Ảnh hưởng bão số 2, Hà Nội hạ mực nước đệm trên hệ thống

Công ty Thoát nước Hà Nội đã hạ mực nước đệm trên hệ thống trước tỉnh hình mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, do ảnh hưởng của áp thấp, từ sáng 23.7 đến chiều 24.7, TP.Hà Nội có mưa, mưa vừa, sau có mưa to đến rất to và dông.

Từ 4 giờ sáng nay (23.7), ảnh hưởng của bão số 2 đi vào vịnh Bắc Bộ, Hà Nội bắt đầu có mưa. Tuy nhiên, do mưa nhỏ rải rác nên đến 8 giờ cùng ngày, chưa ghi nhận điểm úng ngập trên địa bàn TP. Hiện bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp, nguy cơ gây mưa diện rộng, Hà Nội đã chủ động hạ mực nước đệm...

Hà Nội chủ động hạ mực nước đệm trên hệ thống sẵn sàng đón bão - Ảnh: UBND TP.Hà Nội

Hà Nội chủ động hạ mực nước đệm trên hệ thống sẵn sàng đón bão - Ảnh: UBND TP.Hà Nội

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, do ảnh hưởng của áp thấp, từ sáng nay đến chiều 24.7, TP.Hà Nội có mưa, mưa vừa, sau có mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì 80-150mm, có nơi cao hơn 200mm. Các huyện, thị xã: Sơn Tây, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì 60-120mm, có nơi cao hơn 150mm.

Để ứng phó với mưa lớn Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã hạ mực nước đệm trên hệ thống. Đến 6 giờ 45 phút sáng nay, mực nước các sông, hồ điều hòa trên địa bàn cơ bản được giữ ở mức thấp so với mực nước khống chế, sẵn sàng đón bão, cụ thể: Mực nước trên sông Tô Lịch tại đập Thanh Liệt là +2,58m, trên sông Kim Ngưu tại cống Lò Đúc là +3,57m, trên sông Lừ tại Đặng Xuân Bảng là +2,33m, trên sông Sét tại cống quay là +2,21m; trên hồ Tây (cửa A) là +5,92m, hồ Linh Đàm là +2,40m...

Về công tác ứng trực bảo đảm thoát nước khi có mưa lớn, hiện toàn bộ lực lượng cán bộ, công nhân công ty chuyển sang chế độ trực bão. Các thiết bị xe máy sẵn sàng nhận nhiệm vụ để giải quyết thoát nước. Tương tự, các trạm bơm, cửa phai đã được kiểm tra, sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu. Các kho vật tư phòng, chống lụt bão tại cụm công trình đầu mối Yên Sở, cụm cống qua đê Hải Bối và các trạm bơm thoát nước đã được chuẩn bị, kiểm tra, sẵn sàng đưa vào sử dụng khi có yêu cầu.

Công ty cũng đã phối hợp với các chủ đầu tư các dự án thi công trên hệ thống thoát nước như dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, dự án nhà ga S12... kiểm tra, đánh giá khả năng thoát nước và đưa ra phương án hạn chế tối đa ảnh hưởng khi có mưa lớn; đồng thời chủ động liên hệ với các đơn vị thủy nông để phối hợp, sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu: Yên Nghĩa, Vân Đình, Ngoại Độ 1, Ngoại Độ 2... và các công trình thủy lợi: Đập Trại Lợn, cống Xuân Quan... để điều tiết mực nước trên hệ thống.

Bắt đầu trực ban từ 17 giờ ngày 22.7, các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng ứng trực theo địa bàn đã được phân công kiểm tra, chằng chống các cây lâu năm, cây quý hiếm trong các vườn hoa, công viên. Kiểm tra, gia cố cọc chống đối với các cây mới trồng và cây đang trong thời gian duy trì dưới 2 tuổi.

Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cành hạn chế sự cố mùa mưa bão - Ảnh: UBND TP.Hà Nội

Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cành hạn chế sự cố mùa mưa bão - Ảnh: UBND TP.Hà Nội

Nạo vét cống rãnh, mương, phòng chống úng ngập cục bộ ở các công viên, vườn hoa như: Bách Thảo, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Tuổi trẻ. Ngoài ra khu vực Vườn ươm Cổ Nhuế và 17 Thụy Khuê, Vườn ươm tạm Yên Sở (6,7ha và 2,7ha), Xí nghiệp quản lý chủ động kiêm tra, rà soát đảm bảo điều kiện cho phương tiện, trang thiết bị ra vào phục vụ công tác tập kết củi, gỗ, cành, lá.

Đối với các công viên có hồ nước, kiểm tra trang bị đầy đủ biển cảnh báo chống đuối nước, các trang thiết bị phục vụ cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra; Kiểm tra các công trình nhà cửa, vật kiến trúc, các công trình đang thi công và có phương án phòng chống an toàn khi mưa bão; Huy động toàn bộ các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng chống thiên tai, ứng trực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giải tỏa cây đổ, cành gẫy.

Cùng đó, bố trí lực lượng, kiểm tra hoạt động của phương tiện, trang thiết bị: cẩu tự hành, xe nâng, xe cẩu,... đảm bảo hoạt động tốt phục vụ công tác giải tỏa cây đổ, cành gẫy; Rà soát các trường hợp cây nghiêng, nguy hiểm, cây sâu mục đã có lệnh của công ty tiến hành thực hiện công tác cắt triệt tiêu nguy hiểm, chặt hạ để đảm bảo an toàn. Lập tổ cơ động để đáp ứng kịp thời xử lý cây đổ, cành gãy khi có mưa lớn xảy ra.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/anh-huong-bao-so-2-ha-noi-ha-muc-nuoc-dem-tren-he-thong-220883.html