Anh: 'nạn đói' gia tăng đột biến đe dọa ảnh hưởng tới bầu cử sớm

Trước thềm cuộc bầu cử vào đầu tháng 12, Anh đang phải đối mặt với tình trạng… nạn đói và sự gia tăng của các 'food bank' (ngân hàng thực phẩm) trên toàn đất nước.

Hôm thứ Ba (5/11), một báo cáo mới công bố chỉ ra, việc cắt giảm phúc lợi xã hội và 10 năm "thắt lưng buộc bụng" của Đảng Bảo thủ cầm quyền đã khiến tỷ lệ sử dụng "ngân hàng thực phẩm" tăng đột biến tới 73% ngay tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. "Ngân hàng thực phẩm" thường là các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận cung cấp đồ ăn thức uống cho những người có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp họ không bị bỏ đói.

Theo tổ chức chuyên điều hành các "ngân hàng thực phẩm" tại Anh Trussell Trust, khoảng 2% các hộ gia đình tại Anh giờ đây đang hàng ngày phải phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ các tổ chức từ thiện; và 10% dân số Anh đang ở trong tình trạng "thiếu an toàn thực phẩm".

Số lượng "ngân hàng thực phẩm" tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây (ảnh: Bloomberg)

Số lượng "ngân hàng thực phẩm" tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây (ảnh: Bloomberg)

Nghiên cứu thống kê, số lượng các "ngân hàng thực phẩm" do Trussell Trust điều hành nhảy vọt từ 57 trong năm 2010 lên tới 424 ở thời điểm hiện tại. Tổng số các "ngân hàng thực phẩm" trên toàn nước Anh ước tính vào khoảng 2.000.

Trong năm 2018-19, 1/50 hộ gia đình tại Anh sử dụng "ngân hàng thực phẩm", trong khi ít nhất 3 triệu gói đồ ăn đã được phân phát tới người dân. 94% số người viện tới "ngân hàng thực phẩm" không thể tự đáp ứng được nhu cầu ăn, mặc và vệ sinh cán nhân thường xuyên.

"Phần lớn người sử dụng 'ngân hàng thực phẩm' là thất nghiệp hoặc sống nhờ trợ cấp xã hội, nhưng có một nhóm đang gia tăng là những người phải dựa vào nguồn 'ngân hàng thực phẩm' để nuôi sống gia đình – bao gồm tầng lớp lao động nghèo", Giáo sư về Chính sách Thực phẩm và Sức khỏe tại Đại học City, London Martin Caraher cho hay. "'Ngân hàng thực phẩm' giờ đây đã trở nên quen thuộc và có chức năng riêng, nhưng chúng cũng đang phá hủy sự thịnh vượng của quốc gia. Khi người dân không thuộc về các nhóm tôn giáo và cộng đồng phải sử dụng 'ngân hàng thực phẩm' bởi vì họ không có lựa chọn khác, thì vấn đề đã bắt đầu xuất hiện".

Một trong những động cơ dẫn tới tình trạng đói nghèo gia tăng ở Anh được cho là sự ra đời của hệ thống phúc lợi mới, có tên gọi là Tín dụng toàn cầu (Universal Credit) – vào năm 2013. Nó đưa hầu hết các biện pháp chi trả phúc lợi của chính phủ vào một kênh ngân sách duy nhất. Tuy nhiên, hệ thống này cũng vấp phải nhiều chỉ trích bởi vì nó chi trả theo tháng, thay vì theo tuần và người nhận phải chờ 5 tuần trước khi nhận được khoản tiền trợ cấp đầu tiên.

Bên ngoài một cửa hàng từ thiện tại London (ảnh: AFP)

Bên ngoài một cửa hàng từ thiện tại London (ảnh: AFP)

Các khoản nợ tiền thuê nhà và tiền thuế địa phương cũng là hai lí do chính khác buộc người dân Anh phải sử dụng "food bank".

"Người dân bị mắc kẹt trong đói nghèo và bị buộc phải tìm tới cánh cửa của các 'ngân hàng thực phẩm'. Nạn đói tại Anh không phải là về thức ăn – mà là về người dân không có đủ tiền", bà Emma Revie, CEO của Trussell Trust nói. "Mọi người đang cố gắng sống nhờ 50 bảng Anh/tuần và nó không đủ cho các nhu yếu phẩm, chưa kể tới tiêu chuẩn sống thông thường. Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể gặp phải vấn đề sức khỏe hoặc mất việc làm – sự khác biệt là điều gì sẽ xảy ra vào thời điểm đó".

Trẻ em cũng là những người bị ảnh hưởng. Mặc dù chính quyền địa phương có trách nhiệm cung cấp bữa ăn tại trường nếu được yêu cầu, nhưng chính phủ thắt chặt chi tiêu đồng nghĩa với việc, họ không có đủ tiền để đối phó với vấn đề phát sinh.

Theo Tổ chức Child Poverty Action Group, 43% trẻ em đang sống tại các gia đình có hơn 1/3 thành viên ở trong tình trạng đói nghèo – tỷ lệ cao nhất trong EU. Tại thủ đô London, quận Tower Hamlets – nơi có khu tài chính nổi tiếng Canary Wharf và đại sứ quán Trung Quốc mới, lại có tới 58% trẻ em bị đói nghèo – cao nhất trong cả nước.

Năm ngoái, chính phủ Anh đã phải hứng chịu những chỉ trích chưa từng có trong tiền lệ từ Liên Hợp Quốc do tiếp tục áp dụng các biện pháp tiết kiệm được thực hiện từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09.

"Gần như một trong hai đứa trẻ bị nghèo đói trong một nước Anh thế kỷ 21 – không chỉ là một sự xỉ nhục mà còn là tai họa xã hội và một thảm họa kinh tế", ông Philip Alston, một chuyên gia về đói nghèo của Liên Hợp Quốc nói.

Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 12, Công Đảng Anh cam kết sẽ ngưng sử dụng hệ thống tín dụng toàn cầu, giảm số lượng 'ngân hàng thực phẩm' tại Anh trong một năm và tiến tới xóa bỏ toàn bộ trong vòng 3 năm.

"Tín dụng toàn cầu hoàn toàn là một thảm họa", lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn nhấn mạnh. "Không chỉ lạc hậu và vượt quá ngân sách, nó là vô nhân đạo, tàn khốc và đẩy người dân vào nghèo đói và khó khăn".

Đảng Dân chủ Tự do – thuộc liên minh chính phủ từ năm 2010-2015, từng tham gia xây dựng hệ thống tín dụng toàn cầu và chính sách thu hẹp phúc lợi cho gia đình đông con. Đại diện đảng này cho biết, họ sẽ cải cách hệ thống bằng việc giảm thời gian phải chờ đợi tiền trợ cấp xuống còn 5 ngày, thay vì 5 tuần như hiện nay.

Về phần chính phủ Anh, mặc dù thừa nhận có những sai lầm trong hệ thống, nhưng theo họ, nhìn chung, các cải cách đã giúp giảm đáng kể tình trạng thất nghiệp.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/anh-nan-doi-gia-tang-dot-bien-de-doa-anh-huong-toi-bau-cu-som-20191106110555593.htm