Anh, Mỹ sẽ trừng phạt Nga nếu đặt 'chế độ bù nhìn' ở Ukraine
Anh và Mỹ tuyên bố rằng Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng nếu thiết lập một chế độ bù nhìn ở Ukraine, sau khi Điện Kremlin được cho rằng đang tìm cách cài đặt một nhà lãnh đạo thân Nga vào chính phủ Kiev.
Tấn công vào chính trị
Anh đưa ra cáo buộc vào cuối ngày thứ Bảy, cũng nói rằng các sĩ quan tình báo Nga đã tiếp xúc với một số cựu chính trị gia Ukraine như một phần của kế hoạch cho một cuộc tấn công chính trị.
Tổng thống Mỹ Biden đã có những động thái để ngăn chặn một cuộc tấn công chính trị của Nga đối với Ukraine. Ảnh: CNN
Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ các bình luận là "thông tin sai lệch", cáo buộc Anh và NATO đang "leo thang căng thẳng" về Ukraine. Tuyên bố của Anh được đưa ra sau khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga hôm thứ Sáu không đạt được bước đột phá lớn trong các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, mặc dù họ đồng ý tiếp tục nói chuyện.
Mykhailo Podolyak, một cố vấn Ukraine của văn phòng tổng thống, cho biết các cáo buộc này cần được xem xét một cách nghiêm túc. "Sẽ có những hậu quả rất nghiêm trọng nếu Nga thực hiện động thái này để cố gắng xâm lược mà còn cài đặt một chế độ bù nhìn", Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab nói thêm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã gặp nhóm an ninh quốc gia của mình hôm thứ Bảy trong bối cảnh có thông tin cho rằng Nga đang có kế hoạch cài đặt một nhà lãnh đạo ủng hộ Điện Kremlin ở Ukraine.
Một quan chức Mỹ nói rằng các báo cáo là "quan ngại sâu sắc". Cuối ngày thứ Bảy, Biden và các cố vấn tại Trại David, Maryland cũng đã thảo luận về "các hành động gây hấn tiếp tục của Nga đối với Ukraine". Đồng thời, Tổng thống Biden "khẳng định rằng nếu Nga tiếp tục tấn công Ukraine, Mỹ sẽ đưa ra trừng phạt nhanh chóng và nghiêm trọng đối với Nga".
Các cáo buộc của Anh lần đầu tiên được đưa ra trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao, vào thời điểm căng thẳng cao độ với phương Tây về việc Nga tăng cường binh lính gần biên giới với Ukraine. Dù rằng Nga một lần nữa khẳng định không có kế hoạch tấn công nước láng giềng.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ có thông tin Chính phủ Nga đang xem xét cựu nghị sĩ Ukraine Yevhen Murayev là một ứng cử viên tiềm năng để đứng đầu một chính phủ thân Nga tại Ukraine trong tương lai.
Chỉ là thuyết âm mưu?
Cá nhân Murayev đã lên tiếng phủ nhận khi cho rằng Nga muốn cài ông làm lãnh đạo Ukraine, trong các bình luận với các tờ báo Anh và trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Yevhen Murayev, 49 tuổi, đã phủ nhận cáo buộc. Ảnh: RT
"Sáng nay, tôi đã đọc trên tất cả các ấn phẩm tin tức thuyết âm mưu này: hoàn toàn không được chứng minh, hoàn toàn không có cơ sở", Murayev tuyên bố và biết thêm rằng ông đang xem xét hành động pháp lý cho sự cáo buộc này.
Ông phủ nhận có bất kỳ liên hệ nào với các sĩ quan tình báo Nga và bác bỏ ý kiến cho rằng ông có thể hợp tác với Điện Kremlin là "ngu ngốc", vì ông đã bị Nga trừng phạt vào năm 2018.
Bộ Ngoại giao Anh từ chối cung cấp bằng chứng chứng minh cáo buộc của mình. Một nguồn tin của bộ này cho biết việc chia sẻ thông tin tình báo không phải là thông lệ và các chi tiết sẽ chỉ được giải mật sau khi cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo một cuộc thăm dò do Trung tâm Razumkov thực hiện vào tháng 12 năm 2021, Murayev được xếp hạng thứ bảy trong số các ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2024, với 6,3% ủng hộ.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne cho biết trong một tuyên bố: "Loại âm mưu này gây lo ngại sâu sắc. Người dân Ukraine có quyền chủ quyền để xác định tương lai của chính họ và chúng tôi sát cánh cùng các đồng minh để đảm bảo bầu cử diễn ra dân chủ ở Ukraine".
Anh, trong tuần này đã cung cấp 2.000 tên lửa và một đội huấn luyện quân sự cho Ukraine, còn cho biết họ có thông tin rằng các cơ quan tình báo Nga đang duy trì mối liên hệ với nhiều cựu chính trị gia Ukraine khác, bao gồm cả những nhân vật cấp cao từng có liên hệ với cựu Tổng thống Viktor Yanukovich. Yanukovich trốn sang Nga vào năm 2014 sau khi bị lật đổ và bị kết án 13 năm tù vắng mặt với tội danh phản quốc vào năm 2019.