Anh nông dân đút túi 150 triệu/năm nhờ nuôi con đặc sản 'ưa mát'
Nuôi con đặc sản này, sau khi trừ đi chi phí mỗi năm anh Huỳnh Lê Việt thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của một trường ở Tp.Đà Nẵng, anh Huỳnh Lê Việt (31 tuổi, ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) viết đơn xin đi nghĩa vụ công an. Sau 3 năm, anh hoàn thành nghĩa vụ, trở về với cuộc sống đời thường.
Cuối năm 2020, tình cờ xem một đoạn video trên mạng về quy trình nuôi dúi, chàng trai trẻ ngay lập tức bị thu hút bởi loài động vật này. Sau khi tìm hiểu kỹ về quy trình nuôi, chăm sóc dúi, anh đã vay mượn tiền rồi xây dựng một trang trại trên phần đất của gia đình mình.
"Bản thân tôi là người rất thích chăn nuôi, nên khi biết đến loài dúi khá dễ nuôi, không ảnh hưởng gì đến môi trường, đặc biệt thời gian dành cho nó ít nhưng lại cho thu nhập khá cao, tôi đã quyết định chọn loài "ăn đêm ngủ ngày" này để khởi nghiệp", anh Việt chia sẻ với báo Thanh Niên.
Thời gian đầu, dù đã tìm hiểu rõ về đặc tính sinh trưởng và kỹ thuật chăm sóc dúi nhưng anh Việt vẫn gặp không ít khó khăn. Những cặp dúi anh mua về là giống dúi rừng chưa được thuần hóa, nên chúng không thích nghi được với môi trường nuôi nhốt, khiến một phần số lượng đàn bị chết, số còn lại thì còi cọc, không phát triển.
Anh Việt kể: "Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, cộng thêm dịch Covid-19 bùng phát nên tôi phải ở nhà, không quán xuyến được trang trại dẫn đến thất bại. Với ý nghĩ thất bại ở đâu phải đứng lên ở đó, tôi đã nghiên cứu và tìm đến các trại nuôi dúi học hỏi kinh nghiệm thực tế. Nhờ vậy, đến nay tôi đã gặt được quả ngọt ban đầu".
Anh Việt cho biết, dúi có giá bán và mang lại thu nhập cao nhưng chi phí nuôi loài vật này tương đối thấp. Thức ăn của dúi là hạt bắp, thân cây cỏ voi, tre, mía không quá non hoặc quá già. Đây là những loại thức ăn dễ kiếm trong tự nhiên và giá bán lại rất rẻ.
Anh thường xuyên trộn bột tre với cám bắp, cám gạo và vitamin để bổ sung thêm dinh dưỡng giúp dúi phát triển khỏe mạnh. Để đảm bảo nguồn thức ăn, anh tận dụng đất vườn nhà trồng thêm mía, cỏ voi và thu mua tre của người dân địa phương.
Dúi là loài động vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý dúi ưa mát, chỉ sinh trưởng tốt ở nhiệt độ từ 20-30 độ C, nên chuồng trại cần được đảm bảo thông thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp hoặc gió lùa ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của dúi. Đồng thời, luôn giữ chuồng trại khô thoáng, sạch sẽ, mỗi tuần làm vệ sinh một lần.
Ngoài ra, thức ăn của dúi phải được rửa sạch, khô ráo, để dúi không bị bệnh đường ruột, đường hô hấp, đây là bệnh thường gặp và rất nguy hiểm đối với dúi.
Chuồng nuôi dúi được anh Việt dùng các viên gạch men dán lại với nhau tạo thành ô theo kích thước 50x40x50cm, vì vậy không tốn nhiều diện tích, cũng như không tốn vật liệu làm chuồng nuôi.
Để giảm nhiệt chuồng trại vào mùa nắng nóng, anh bố trí các quạt công suất lớn, giăng thêm lưới đen bên ngoài.
Chia sẻ thêm với Dân Việt về kinh nghiệm nuôi dúi, anh Việt nói: "Để mô hình nuôi dúi thành công thì khâu nhân giống là quan trọng nhất. Phải nắm vững đặc tính sinh trưởng, sinh sản của dúi, chọn được con đực và con cái có hình dáng đẹp, không bị thẹo, cân nặng vừa phải và tinh nhanh...".
Đặc biệt, theo anh Việt, mỗi ô chuồng phải được đánh số, ghi chép cụ thể thời gian giao phối để theo dõi, tách dúi đực và dúi con riêng, đồng thời tránh trường hợp giao phối cận huyết.
Dúi nuôi khoảng 8 tháng là có thể xuất bán thương phẩm cho các nhà hàng, quán ăn với trọng lượng từ 1-1,5kg, giá bán 450.000 đồng/kg. Dúi nuôi đến 10 tháng là có thể ghép đôi để giao phối, thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản là 45 ngày.
Một năm dúi mẹ sinh sản khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 1-5 con. Dúi con nuôi được 45 ngày thì tách mẹ, sau 3-4 tháng nuôi có thể bán làm giống với giá từ 1.500.000 đồng/1 cặp.
Nhờ việc tuân thủ các kỹ thuật nuôi nhốt, đàn dúi của anh Việt sinh trưởng và phát triển tốt. Từ 21 con dúi giống ban đầu, đến nay anh đã có đàn dúi trên 300 con gồm cả dúi sinh sản và dúi thịt.
Trung bình mỗi năm, trại của anh xuất bán khoảng 100 cặp dúi giống, 50kg dúi thịt, sau khi trừ đi mọi chi phí thì thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Thịt dúi là một trong những món đặc sản thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, số lượng dúi trong trại chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Dự định trong thời gian tới, anh Việt sẽ mở rộng diện tích nuôi, đồng thời nhận cung ứng con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho những ai có mong muốn phát triển kinh tế từ con dúi.
Người chăn nuôi khi mua giống tại trại được đảm bảo về nguồn giống chuẩn, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là hướng đi góp phần phát triển số lượng đàn dúi mẹ, đảm bảo đủ cung ứng giống cũng như phát triển đàn dúi thương phẩm về sau.
Bản thân anh Việt cũng đã gia nhập Tổ hợp tác nuôi dúi Đại Lộc. Tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên trong tổ duy trì tham gia sinh hoạt hằng tháng, được cung cấp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi từ các thành viên đi trước giàu kinh nghiệm.
Anh Huỳnh Thế Toàn – Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi dúi Đại Lộc (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: "Tuy mô hình nuôi dúi của anh Việt mới tham gia Tổ hợp tác nhưng hiệu quả kinh tế được đánh giá cao, có quy mô chăn nuôi lớn nhất tổ.
Không chỉ phát triển kinh tế cho mình, anh Việt luôn tích cực hướng dẫn, giúp đỡ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho nhiều thanh niên có mong muốn khởi nghiệp trên chính quê hương mình".
Minh Hoa (t/h)