Anh, Pháp và Đức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Anh, Pháp và Đức đã thông báo cho Liên Hợp Quốc về việc họ bác bỏ 'quyền lịch sử' của Trung Quốc ở Biển Đông và gọi yêu sách này là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Anh, Pháp và Đức đã gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh: Reuters

Trong một công hàm chung do phái bộ thường trực của Vương quốc Anh đệ trình trước LHQ ở New Yourk vào ngày 16/9, ba quốc gia châu Âu đã đề cập đến phán quyết của trọng tài vào năm 2016, trong đó ủng hộ các tuyên bố của Philippines dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

"Pháp, Đức và Vương quốc Anh cũng nhấn mạnh rằng, các tuyên bố chủ quyền liên quan đến việc thực thi 'quyền lịch sử' trên vùng biển Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS, đồng thời nhắc lại rằng phán quyết của trọng tài trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 xác nhận rõ ràng quan điểm này”, công hàm cho biết.

Phái bộ của Vương quốc Anh đã yêu cầu Liên hợp quốc gửi công hàm "tới tất cả các quốc gia thành viên của UNCLOS và tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc”.

"Do đó, không có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia lục địa coi các quần đảo hoặc các đối tượng địa lý biển như một thực thể toàn thể mà không tôn trọng các quy định liên quan trong Phần II của UNCLOS", công hàm khẳng định.

Ba nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "thực thi quyền tự do trên biển cả, đặc biệt là tự do hàng hải và hàng không, và quyền đi lại vô hại được ghi trong UNCLOS, bao gồm cả ở Biển Đông".

Phán quyết năm 2016

Vào tháng 7 năm 2016, Philippines đã thắng Trung Quốc trong một phán quyết mang tính bước ngoặt của tòa án quốc tế, làm vô hiệu các tuyên bố chủ quyền khổng lồ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

"Tòa án kết luận rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu cầu các quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên bên trong các khu vực biển nằm trong 'đường chín đoạn'", Tòa Trọng tài Thường trực cho biết sau đó.

Phán quyết dài 501 trang được đưa ra ở The Hague, Hà Lan, hơn ba năm sau khi vụ kiện được Philippines đệ trình dưới chính quyền Aquino vào tháng 1/2013.

Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo - Ảnh: Gettty.

Tổng thống Rodrigo Duterte ngay từ đầu trong chính quyền của mình đã đưa ra một chính sách đối ngoại độc lập được cho là ít phụ thuộc vào Mỹ và thân thiện hơn với Trung Quốc.

Ông cho biết sẽ không gây chiến với Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Tây Philippines, vì điều đó sẽ khiến người dân Philippines thiệt mạng.

Trong quá trình điều hành của mình, ông đã nhiều lần gọi Trung Quốc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là bạn của Philippines.

Đầu tuần này, Tổng thống Duterte cho biết ông thích vắc xin COVID-19 từ Trung Quốc hoặc Nga, vì các công ty dược phẩm phương Tây đang yêu cầu thanh toán trước.

Yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết

Vào tháng 7, Philippines đã công khai kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 sau 4 năm, kể từ khi phán quyết được đưa ra bởi một tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan.

"Việc tuân thủ một cách thiện chí với phán quyết sẽ phù hợp với các nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển) mà cả hai bên đều ký kết", Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. cho biết trong một tuyên bố.

Trung Quốc đã từ chối lời kêu gọi của Philippines, nói rằng phán quyết của trọng tài là “bất hợp pháp và không hợp lệ”.

Đồng thời, Trung Quốc nhắc nhở chính phủ của ông Duterte về một "sự đồng thuận" mà họ đã tạo ra với Trung Quốc "về việc xử lý thích hợp cái gọi là vụ trọng tài", để cải thiện mối quan hệ căng thẳng của hai nước láng giềng châu Á.

Trung Quốc nói, thỏa thuận này "đã tạo nền tảng vững chắc cho sự thay đổi quan hệ song phương".

Trung Quốc cũng là một bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/anh-phap-va-duc-bac-bo-yeu-sach-cua-trung-quoc-o-bien-dong-post97465.html