Ảnh hưởng của dịch COVID-19: Cơ sở lưu trú gặp khó
Sau nhiều 'cú đấm bồi', cho đến nay, mặc dù du lịch vẫn được hoạt động, song đợt dịch COVID-19 thứ 4 đang có diễn biến hết sức phức tạp, hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đã buộc phải đóng cửa. Rất nhiều khách sạn chỉ giữ lại bộ khung nhân sự và cho nghỉ việc không lương toàn bộ nhân viên.
Hàng loạt khách sạn ven biển tại Sầm Sơn đóng cửa tạm ngừng hoạt động.
Những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, hình ảnh các khu du lịch biển trọng điểm của tỉnh vắng bóng du khách, hàng loạt cơ sở lưu trú buộc thông báo tạm ngừng hoạt động, đã phản ánh một cách rõ nét nhất những khó khăn mà doanh nghiệp lưu trú du lịch đang gặp phải.
Ngay sau khi khách du lịch đồng loạt hủy phòng vào kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, hầu hết cơ sở lưu trú tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn cũng tạm ngừng hoạt động. Thậm chí, những khách sạn có view biển nổi tiếng trên trục đường Hồ Xuân Hương của TP Sầm Sơn như: Dragon Sea, Trống Đồng, Trống Mái, Bảo Anh, Hà Nội 2... cũng không phải ngoại lệ. Bởi, mặc dù vẫn được hoạt động, song trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, khách ngoại tỉnh không có, chủ yếu là khách lẻ, khách đi theo nhóm gia đình, không có nhu cầu lưu trú. Mặt khác, khách đặt phòng trong thời gian tới hoàn toàn không có, trong khi đó, thời gian cao điểm của du lịch biển chỉ kéo dài từ cuối tháng 4 cho đến khoảng tháng 7 hàng năm. Việc đóng cửa cơ sở lưu trú là điều dễ hiểu.
Nếu như, tại Sầm Sơn ít nhiều vẫn còn một vài khách sạn, cơ sở dịch vụ mở cửa đón khách, thì tại Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) hầu hết cơ sở lưu trú đều đóng cửa ngừng phục vụ. Với tổng số trên 80 khách sạn, với khoảng gần 7.000 phòng. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường khách ngoại tỉnh không có là điều dễ hiểu, song ngay cả khách nội tỉnh cũng vắng bóng, khách sạn đồng loạt đóng cửa từ đầu tháng 5 đến nay khiến cho khung cảnh của một khu du lịch biển trở nên đìu hiu, vắng lặng.
Theo chia sẻ của anh Phạm Văn Lâm, Giám đốc Khách sạn Hải Yến EU (Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến), khách sạn hiện đang kinh doanh do gia đình thuê lại của chủ đầu tư, với mức giá 900 triệu đồng/năm. Trước đó, ngày 15-3-2021 đã phải hoàn tất việc thanh toán kinh phí với bên cho thuê. Cũng theo anh Lâm, tại Khu Du lịch Hải Tiến, không ít khách sạn thuê lại của các chủ đầu tư ở một số tỉnh ngoài. Trước tình hình dịch bệnh, phía chủ đầu tư sẽ tạo mọi điều kiện để hoàn trả lại chi phí theo thực tế hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên phải gần đến cuối năm 2 bên mới xem xét, thỏa thuận. Vấn đề đặt ra ở đây, mặc dù khách sạn đóng cửa, không có nguồn thu, nhưng ít nhất mỗi tháng anh Lâm sẽ phải bỏ ra số tiền khoảng 25 triệu đồng vào các khoản như: lãi ngân hàng, tiền điện, vệ sinh môi trường, nhân sự bảo vệ, dọn dẹp... Hiện tại, khách sạn đã buộc cho nghỉ việc không lương toàn bộ nhân viên (khách sạn có tổng số 25 nhân sự), chỉ giữ lại quản lý và một vài vị trí cần thiết như: bảo vệ, nhân viên dọn dẹp.
Việc cắt giảm gần như toàn bộ nhân viên, đóng cửa khách sạn trong tình hình hiện nay không chỉ diễn ra ở một vài khách sạn, mà theo ghi nhận của phóng viên, đây là thực trạng chung ở không ít khách sạn tại các khu du lịch biển như: Sầm Sơn, Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... Đây được xem như một phương án an toàn ở thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Bởi, theo tính toán của lãnh đạo một số cơ sở lưu trú, để vận hành một khách sạn 4 sao với quy mô khoảng 30 - 40 phòng, mỗi tháng cần khoảng 400 triệu đồng. Nếu khách sạn bán giá phòng 1,2 triệu đồng/phòng/ngày, thì mỗi ngày phải bán được hơn 10 phòng để có nguồn thu đủ chi trả duy trì hoạt động của khách sạn. Khi khách sạn đóng cửa không có doanh thu thì chủ sở hữu vẫn phải chi gần 100 triệu đồng/tháng cho các chi phí khác. Áp lực lãi ngân hàng, nguồn thu không đủ bù chi phí đã khiến hầu hết khách sạn tại các trọng điểm du lịch buộc đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc.
Không chỉ tại một số khu du lịch biển, mà ngay trung tâm TP Thanh Hóa, nhiều khách sạn thường xuyên đón khách du lịch, khách công vụ thuộc các tập đoàn lớn như: Khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa, Khách sạn Central, Khách sạn Vinpearl đến nay đã phải thực hiện chính sách cắt giảm giờ làm nhân viên, đồng nghĩa với việc điều chỉnh chính sách tiền lương.
Cụ thể, Khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa, với 219 phòng, trên 100 nhân viên. Từ cuối tháng 4 đến nay, khách đoàn hoãn, hủy hàng loạt, khách MICE (khách hội nghị, hội thảo) hầu như không có. Sau nhiều “cú đấm bồi”, việc cố gắng giữ lại đội ngũ cán bộ, nhân viên ở thời điểm hiện nay là một cố gắng, nỗ lực hết sức của tập đoàn. Song, khách sạn buộc phải cho nhân viên giảm giờ làm, thậm chí cả cấp quản lý cũng bị cắt giảm tới 50% mức lương. Để hỗ trợ cũng như khuyến khích nhân viên vượt qua thời điểm khó khăn, Khách sạn Mường Thanh Thanh Hóa đã dùng quỹ công đoàn hỗ trợ cho nhân viên nếu có nhu cầu vay vốn, đồng thời cố gắng duy trì chế độ bảo hiểm cho toàn bộ nhân viên khách sạn.
Ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh thừa nhận, từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra đến nay, doanh nghiệp du lịch nói chung, lĩnh vực lưu trú nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng. Thiệt hại, không có nguồn thu, bảo toàn được nhân sự trong tình hình hiện nay còn là “may mắn”. Bởi nhiều cơ sở lưu trú còn lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, đứng bên bờ vực phá sản, không đủ chi phí trả lãi ngân hàng, trả lương, đóng bảo hiểm cho nhân viên... Tình trạng này kéo dài, không chỉ gây khủng hoảng cho phía doanh nghiệp mà còn dẫn đến “chảy máu” nguồn nhân lực. Thế nhưng, ngành du lịch là ngành dịch vụ “đi sau tất cả”, nên giải pháp tình thế ở thời điểm hiện tại là cần xoay xở để bảo toàn, đợi đến khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động du lịch mới có thể khởi sắc trở lại.