Anh phản đối việc áp đặt hạn chế trong mua bán vắc xin với EU

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: THX/TTXVN

* Thủ tướng Đức kêu gọi đẩy mạnh năng lực sản xuất vắc xin ở châu Âu

Ngày 25/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này ủng hộ sự minh bạch trong việc mua bán vắc xin và không mong muốn chứng kiến những biện pháp hạn chế được áp đặt trong việc trao đổi, mua bán vắc xin ngừa COVID-19 với Liên minh châu Âu (EU).

Trả lời phỏng vấn các đài truyền hình, Thủ tướng Johnson nêu rõ: "Một điều tôi muốn nói là Anh ủng hộ sự minh bạch...Tôi không muốn chứng kiến 'sự phong tỏa' đối với các loại vắc xin hay thuốc men".

Ông Johnson cho rằng những sự hạn chế về mua bán vắc xin COVID-19 không phải là con đường phía trước mà Anh hay các nước đang hướng tới.

Thủ tướng Johnson đánh giá cao vai trò của chính phủ và các công ty tư nhân đã giúp làm nên thành công của chương trình trình tiêm chủng tại Anh. Theo ông, các công ty lớn đã quyết định chấp nhận rủi ro, "đặt cược" các khoản đầu tư vào điều mà bản thân họ cũng không chắc có thành công hay không.

Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis thông báo EU đã siết chặt cơ chế kiểm soát xuất khẩu vắc xin ngừa COVID-19, giúp khối này có thêm quyền hạn để ngăn chặn việc xuất khẩu vắc xin tới những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn và những nước sản xuất vắc xin song không xuất khẩu sang EU.

Mặc dù vậy, ông Dombrovskis cho biết cơ chế kiểm soát xuất khẩu vắc xin ngừa COVID-19 của EU không nhằm vào bất kỳ một nước cụ thể nào.

Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ rất sớm. Trong năm 2020, EU đặt hàng 2 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỉ liều, cho tổng dân số của EU là 450 triệu người.

Tuy nhiên, hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, các nước EU đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin, chủ yếu do tiến độ bàn giao chậm trễ của hãng dược phẩm AstraZeneca.

Trong khi EU gặp nhiều vấn đề trong kế hoạch triển khai tiêm chủng thì Anh, nước đã rời khỏi EU, lại đạt thành công lớn với gần 50% số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng giữa giới chức London và Brussels, khi Anh đã nhập khẩu hàng triệu liều vắc xin từ các nhà máy đặt tại một số quốc gia thành viên EU.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen giải thích rằng việc siết chặt quy định xuất khẩu vắc xin là nhằm bảo vệ lượng vắc xin khan hiếm cho chính công dân của khối.

Nhà lãnh đạo này từng cảnh báo sẽ cấm AstraZeneca xuất khẩu vắc xin ngừa COVID-19 nếu các nước thành viên EU không được ưu tiên nhận vắc xin. Theo Chủ tịch EC, công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển nói trên mới chỉ giao 30% trong số 90 triệu liều vắc xin AstraZeneca đã thỏa thuận trong quý 1/2021.

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã lên tiếng cảnh báo việc phân phối không công bằng vắc xin ngừa COVID-19 giữa các nước thành viên EU sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho liên minh.

Cảnh báo được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU, trong đó dự kiến sẽ thảo luận về chiến lược vắc xin của khối. Trước đó, EU đã nhất trí rằng vắc xin ngừa COVID-19 sẽ được phân phối dựa trên quy mô dân số mỗi nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng Kurz cho rằng cơ chế này đã bị hủy hoại vì các giao dịch giữa ban chỉ đạo về vắc xin của EU - vốn đang đàm phán về mua vắc xin với tư cách đại diện cho các nước thành viên - và các hãng dược phẩm. Phát biểu họp báo, ông Kurz cảnh báo nếu không tìm được giải pháp, điều này có thể gây tổn hại "mà chúng ta đã không nhận ra trong một thời gian dài" cho EU.

Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 25/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi mở rộng năng lực sản xuất vắc xin ở châu Âu, đồng thời kêu gọi cơ quan lập pháp Đức nhanh chóng thông qua Quỹ Tái thiết châu Âu giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nề ở châu lục nhanh chóng ứng phó với đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh châu Âu cần mở rộng năng lực sản xuất vắc xin để có thể tự chủ, không phụ thuộc vào nguồn cung vắc xin từ các nước khác, đảm bảo việc sản xuất trong khu vực nhằm cung ứng đủ lượng vắc xin cần thiết trong Liên minh châu Âu (EU).

Bà cũng cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tiếp tục thảo luận về "chứng chỉ xanh kỹ thuật số", một dạng thẻ tiêm chủng để cấp cho những người đã được miễn dịch hoặc tạm thời miễn dịch trong EU.

Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi Quốc hội nhanh chóng phê duyệt Quỹ Tái thiết châu Âu, trong đó EU sẽ gánh khoản nợ một lần 750 tỉ euro, phần lớn để viện trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19.

Nhà lãnh đạo Đức hy vọng liên minh cầm quyền sẽ giành được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Quốc hội để có thể thông qua quỹ này, một dự án chưa từng có góp phần giúp các nước châu Âu ứng phó với đại dịch. Bà cũng cảnh báo đại dịch chưa thể sớm kết thúc khi số ca lây nhiễm mới đang gia tăng trên khắp châu Âu.

Cũng trong bài phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Merkel một lần nữa cảnh báo sự nguy hiểm của biến thể phát hiện tại Anh tháng 11/2020. Bà nhấn mạnh tình hình hiện nay hoàn toàn khác so với năm 2020 với sự xuất hiện của biến thể virus phát hiện ở Anh, điều không thể lường trước và hiện chiếm trên 71% số ca lây nhiễm mới ở Đức. Bà khẳng định nếu không có biến thể này, việc phong tỏa suốt vào mùa Đông qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253761/anh-phan-doi-viec-ap-dat-han-che-trong-mua-ban-vac-xin-voi-eu.html