Anh lo ngại mối đe dọa từ gián điệp của Trung Quốc

Việc cơ quan tình báo Anh MI5 chỉ đích danh bà Christine Lee 'cố ý can thiệp chính trị' đánh dấu thay đổi trong cách London đối phó mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc.

Thông thường, việc một nghị sĩ được triệu tập đến văn phòng giám đốc an ninh Quốc hội Anh không phải là tin tốt. Và còn tệ hơn nếu các nhân viên tình báo MI5 đang chờ ở đó. Tuy nhiên, đây là việc nghị sĩ Công đảng Barry Gardine phải đối mặt vào sáng 13/1.

Ông Gardine cho biết cuộc triệu tập có liên quan tới Christine Lee, người phụ nữ ông coi là bạn thân từ lâu. Bà Lee từng tài trợ khoảng 500.000 bảng Anh để hỗ trợ công việc của Nghị sĩ Gardiner.

Tình bạn hai người sau đó đóng vai trò quan trọng giúp bà Lee dễ dàng tiếp cận giới quyền lực ở London, nơi bà thiết lập quan hệ với những nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Bà từng tiếp cận cựu Thủ tướng Theresa May và David Cameron, đồng thời quyên góp cho hiệp hội địa phương của Nghị sĩ Ed Davey, khi ông trở thành bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, đầu năm nay, MI5 đã gửi cảnh báo và hình ảnh của bà Christine Lee, cáo buộc nhân vật này này "tham gia vào các hoạt động can thiệp chính trị" ở Anh thay mặt chính quyền Trung Quốc.

Các sự kiện dẫn đến cuộc triệu tập ngày 13/1 thu hút sự chú ý, không chỉ bởi câu chuyện đáng kinh ngạc về cách một người thâm nhập sau vào giới chính trị quyền lực hàng đầu nước Anh. Nó còn cho thấy mối quan hệ đang thay đổi giữa Anh và Trung Quốc - điều khiến các quan chức an ninh lo ngại, theo BBC.

 Bà Christine Lee gặp mặt cựu lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn. Ảnh: BBC.

Bà Christine Lee gặp mặt cựu lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn. Ảnh: BBC.

Mua chuộc nghị sĩ

Trong những năm gần đây, MI5 ngày càng nhận được nhiều thông tin tình báo, cho thấy dòng tiền đang chảy vào hệ thống chính trị nước Anh có nguồn gốc che giấu từ Trung Quốc.

Cụ thể, MI5 tin rằng nguồn tiền này có mối liên hệ với Ban công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của Trung Quốc. UFWD từng bị người đứng đầu MI5 Ken McCallum chỉ trích là "các chiến dịch được tài trợ nhằm mua chuộc và gây sức ảnh hưởng".

Cơ quan này cũng bị cáo buộc đang tìm cách "vun đắp quan hệ" với "những nhân vật có ảnh hưởng" để đảm bảo bối cảnh chính trị ở Anh thuận lợi cho Trung Quốc.

Trên thực tế, trong phiên triệu tập 13/1, mối quan tâm của MI5 không phải về quan hệ giữa Christine Lee và Nghị sĩ Gardiner. Sâu xa hơn, đó là mối lo ngại về việc Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy, tạo dựng ảnh hưởng với thế hệ ứng viên mới trong nền chính trị Anh.

 Bà Christine Lee và cựu Thủ tướng David Cameron tại lễ trao giải lãnh đạo GG2 của Anh năm 2015. Ảnh: Guardian.

Bà Christine Lee và cựu Thủ tướng David Cameron tại lễ trao giải lãnh đạo GG2 của Anh năm 2015. Ảnh: Guardian.

Theo cáo buộc từ MI5, Christine Lee đã dàn xếp quyên góp tài chính nhằm lôi kéo các nghị sĩ Anh theo yêu cầu "từ những cá nhân nước ngoài ở đặc khu Hong Kong và Trung Quốc".

Christine Lee đã tham gia vào "hoạt động gieo mầm" (các mối quan hệ), nhiều quan chức cho biết.

"Không phải lúc nào họ cũng tìm cách gây ảnh hưởng đến nhà lãnh đạo quốc gia hoặc quan chức ở cấp nội các. Một trong những điều đáng chú ý là họ đã đầu tư vào việc đào tạo người có tiềm năng ở cấp địa phương trong giai đoạn đầu sự nghiệp chính trị", người đứng đầu MI5 nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 6/7.

Theo BBC, nỗ lực này phản ánh chiến lược “mưa dầm thấm lâu" của Trung Quốc - sẵn sàng chờ đợi nhiều năm để đạt được kết quả. Các nguồn tin an ninh không nêu tên các cá nhân cụ thể nhưng cho biết các đối tượng được nhắm đến bao gồm cả các ứng cử viên ở tất cả đảng lớn.

"Chính phủ và các cơ quan tình báo có các công cụ để xác định một số hoạt động đang diễn ra", Lord Evans, cựu lãnh đạo MI5, cho biết. "Nhưng câu hỏi đặt ra là sau khi xác định được những hoạt động đó, chúng ta có thể làm gì?".

Trong nhiều tháng, các quan chức đã xem xét liệu có đủ bằng chứng để truy tố bà Lee hay không. Nhưng sau tất cả, những gì họ có thể làm chỉ là công khai đăng cảnh báo bà đang “can thiệp chính trị để làm gián đoạn nguy cơ tiếp diễn.

Từng bước thâm nhập

Christine Lee đến Trung Quốc vào năm 1974. Bà cho biết mình từng bị bắt nạt bằng những lời nói xúc phạm tại trường học ở Belfast vì là người Trung Quốc duy nhất trong lớp.

Năm 1990, bà thành lập công ty luật ở phía bắc London, chuyên về các vấn đề nhập cư bao gồm yêu cầu tị nạn và thị thực lao động có liên quan đến Trung Quốc.

Điều này đã giúp bà có cơ hội tiếp xúc với Đại sứ quán Trung Quốc và trở thành cố vấn pháp lý của đại sứ quán vào năm 2008.

Sau đó, bà làm cố vấn pháp lý cho Văn phòng các vấn đề Hoa kiều ở Bắc Kinh. Năm 2018, văn phòng này trở thành bộ phận của Ban công tác Mặt trận Thống nhất.

 Cảnh báo của MI5 về Christine Lee. Ảnh: MI5.

Cảnh báo của MI5 về Christine Lee. Ảnh: MI5.

Sau khi MI5 đưa ra cảnh báo về bà Lee vào tháng 1, Nghị sĩ Barry Gardiner cho biết ông đã "nói chuyện cởi mở và thẳng thắn" với cơ quan an ninh về mối quan hệ của họ.

Ông thừa nhận việc nhận tài trợ và cho biết con trai bà Lee là quản lý lịch trình của ông, nhưng đã nghỉ việc từ ngày 13/1. Ông nhấn mạnh toàn bộ các khoản tài trợ được báo cáo đầy đủ và văn phòng của ông không liên quan đến khoản tiền mờ ám nào.

Martin Thorley từ Đại học Exeter - người nghiên cứu ảnh hưởng của Trung Quốc - cho biết ông đã nhận thức được vai trò của bà Lee từ hơn 5 năm trước.

"Đây không phải là điều đặc biệt bí mật. Nếu bạn có thể đọc được tiếng Trung, bạn có thể nhận thấy những mối liên hệ với phía Trung Quốc", ông Thorley nói.

Đến năm 2019, ông cho biết ngày càng có nhiều báo cáo hơn về các mối liên hệ của bà Lee với UFWD. Năm đó, bà thậm chí đã chụp hình với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bà Lee được cho là đóng vai trò như một đại sứ cho mối quan hệ Trung Quốc - Anh. Cựu thủ tướng Anh Theresa May, thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền, từng trao tặng bà bằng khen vào năm 2019, ghi nhận những đóng góp của Lee cho quan hệ hai nước.

Bà cũng là người tích cực ủng hộ cộng đồng người Hoa tham gia vào chính trường Anh. Vai trò của bà trong việc hỗ trợ các ứng cử viên là người gốc Trung Quốc không phải bí mật.

MI5 cho biết bà đã có "quan hệ rộng với các cá nhân trên khắp chính giới Anh", trong đó có cả một Ủy ban Quốc hội có đại diện từ tất cả đảng phái (APPG) có tên Người Hoa ở Anh (Chinese in Britain).

Mặc dù đã bị giải tán, họ cảnh báo bà Lee "có thể mong muốn thành lập các ủy ban quốc hội khác để đẩy mạnh nghị trình có lợi cho Trung Quốc.

Các mối quan hệ của Christine Lee thậm chí mở rộng ra ngoài quốc hội và xâm nhập vào giới kinh doanh, theo BBC. Bà đã giúp thúc đẩy các cuộc gặp giữa công ty viễn thông Trung Quốc Huawei và một công ty vận động hành lang chính trị vào tháng 1/2019.

Trước vụ việc, một số người đã đặt câu hỏi về việc có nên đưa ra các biện pháp bổ sung trong dự luật An ninh Quốc gia mới hay không.

Trên thực tế, cơ quan tình báo MI5 đã chuyển trọng tâm từ chống khủng bố sang các mối đe dọa nhà nước trong những năm gần đây và Trung Quốc đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ.

Tuy nhiên, sẽ có những rủi ro khi chính trị và an ninh xung đột với nhau. Liệu các đảng phái chính trị ở Anh có thực sự muốn cơ quan an ninh “bóc tách", kiểm tra mọi khoản quyên góp và nhà tài trợ?

Việc nhắm mục tiêu vào các cộng đồng cụ thể cũng có thể tạo ra sự thù địch và nghi ngờ.

Tại Anh, việc MI5 đưa ra cảnh báo về Christine Lee đã làm dấy lên những lời bàn tán về "cuộc săn phù thủy" giữa người Hoa và gây cản trở trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước.

"Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Chúng tôi không cần và không bao giờ tìm cách 'mua ảnh hưởng' ở bất kỳ quốc hội nước ngoài nào. Chúng tôi kiên quyết phản đối thủ đoạn bôi nhọ và hăm dọa chống lại cộng đồng người Hoa ở Anh", theo thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại London.

Minh An

Theo BBC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-lo-ngai-moi-de-doa-tu-gian-diep-cua-trung-quoc-post1337217.html