Anh, Mỹ cảnh báo việc lan truyền thông tin sai về bệnh đậu mùa khỉ
Trong đại dịch COVID-19, thế giới đã chứng kiến thông tin sai lệch có thể lan truyền nhanh chóng như thế nào, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Lướt qua các phương tiện truyền thông hiện nay, độc giả dễ có được những thông tin cơ bản như bệnh đậu khỉ là dịch bệnh lưu hành ở một số quốc gia Trung và Tây Phi. Những người đồng tính nam đặc biệt có nguy cơ cao mắc bệnh. Với những thông tin này, bằng cách nào đó, não bộ của bạn sẽ đem đến suy nghĩ bạn không hề có rủi ro mắc bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp do virus đậu mùa khỉ gây ra. Nó được phát hiện vào năm 1958 khi bùng phát một căn bệnh giống như thủy đậu trong cộng đồng khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và kể từ đó, hầu hết các trường hợp được ghi nhận tại đây và Nigeria.
Đúng là bệnh có nguồn gốc từ châu Phi song kể từ đầu tháng 5, bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở 26 quốc gia châu Âu và lan ra một số nước châu Á, châu Mỹ. Phần lớn các ca mắc không có lịch trình di chuyển tới những quốc gia mà đậu mùa khỉ lưu hành trước đây.
Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông vẫn công bố hình ảnh về đợt dịch bùng phát ở châu Âu với những bức hình bệnh nhân da màu và gây ra hiểu nhầm. Thậm chí việc làm này còn bị Hiệp hội Báo chí Nước ngoài tại Kenya gọi đây là hành động phân biệt chủng tộc.
Cựu giám đốc truyền thông của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh Marcia McKnight bức xúc: “Đây là một đợt bùng phát ở châu Âu và 80-90% người châu Âu là người da trắng, không phải nên là một bệnh nhân da trắng ư. Nó chỉ càng làm sâu thêm định kiến rằng châu Phi là nơi đầy dịch bệnh nhưng thực tế không phải vậy. Hành động này cũng rất cẩu thả, bởi châu Phi bao gồm 54 quốc gia. Bạn cần phải cụ thể hơn với sự thực rằng căn bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đâu”.
Theo cựu chuyên gia truyền thông, giới chức y tế và lực lượng nhà báo, phóng viên cần truyền tải sự thật, nói với độc giả về phương thức virus lây lan và làm thế nào để chăm sóc bản thân, sử dụng hình ảnh đúng nội dung và mục đích của câu chuyện.
Chia sẻ cùng quan điểm với người đồng nghiệp, chuyên gia truyền thông Eric Yaverbaum – Giám đốc truyền thông công ty truyền thông Ericho Communications – nhận định: “Cần tránh những cách truyền tải thông tin gây mâu thuẫn, mơ hồ. Điều này sẽ làm giảm mức độ tin cậy của thông tin và gây ra nỗi hoang mang, bức xúc. Bám sát vào những thông tin trung tính và đơn giản để giúp công chúng hiểu được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà không sợ hãi hoặc tạo thêm sự kỳ thị. Hãy làm rõ rằng mặc dù đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, nhưng chúng ta có thể làm những gì để bảo vệ chính mình và những người thân yêu của chúng ta. Điều quan trọng là phải phân biệt giữa bệnh này và COVID-19. Không giống như COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh đã biết trước đây và có vaccine sẵn”.
Trong đại dịch COVID-19, thế giới đã chứng kiến thông tin sai lệch có thể lan truyền nhanh chóng như thế nào, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Theo đài NBC, trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối phó với sự bùng phát của virus đậu mùa khỉ, các nhà lãnh đạo địa phương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn thông tin sai lệch tới công chúng.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là phải đưa ra thông điệp đúng. Chúng ta đang chứng kiến một số khoảng khắc như thời kỳ xuất hiện căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS, khi thông tin sai lệch hoặc bị hiểu nhầm được đưa ra”, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Stonewall Columbus, Densil Porteous, cho hay.
Theo định nghĩa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bệnh đậu khỉ không được coi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng nó lây truyền qua tiếp xúc gần và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai.
Tuy nhiên, với sự gia tăng hiện nay của các ca mắc trong cộng đồng đồng tính nam, thông tin sai lệch về sự lây lan của virus và đối tượng có thể mắc bệnh đã trở thành một vấn đề nhức nhối.
Ông Porteous nói: “Tôi nghĩ quan trọng là phải hiểu rằng đây là một loại virus có thể lây truyền qua phương thức da kề da, thông qua tiếp xúc gần gũi trong những thời điểm cụ thể. Vì vậy, những gì chúng tôi cần là đảm bảo mọi người nắm được đúng thông điệp truyền tải”.
Chính phủ Mỹ ngày 4/8 tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Phát biểu tại một buổi họp báo, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra nêu rõ: “Chúng tôi đã sẵn sàng triển khai công tác ứng phó ở cấp độ cao hơn trong quá trình xử lý loại virus này, chúng tôi hối thúc mọi người dân Mỹ nhìn nhận nghiêm túc về bệnh đậu mùa khỉ và hành động có trách nhiệm để giúp đỡ chúng tôi xử lý loại virus này”.