Ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, các quốc gia vùng Vịnh vẫn chào bán dầu mỏ
Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đang ủng hộ công khai các công nghệ thu giữ carbon thay vì loại bỏ nhanh chóng các nhiên liệu hóa thạch, họ cảnh báo rằng một sự chuyển đổi vội vã sẽ khiến dân số nghèo hơn không được tiếp cận với năng lượng.
Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu có lẽ không ở đâu phức tạp hơn ở Bán đảo Ả Rập, nơi Ả Rập Xê Út và các chế độ quân chủ vùng Vịnh khác bị kẹt giữa hai kịch bản bao gồm biến đổi khí hậu và những khó khăn đe dọa sinh kế của họ.
Theo đó, sự ổn định chính trị của 6 quốc gia vùng Vịnh gồm Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman - bắt nguồn từ lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, trước việc nóng lên toàn cầu, các quốc gia này cần có phương án hành động vì khí hậu để đảm bảo thành công mà không làm suy yếu thị trường dầu mỏ. Đó là một thử thách không dễ giải quyết.
Lợi nhuận từ việc bán dầu mỏ vẫn là "xương sống" nền kinh tế các quốc gia vùng Vịnh. (Ảnh minh họa)
Với việc cam kết các mục tiêu phát thải "ròng bằng 0" như Ả Rập Xê Út, UAE và Bahrain đã thực hiện trong tháng này, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được cắt giảm trong biên giới của họ - trong khi vẫn duy trì xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch ra nước ngoài.
Ả Rập Xê Út, quốc gia cung cấp khoảng 1/10 nhu cầu dầu trên thế giới, đã đưa ra thông báo trong tuần này, theo đó, nước này đặt mục tiêu phát thải "bằng 0" vào năm 2060.
Đó là một thông báo quan trọng đối với một quốc gia có trữ lượng dầu ước tính khoảng 265 tỉ thùng, trị giá 22,5 nghìn tỉ USD theo giá hiện hành. Ả Rập Xê Út đã bày tỏ quyết tâm bơm dầu cho đến giọt cuối cùng. Tuy nhiên, theo xu hướng mới, không loại trừ khả năng họ sẽ không sử dụng được hết nguồn tài nguyên “trời cho” lớn nhất của mình khi các phương tiện tương lai sẽ chạy bằng các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng mặt trời sạch hơn.
Các nước vùng Vịnh đã sử dụng doanh thu từ dầu mỏ duy trì sự ổn định kinh tế xã hội, xây dựng quân đội quốc gia, cung cấp cho công dân những công việc phù hợp, chăm sóc sức khỏe miễn phí và giáo dục đại học, trợ cấp nhiên liệu, đất để xây nhà, của hồi môn kết hôn, lương hưu hậu hĩnh...
Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh cam kết lượng khí thải "bằng 0" cũng đang tự định vị mình là một phần của ngành năng lượng sạch trị giá hàng nghìn tỉ USD, ngay cả khi họ tiếp tục kiếm được từ dầu và khí đốt.
Mặc dù là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, các quốc gia vùng Vịnh vẫn chào bán dầu mỏ để duy trì nền kinh tế. (Ảnh minh họa)
Ellen Wald, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương và là tác giả của “Saudi Inc.”, cho biết cam kết “mức phát thải 0 ròng” cũng cho phép giới tinh hoa cầm quyền của vùng Vịnh nắm giữ ảnh hưởng tại các hội nghị như COP26, nơi các chính sách hành động khí hậu đang được xây dựng.
Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đang ủng hộ công khai các công nghệ thu giữ carbon thay vì loại bỏ nhanh chóng các nhiên liệu hóa thạch, họ cảnh báo rằng một sự chuyển đổi vội vã sẽ khiến dân số nghèo hơn không được tiếp cận với năng lượng.
Greenpeace, công ty thu được các tài liệu bị rò rỉ, đã chỉ trích cách tiếp cận này, nói rằng các công nghệ thu giữ carbon “chưa được chứng minh” này có thể cho phép các quốc gia thải ra nhiều khí nhà kính hơn với giả định lạc quan rằng chúng có thể được hút ra khỏi bầu khí quyển sau này.
Trong khi đó, các công ty năng lượng quốc gia như Saudi Aramco, ADNOC của Abu Dhabi và Qatar Petroleum - hiện được đổi tên thành Qatar Energy - đang tiến lên với những nỗ lực giảm phát thải và tăng cường đầu tư vào các sản phẩm hóa dầu được sử dụng trong phân bón, nhựa, cao su và các loại polyme khác…
Aramco, cho đến nay là công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, tuyên bố họ sẽ đạt mức "0 ròng" vào năm 2050 trong các hoạt động của mình, sớm hơn một thập kỷ so với cam kết của chính phủ Ả Rập Xê Út. ADNOC đã cam kết giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Phát biểu tại diễn đàn ở Riyadh, Giám đốc điều hành ADNOC, Sultan Al-Jaber, kêu gọi mọi người “chín chắn và tỉnh táo một chút” trong việc thảo luận về quá trình chuyển đổi năng lượng, nhấn mạnh rằng nó sẽ khá mất thời gian.
Al-Jaber cho biết: “Chúng ta không thể đột ngột phát biểu về quá trình chuyển đổi năng lượng và hoàn toàn bỏ qua hoặc đánh giá thấp tác động của dầu và khí đốt trong việc giúp đáp ứng các yêu cầu năng lượng toàn cầu”. Người này cũng lưu ý rằng 80% tổng nhu cầu năng lượng hiện đến từ nhiên liệu hóa thạch, với 60% là dầu và khí đốt.
OPEC dự báo rằng mặc dù sự thúc đẩy về năng lượng thay thế và năng lượng tái tạo sẽ mở ra kỉ nguyên giảm nhu cầu đối với dầu mỏ ở một số nơi trên thế giới, nhưng nó sẽ vẫn là nguồn năng lượng số 1 thế giới cho đến năm 2045. Dự báo trong số 2,6 tỉ ô tô trên đường vào năm 2045, chỉ 20% sẽ chạy bằng điện.
Mặc dù tất cả sáu quốc gia vùng Vịnh vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhưng mỗi quốc gia đã thực hiện các bước để cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế của mình, trong đó Ả Rập Xê Út và UAE đang dẫn đầu nỗ lực thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới.
Tuy nhiên, hơn một nửa doanh thu của Ả Rập Xê Út đến từ dầu mỏ, với 150 tỉ USD dự kiến thu về trong năm nay khi giá tăng lên 85 USD/thùng.
Xuất khẩu dầu là huyết mạch của nền kinh tế Ả Rập Xê Út và hệ thống chính trị Ả Rập Xê Út. "Sẽ là một thảm họa đối với Ả Rập Xê Út nếu phần còn lại của thế giới nhanh chóng ngừng sử dụng dầu mỏ”, các chuyên gia cũng thể hiện sự lo ngại khác về việc cắt giảm nguồn nhiên liệu hóa thạch này.
Các nhà khoa học cho biết thế giới phải đầu tư vào năng lượng tái tạo để hạn chế sự nóng lên ở mức 2,7 độ F (1,5 độ C). Gần như tất cả sự nóng lên từng xảy ra trên Trái đất đều có thể do phát thải các khí giữ nhiệt như carbon dioxide và methane, và nếu vượt quá giới hạn, các nhà khoa học cho rằng thiệt hại sẽ không thể phục hồi.