Anh kêu gọi họp khẩn Bộ trưởng y tế G7 thảo luận về dịch COVID-19
* Ấn Độ kêu gọi đánh giá hiệu quả của vắc xin với biến thể Omicron
Ngày 28/11, Vương quốc Anh, nước chủ tịch luân phiên nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn cấp của nhóm để thảo luận về cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 sau khi một số quốc gia châu Âu công bố các ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Omicron.
Hành khách xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay Duesseldorf, miền Tây Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Anh cho biết dưới sự chủ trì của Vương quốc Anh, một cuộc họp khẩn các Bộ trưởng Y tế G7 sẽ được triệu tập vào ngày 29/11 để thảo luận những diễn biễn của biến thể Omicron.
Anh là một trong số các quốc gia châu Âu đã công bố phát hiện các ca mắc biến thể mới, cùng với Đức, Italy và Hà Lan. Hầu hết các nước châu Âu đã ngừng các chuyến bay đến từ các quốc gia miền Nam châu Phi, nơi biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên.
Trong khi đó, cùng ngày, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi kêu gọi các quốc gia tuân theo khoa học, thay vì áp đặt các lệnh cấm bay để kiểm soát biến thể mới.
Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti, biến thể Omicron hiện đã được phát hiện ở một số khu vực trên thế giới, lệnh cấm đi lại nhắm riêng vào châu Phi làm suy giảm sự đoàn kết toàn cầu.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 28/11 đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm bay và những thiệt hại kinh tế mà lệnh cấm này gây ra đối với các quốc gia bị ảnh hưởng.
Ngày 26/11, WHO tuyên bố biến thể mới phát hiện là biến thể "đáng lo ngại." Hiện các nhà khoa học đang đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể này.
Trong diễn biến liên quan, Giám đốc Viện Khoa học y tế toàn Ấn Độ (AIIMS) Randeep Guelria cho biết biến thể mới của virus SARS CoV-2 Omicron (B.1.1.529) được cho là có hơn 30 đột biến trong vùng protein gai nên có khả năng phát triển cơ chế “né” hệ miễn dịch, do đó cần phải đánh giá một cách nghiêm túc hiệu quả của vắc xin đối với biến thể này.
Theo phóng viên TTXVN tại New Dehli, phát biểu với PTI, ông Randeep Guelria nhấn mạnh: “Vì hầu hết các loại vắc xin có tác dụng tạo ra kháng thể chống lại protein gai, vì vậy nhiều đột biến tại vùng protein gai có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19. Trong trường hợp đó, cần đánh giá một cách nghiêm túc hiệu quả của vắc xin, kể cả những vắc xin đang được sử dụng ở Ấn Độ”.
Theo ông Guelria, phương hướng hành động trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc nghiên cứu thêm các dữ liệu về độc lực, khả năng lây nhiễm và “né” hệ miễn dịch của biến thể mới.
Hiện giới hữu trách Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ biến thể Omicron. Đến nay, Ấn Độ chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến thể này, tuy nhiên ông Guelria nhấn mạnh cần phải hết sức cảnh giác và giám sát chặt chẽ với cả khách quốc tế và những khu vực có sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm.
Từ Mỹ, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci nhấn mạnh sự xuất hiện của biến thể Omicron là “lời cảnh tỉnh” đối với những người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Theo ông, đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy biến thể này có khả năng lây lan nhanh.
Ông kêu gọi những người đã tiêm đủ liều vắc xin được 6 tháng nên tiêm mũi tăng cường để nâng cao khả năng bảo vệ trước virus.
Liên quan đến các biện pháp hạn chế đi lại nhằm đối phó với biến thể mới, ông Fauci cho rằng đi lại bằng đường hàng không vẫn an toàn với điều kiện tuân thủ các nguyên tắc chống dịch.