Anh Kiệt và thú mê cây kiểng từ tuổi 15
(ABO) Được Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang giới thiệu, tôi đã có dịp ghé thăm vườn kiểng nổi tiếng của anh Nguyễn Văn Kiệt, một nghệ nhân đam mê cây kiểng ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành.
Trong khu vườn rộng trên 3.000 m2 của anh Kiệt có đủ các loại bonsai, cây kiểng từ cây nhỏ đến cây lớn. Gây tò mò, thu hút với tôi trong lần đầu tiên đến thăm vườn kiểng của anh Kiệt vẫn là những cây mai chiếu thủy, khế, tùng, nguyệt quế… với dáng đẹp, lạ. Anh Kiệt nói: “Những cây kiểng này được tôi sưu tầm, chăm sóc chỉ mới hơn 10 năm, trong vườn còn các cây me, cần thăng hàng chục năm tuổi”.
Vừa nói dứt lời, anh Kiệt liền giới thiệu cho tôi các cây mai chiếu thủy, cần thăng có tuổi đời vài chục năm, giá từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng. Các cây kiểng này đập vào mắt với “người ngoài nghề” như tôi thì cũng chỉ như bao tác phẩm cây kiểng bonsai khác, tuy nhiên khi được anh Kiệt phân tích tôi hiểu rõ hơn giá trị của các loại cây kiểng mà anh đã dày công chăm sóc. Có thể nói anh Kiệt là nghệ nhân sinh vật cảnh đã gần 40 năm gắn bó với cây kiểng.
Anh Kiệt cho biết, anh đam mê cây kiểng khi chỉ mới 15 tuồi. anh cảm thấy không có công việc nào phù hợp với mình bằng nghề làm kiểng bonsai. Với anh Kiệt, gắn bó với cây kiểng bonsai chính là được sống trong niềm đam mê của bản thân.
Chơi kiểng với anh Kiệt không chỉ thỏa niềm đam mê, mà còn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhờ cây kiểng mà anh Kiệt đã nuôi 2 con ăn học thành tài, tạo dựng cơ ngơi khang trang và ngày càng có điều kiện sưu tầm thêm nhiều cây kiểng quý hiếm. “Chơi kiểng ngoài đam mê, còn cần có sự kiên trì, bởi để có một cây kiểng giá trị kinh tế cao không chỉ chăm sóc 1, 2 tháng hay 1, 2 năm là có thu hoạch như các loại cây trồng khác mà phải mất hàng chục năm chăm sóc, tạo dáng”, anh Kiệt chia sẻ.
Hiện nay, anh Kiệt đã trở thành người chơi kiểng “chuyên nghiệp”, am hiểu rất nhiều loại cây kiểng cũng như thế kiểng cổ, kiểng bonsai. Không những vậy, được sự tin tưởng, quý mến của nhiều người chơi kiểng, anh Kiệt còn được Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang tín nhiệm mời làm người hướng dẫn cho các lớp tập huấn về kỹ thuật tạo dáng bonsai. Ngoài việc trồng kiểng kinh doanh, anh Kiệt còn tham dự nhiều hội thi, tham gia trưng bày sản phẩm cây kiểng vào các dịp lễ, hội ở trong và ngoài tỉnh.
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Chính cho biết: Anh Kiệt là một nghệ nhân tâm huyết với kiểng bonsai của tỉnh Tiền Giang. Chính sự tâm huyết với nghề, mong muốn truyền cảm hứng cho nhiều người cùng biết làm kiểng bonsai, anh Kiệt đã hướng dẫn các bước làm bonsai từ cấp đơn giản đến phức tạp để những người có đam mê học làm theo. Đặc biệt, trong các dịp giao lưu, trao đổi, trưng bày cây kiểng, anh Kiệt luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm về cây kiểng, sẵn sàng tạo điều kiện cho những người chơi kiểng tham quan vườn kiểng của mình, từ đó giúp nhiều người trong nghề có thể giao lưu, học hỏi và trao đổi sản phẩm, góp phần tạo đầu ra sản phẩm cho người chơi kiểng.