Anh ở rừng, Phố thuộc về em!

Đã tròn hai năm, anh xách balo về với Mẹ thiên nhiên theo tiếng gọi khắc khoải từ đại ngàn xanh thẳm.

Tháng Năm rồi em ạ,

Trên Phố hầm hập thiêu

Nhớ che trùm kẻo rát

Chăm chút qua sớm chiều…

Bỏ phố về rừng, thằng bạn thân nhất nó chửi anh: Mày điên à, đầu óc mày có vấn đề sao? Người ta tìm cách về phố không được, mày lại bỏ phố lên rừng...

Đúng vậy, như suy nghĩ thông thường, có lẽ anh điên thật. Nhưng đó là cái điên ý nghĩa, điên đáng sống. Cũng có không ít người trẻ tuổi đang điên như anh, đang từng ngày đem chút tài mọn của mình âm thầm cống hiến cho đời để thế giới này có thêm những điều kỳ diệu.

Em ạ, chiều qua anh vừa cùng đoàn cứu hộ tái thải động vật hoang dã sau cứu hộ về rừng. Tổ chức tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở lại với thiên nhiên, nơi chúng vốn thuộc về và làm nên vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng là một công việc quan trọng và mang rất nhiều cảm xúc mà những con người có tình yêu vô điều kiện với thiên nhiên đang thầm lặng, cống hiến cho bảo tồn rừng. Đó là sự chung tay của các tổ chức trong nước, quốc tế; các chuyên gia, kỹ thuật viên, tình nguyện viên và đặc biệt là những tấm lòng với tình yêu động vật hoang dã đã và đang làm thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội trong việc bảo tồn, gìn giữ nhiều loài động vật quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, giữ được sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tự nhiên.

Khi về đây hòa mình cùng thiên nhiên, sống cùng những người bản xứ, lắng nghe âm thanh của rừng hòa vào âm thanh cuộc sống cõi Mường mới thấy hết được những tình cảm trong veo như dòng suối lõi rừng, mới cảm nhận được hết vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết khi con người với thiên nhiên là một. Cũng giống như trong tác phẩm kinh điển “Chúng tôi ăn rừng” của Georges Condominas, cánh rừng già nơi anh sống có một sự kết nối rất riêng với cộng đồng bản địa, hai thực thể cộng sinh bên nhau tạo nên vẻ đẹp trường tồn.

Những người dân bản Mường nơi đây sống chân thành và ấm áp, tự nhiên như là cỏ cây vậy. Đều đặn một tuần hai lần, anh đi bộ vượt hàng chục kilomet đường rừng đến với họ, tìm hiểu văn hóa cõi Mường, ăn cùng họ, uống rượu cần cùng họ, hòa mình vào những phong tục tập quán của họ để thấy những nét đẹp văn hóa bản xứ cần được khôi phục, gìn giữ. Và anh sẽ truyền cho họ cái chữ, dạy cho họ cách làm nương rẫy sao cho năng suất, cho mùa màng bội thu. Để rồi mỗi khi ra về, bước chân anh lại ngập ngừng, chộn rộn với niềm hạnh phúc ngọt ngào lan tỏa trên ngực anh, thấm vào da thịt anh khi mình làm được chút việc nhỏ bé.

Rừng mùa này thật đẹp em ạ. Anh gọi đó là Độ rừng vào Hội. Dọc lối mòn rừng trong những ngày nắng đẹp, từng đàn chim ríu rít đuổi nhau âm vang khắp khu rừng. Xa xa, tiếng gọi bạn tình của bầy Linh trưởng cứ rạo rực, hoan ca. Những tầng cây cao thấp chen chúc đua nhau vươn sáng. Cả cánh rừng như dải lụa xanh mềm mại choàng trên vai áo em. Mẹ thiên nhiên thật kỳ vĩ biết bao. Để có được vẻ đẹp ấy, sự bình yên trong trẻo ấy là biết bao công sức của những con người thầm lặng chăm chút, bảo hộ cho rừng. Là những người kiểm lâm đang miệt mài, cần mẫn ngày đêm gìn giữ sự vẹn nguyên của cánh rừng già, bảo vệ bầu khí quyển trong lành cho thế hệ con cháu chúng ta. Cũng chính các anh ấy đã gieo hạt mầm trong anh, cho anh hiểu biết thêm tình yêu thiên nhiên và những cảm thức về bảo tồn.

Rừng lá thấp. Ảnh Phạm Quốc Vinh

Rừng lá thấp. Ảnh Phạm Quốc Vinh

Anh vừa vào rừng em ạ, nắng vàng mênh mang vỗ về. Ở trong lõi rững mới biết rừng trong lành, nguyên thủy, đẹp đẽ biết bao nhiêu. Nhắm mắt lại, lắng nghe từng cái cựa mình của thiên nhiên mới thấy mình thật nhỏ bé. Lại ước có em bên trò chuyện, thì thầm cùng anh những đam mê.

Rừng chiều với trăm ngàn con sóng xô, xô từ đâu anh cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng nỗi nhớ nhà là thật, niềm riêng em là thật nhưng anh cũng nghe rõ mồn một từ sâu trong khắc khoải, trong mênh mông đại ngàn tiếng của bầy Tê tê da diết oán than, tiếng kêu cứu của đàn Voọc quý đang dần tuyệt chủng. Anh nghe rõ, rõ lắm. Và chân anh không đặng bước đi.

Hôm rồi, thằng bạn thân lên thăm anh, lúc trở về xuôi, nó ngập ngừng hỏi:

- Bao giờ ông về Hà Nội?

- Tôi ở rừng, Hà Nội thuộc về ngài!

Phải. Em ạ, Hà Nội nơi ấy là nhà của anh, anh sẽ không quên. Nhưng cánh rừng nguyên sinh này là nơi nuôi dưỡng và hoàn thiện ước mơ anh, khao khát anh, ý nghĩa cuộc sống anh. Lúc chùn chân, gối mỏi anh sẽ đứng dưới gốc cây Chò ngàn năm để được nhận sự che chở, vỗ về, để lắng nghe nhịp thở của linh thiêng đại ngàn. Và anh thấy mình có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ sự linh thiêng đó.

Được sống và được làm điều có ích để thấy lòng mình rộng mở, đó là ý nghĩa của đời, có phải không em…

Song Thu

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/anh-o-rung-pho-thuoc-ve-em-123882.html