợp hài hòa trong một cây đa có tuổi thọ rất lâu đời.

Không chỉ kỳ lạ trong hình dáng tác phẩm mà chữ "kỳ" còn thể hiện sự kỳ công của chủ nhân. Để có tác phẩm hoàn mỹ như hiện nay, cần có sự kiên trì, nhẫn nại của người chăm sóc. Theo anh Khiếu, có khi chỉ tạo một chi tiết trên tác phẩm thôi nhưng từ lúc bắt đầu đến lúc thành hình hài hoàn chỉnh cũng mất đến vài năm. Người trồng phải hiểu được đặc điểm của cây cảnh để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Với cây bonsai, chỉ được tưới nước, không được bón lân, đạm, bởi nếu bón cây sẽ phát triển to lớn và trở thành cây bóng mát. Cây cũng thường xuyên được cắt tỉa các chi tiết thừa bởi nếu không sẽ phá vỡ hình dáng của cây.

Cây đa "Anh hùng tương ngộ" được đánh giá đẹp từ tổng thể đến từng chi tiết. Nhìn vào thân cây có thể thấy từng chi tiết như vai, thân và phần bụng võng xuống, phần đuôi của con hổ là những rễ cây được bện vào rất rõ nét, hài hòa, không có chỗ thừa. Trong nghệ thuật chơi cây cảnh, nhiều nghệ nhân cũng tạo được những kiệt tác nhưng để có một cây cảnh mang dáng dấp hình con hổ rõ ràng như vậy thì bàn tay con người khó có thể can thiệp được mà chỉ có thể do thiên nhiên ban tặng. Phần con chim đại bàng cũng khá giống với đôi cánh dang rộng, những chiếc lá tượng trưng cho lông chim mềm mại bay trong gió, hai chân đang thò xuống như muốn tranh cướp con mồi mà con hổ đang giữ...

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục cho tác phẩm

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục cho tác phẩm

Để chăm chút cho tác phẩm hoàn mỹ hơn, anh Khiếu đã không tiếc khi đầu tư hàng tỷ đồng để dát vàng và gắn ngọc cho bồn cây, từ đó càng tạo nên giá trị của tác phẩm.

Đánh giá về "Anh hùng tương ngộ", ông Ngô Văn Hanh, Chủ tịch Hiệp hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết: “Đây là một tác phẩm độc đáo, thể hiện được ý tưởng mới lạ, sự cầu kỳ đầu tư công sức, thời gian cũng như tiền bạc của chủ cây. Hiếm có một cây nào có hình dáng đặc biệt như vậy’’.

Kiên trì theo đuổi

Để có được tác phẩm này là cả một chặng đường gian nan nếu như không đủ đam mê thì anh Khiếu không thể kiên trì theo đuổi được.

Công việc thiết kế quảng cáo thường xuyên nay đây mai đó nên anh Khiếu có cơ hội được tiếp cận với nhiều cây cảnh đẹp, có giá trị của nhiều nghệ nhân và người chơi cây cảnh. Thế nhưng chưa có tác phẩm nào để lại ấn tượng đặc biệt với anh. Rồi cơ duyên đến khi một lần anh đi Thái Nguyên công tác và được bạn giới thiệu đến thăm cây này ở nhà một người quen. Lần đầu nhìn thấy cây, anh Khiếu sững sờ bởi sự độc, lạ của nó. Vốn là người làm kinh doanh, thích tìm hiểu ý nghĩa của sự vật và hiểu biết nên anh thấy nếu được rèn giũa, chỉnh sửa thì đây sẽ là một tác phẩm độc nhất vô nhị với những ý nghĩa rất đặc biệt về biểu tượng sức mạnh.

Trước anh Khiếu, đã có nhiều người đến hỏi mua nhưng chủ cây không bán, ngay cả với anh Khiếu cũng vậy. Thế nhưng, khi thấy anh Khiếu không chỉ say mê mà còn hiểu biết sâu sắc về hình dáng, đặc điểm và ý nghĩa của cây nên sau nhiều lần thương thuyết, chủ cây đã đồng ý bán cho anh. "Thời điểm ấy, cứ rảnh rỗi là tôi lại đi lên để ngắm cây, có lúc gặp chủ nhà, có lúc không gặp được. Dù đường xa hơn trăm cây số, đi lại khó khăn và tốn kém nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi với cây này như có duyên với nhau nên mới có thể sở hữu được", anh Khiếu chia sẻ.

16 năm gắn bó với "Anh hùng tương ngộ", anh Khiếu không hề hối tiếc khi đầu tư rất nhiều công sức, tiền của cho cây. Anh cho biết sẽ tiếp tục chăm chút để cây có dáng dấp hoàn mỹ hơn.

HÀ NGÂN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/anh-hung-tuong-ngo-dat-ky-luc-viet-nam-194133