Ảnh hưởng dịch Covid-19, nông sản vẫn xuất siêu 2,2 tỷ USD

Báo cáo do Bộ NN&PTNT công bố chiều 5/5 cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 32,07 tỷ USD.

Trong cán cân thương mại nông sản 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đạt 17,15 tỷ USD (tăng 24,2%); nhập khẩu ước 14,93 tỷ USD (tăng 48,7%); xuất siêu đạt 2,2 tỷ USD, giảm 41,1%. Mức tăng – giảm được so sánh với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục khởi sắc. Ảnh: VOV.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục khởi sắc. Ảnh: VOV.

4 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng. Điển hình như: Cao su (+111,6%), rau quả (+9,5%), sắn và sản phẩm từ sắn (+23,9%), sản phẩm chăn nuôi (+37,4%), sản phẩm gỗ (+71,4%), mây, tre, cói thảm (+65,9%)… Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: Cà phê (-17,6% khối lượng,-11,6% giá trị), hạt điều (+8,6% khối lượng, -7,8% giá trị).

Khu vực châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam khi chiếm 46,9% thị phần. Tiếp đến là châu Mỹ (27,6% thị phần), châu Âu (10% thị phần), châu Đại Dương và châu Phi (cùng chiếm 1,4% thị phần). Trong khi đó, 4 thị trường xuất khẩu chính của nông sản trong nước là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 25,1% (giá trị tăng 58% so với năm 2020), 23,3% (+35,8%), 6,8% (+4,5%) và 4,9% (+11,2%).

4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 14,93 tỷ USD. Đáng chú ý, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản đều tăng. Trong đó tăng nhiều nhất là nhóm nông sản chính, ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 121,9%.

Theo Bộ NN&PTNT, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong tình hình mới là tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép với nỗ lực, quyết tâm cao hơn. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Cùng với đó, chủ động phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ minh bạch hóa trong lĩnh vực SPS đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Việt Na. Kịp thời chuyển cho các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản các dự thảo quy định SPS mới của các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam nhằm tạo điều kiện giao thương hàng hóa...

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/anh-huong-dich-covid-19-nong-san-van-xuat-sieu-22-ty-usd-418020.html