Anh khẳng định có cơ hội đạt thỏa thuận thương mại với EU đúng hạn
Ngày 27/4, Anh tái khẳng định quan điểm rằng quốc gia này và Liên minh châu Âu (EU) vẫn có thể đạt được thỏa thuận thương mại thời kỳ hậu Brexit kể cả khi khoảng thời gian đàm phán vốn chưa đầy một năm nay càng thêm hạn hẹp do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu trước một ủy ban Quốc hội, Chánh Văn phòng Nội các Anh Micheal Gove khẳng định có cơ hội để hai bên đạt được thỏa thuận thương mại tự do kể cả khi hạn chót 30/6 gia hạn giai đoạn chuyển tiếp đã cận kề. Anh chính thức rời EU vào cuối tháng Một vừa qua nhưng vẫn tuân theo các quy định của khối này trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới cuối năm 2020 trong khi hai bên đàm phán thỏa thuận thương mại song phương.
Ông Gove tái khẳng định Chính phủ Anh đã loại trừ phương án gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, cho rằng việc làm này sẽ khiến Anh phải trả thêm hàng tỷ bảng nghĩa vụ tài chính cho EU. Ông Gove nhấn mạnh cần đạt được một thỏa thuận đúng hạn để quốc gia này có thể tránh phải tham gia các cuộc thảo luận rắc rối về ngân sách dài hạn của EU.
Kể cả khi không có tác động của đại dịch COVID-19 thì thời hạn để Anh đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU vốn rất hạn hẹp, chỉ vỏn vẹn 11 tháng, từ cuối tháng 1/2020 tới cuối năm này. Dịch bệnh tác động nghiêm trọng tới châu Âu, buộc nhiều quốc gia thành viên phải áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc và khiến hoạt động đàm phán phần nào gián đoạn. Theo Bộ trưởng Gove, 47 quan chức Anh trong đoàn đàm phán thỏa thuận thương mại đã được rút đi làm các nhiệm vụ ứng phó với dịch COVID-19. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều lời kêu gọi Anh gia hạn giai đoạn chuyển tiếp do đại dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động ngừng trệ và cũng đã khiến hơn 20.000 người tử vong chỉ riêng tại Anh.
Ông Gove cho rằng nước Anh không đàm phán thỏa thuận được thiết kế cho riêng Anh và EU mà dựa trên các tiền lệ trước đây với các nước ngoài EU khác như Canada. “Chúng ta đơn giản yêu cầu một thỏa thuận đã có sẵn”, Bộ trưởng Gove nói với ủy ban quốc hội.
Cả EU và Anh đều cho rằng các lĩnh vực chính như ngư nghiệp và khái niệm “một sân chơi bình đẳng”; cho phép cạnh tranh công bằng và cởi mở, đang là những rào cản chính. Theo Chánh Văn phòng Nội các Anh, EU không nhận ra rằng họ đang đàm phán với một quốc gia độc lập có chủ quyền chứ không phải một quốc gia thành viên EU hoặc một quốc gia đang muốn gia nhập EU. Đối với lĩnh vực ngư nghiệp, ông Gove cho rằng quyền tiếp cận hiện nay cho các quốc gia thành viên EU vào trong vùng biển của Anh sẽ không được chấp nhận và điều này phải được thực hiện theo nguyên tắc của một quốc gia độc lập có biển như Nauy, Iceland hoặc quần đảo Faroe. Các cuộc đàm phán này có thể phải kéo dài hàng năm.
Trước đó, ngày 20/4, Anh và EU đã tiến hành đàm phán lần hai theo hình thức trực tuyến, chậm hơn một tháng so với dự kiến do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sau đàm phán, ngày 24/4, Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier nhận định tiến trình chỉ đạt được “kết quả một phần”. Ông này cáo buộc London đã không tham gia “thực sự nghiêm túc vào một số vấn đề căn bản”. Về phía mình, London mô tả các cuộc thảo luận là “đầy đủ và mang tính xây dựng” nhưng cũng thừa nhận đạt ít tiến triển trong việc thu hẹp khoảng cách giữa hai bên. Vòng đám phán tiếp theo sẽ diễn ra ngày 11/5. Anh hy vọng sẽ tìm thấy “giải pháp toàn diện và cân bằng, phản ánh những hiện thực chính trị của cả hai bên.