Anh muốn dựa vào các quỹ lương hưu khổng lồ để vực dậy nền kinh tế
Nền kinh tế Anh đang rất cần một cú huých để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, và Chính phủ nước này hy vọng lượng tiền tiết kiệm khổng lồ dùng làm lương hưu ở nước này sẽ mang tới một cú huých như vậy...
Hôm thứ Hai tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Jeremy Hunt công bố rằng 9 trong số các quỹ lương hưu lớn nhất của Anh đã nhất trí tăng đầu tư vào các công ty tăng trưởng cao của nước này. Ông Hunt nói động thái này có thể giải phóng số vốn lên tới 50 tỷ Bảng, tương đương 65,4 tỷ USD, nếu các quỹ lương hưu khác hành động tương tự.
Theo kế hoạch trên, các quỹ lương hưu gồm Aviva, Legal & General, và Mercer cam kết phân bổ ít nhất 5% tài sản từ quỹ mặc định (default fund) của mình để đầu tư vào các công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán trong thời gian từ nay đến năm 2030. Tất cả các chương trình hưu trí của người lao động Anh đều bao gồm hạng mục quỹ mặc định, để những người đóng quỹ không lựa chọn chiến lược đầu tư riêng sẽ được tự động đưa vào quỹ đó.
“Người hưởng lương hưu ở Anh nên được hưởng lợi từ thành công của doanh nghiệp Anh”, ông Hunt nói trước khi có một bài phát biểu thường niên tại London về tình trạng của nền kinh tế Anh, trước hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của nước này.
Việc giải phóng vốn đầu tư từ các quỹ lương hưu có thể làm tăng thu nhập hưu trí thêm 1.000 Bảng (1.300 USD) mỗi năm và tăng cường nguồn vốn cho “các công ty hứa hẹn nhất của chúng ta, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Anh” - ông Hunt nói thêm.
Việc Anh tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ lương hưu diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế nước này vốn dĩ đang vật lộn với lạm phát cao dai dẳng, đầu tư suy giảm và tăng trưởng trì trệ. Chính phủ Anh cũng đang đương đầu với sức ép phải mang lại những lợi ích hậu Brexit cho London - trung tâm của ngành dịch vụ tài chính, một lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước này.
Ngoài thỏa thuận đầu tư liên quan tới các quỹ lương hưu, ông Hunt còn công bố một dự thảo luật nhằm tạo điều kiện để các công ty niêm yết ở London dễ dàng hơn. Ông cũng tiết lộ kế hoạch hủy bỏ gần 100 điều luật của Liên minh châu Âu (EU) “không còn cần thiết phải giữ lại” ở Anh.
“Tôi muốn các công ty phát triển nhanh nhất thế giới có thể phát triển và niêm yết ngay tại đây, để đưa Sàn giao dịch Chứng khoán London không chỉ trở thành Nasdaq của châu Âu mà còn hơn thế nữa… Chúng tôi muốn London trở thành thủ phủ toàn cầu cho các dòng vốn đầu tư”, ông Hunt nói trong bài phát biểu.
Kể từ khi Anh rời EU, London đã mất việc làm và tài sản vào tay các trung tâm tài chính trong khối thị trường chung, bao gồm Frankfurt và Paris, cũng như thành phố lớn khác trên thế giới như New York.
Trong những tháng gần đây, một số công ty niêm yết ở London cũng đã cân nhắc chuyển niêm yết sang Mỹ hoặc niêm yết song song ở hai thị trường. Quyết định vào tháng 3 của nhà sản xuất chip ARM, viên ngọc quý của lĩnh vực công nghệ ở Anh, tổ chức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Phố Wall là một đòn giáng mạnh đối với London.
Bằng cách khơi dòng tiền tiết kiệm hưu trí từ các quỹ lương hưu Anh - lực lượng với tổng trị giá đạt khoảng 2,5 nghìn tỷ bảng Anh (3,2 nghìn tỷ USD) - đầu tư vào các công ty tăng trưởng cao, kế hoạch mang tên “Cải cách Mansion House” của Bộ trưởng Hunt hy vọng sẽ biến Anh thành một địa chỉ dành cho các doanh nghiệp muốn phát triển và huy động vốn.
Kế hoạch này là sự nối tiếp của kế hoạch “Cải cách Edinburgh” được công bố vào tháng 12 năm ngoái - cuộc đại tu quan trọng nhất đối với chính sách dịch vụ tài chính của Anh trong hai thập kỷ.
Anh có thị trường lương hưu lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, nhưng các quỹ hưu trí của Anh ít đầu tư cổ phiếu hơn nhiều so với các quỹ lương hưu ở những quốc gia khác. Trong 25 năm qua, chủ yếu do những thay đổi về quy chế giám sát và kế toán, các quỹ hưu trí của Anh đã giảm tỷ trọng đầu tư cổ phiếu từ 73% xuống chỉ còn 27% và tăng gấp 4 lần mức phân bổ vốn cho trái phiếu - theo tổ chức tư vấn New Financial. Mức độ tiếp xúc của các quỹ hưu trí Anh với thị trường chứng khoán trong nước thậm chí còn giảm mạnh hơn: từ 53% năm 1997 xuống còn 6% vào năm 2021.
New Financial cũng ước tính rằng chỉ 11% tài sản trong các quỹ lương hưu của Anh được đầu tư vào các loại tài sản thay thế, chẳng hạn như quỹ phòng hộ, vốn cổ phần tư nhân và cơ sở hạ tầng, so với mức trung bình toàn cầu là 19%. Điều đó đã ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các quỹ lương hưu Anh, chỉ nằm ở nhóm dưới trên phạm vi toàn cầu - một báo cáo gần đây của New Financial cho hay.