Anh phát hiện virus gây bệnh nguy hiểm trong nước thải ở London

Vương quốc Anh đã tuyên bố 'sự cố quốc gia' sau khi virus bại liệt dễ lây lan được tìm thấy trong nước thải ở London. Anh đã không ghi nhận ca mắc virus bại liệt nào trong vòng 20 năm qua.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) hôm 22/4 cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của virus bại liệt trong các mẫu nước thải được thu thập từ Công trình Xử lý Nước thải London Beckton. Nhà máy này bao phủ một vùng rộng lớn ở phía Bắc và Đông London - nơi sinh sống của khoảng 4 triệu người. Phân tích bộ gen của các mẫu virus này cho thấy đã có sự lây lan giữa những người có liên hệ mật thiết với nhau, có thể là một hộ gia đình.

Nhà máy xử lý nước thải Beckton ở London, Anh (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Nhà máy xử lý nước thải Beckton ở London, Anh (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Virus bại liệt được chia thành 2 loại – virus hoang dã và virus có nguồn gốc từ vắc xin (VDPV2). Trường hợp mắc bệnh bại liệt hoang dã cuối cùng tại Vương quốc Anh được xác nhận vào năm 1984. Nước này tuyên bố xóa sổ hoàn toàn bại liệt vào năm 2003. Sau gần 20 năm, virus được phát hiện trong nước thải tại London mới đây là loại có nguồn gốc từ vắc xin.

Có 2 loại vắc xin bại liệt. Loại thứ nhất là vắc xin dạng uống (OPV) có chứa phiên bản virus sống đã được làm suy yếu. Người uống vắc xin có thể thải virus bại liệt qua phân. Loại thứ 2 là vắc xin bất hoạt dạng tiêm (IPV) có chứa các virus bại liệt chết đã được xử lý.

Anh đã ngừng sử dụng OPV vào năm 2004. Do đó các cơ quan y tế Anh cho biết có khả năng virus có nguồn gốc từ vắc xin được tìm thấy trong các mẫu nước thải ở London là do một ai đó đã đến Anh sau khi uống vắc xin bại liệt ở nước ngoài.

Theo tiến sĩ Vanessa Saliba, nhà tư vấn dịch tễ học tại UKHSA, hầu hết người Anh đều được bảo vệ khỏi virus bại liệt do đã tiêm chủng khi còn nhỏ. Tuy nhiên, ở một số cộng đồng có tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp, nhiều người vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Virus bại liệt có thể lây lan qua thức ăn và nước bị ô nhiễm, số ít lây qua ho và hắt hơi. Con đường lây truyền phổ biến nhất là khi người bị nhiễm virus chưa rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, sau đó chạm vào thức ăn của người khác.

Một bé gái đang uống vắc xin bại liệt (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Một bé gái đang uống vắc xin bại liệt (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Hầu hết người bị bại liệt không có triệu chứng, nhưng một số có tình trạng giống với cúm như sốt nhẹ, nôn ói, nhức đầu trong vòng 3 tuần. Trong các trường hợp nặng hơn, virus tấn công các dây thần kinh ở cột sống và não, có thể dẫn đến tê liệt, thường gặp nhất ở chân. Đôi khi, virus tấn công các cơ hô hấp, điều này có thể dẫn tới tử vong.

Bà Vanessa Saliba cho biết virus bại liệt có nguồn gốc từ vắc xin là rất hiếm và nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cực kỳ thấp. Hiện Anh vẫn chưa ghi nhận ca mắc bại liệt nào. Tỷ lệ tiêm vắc xin bại liệt ở Anh tương đối cao, với 95% trẻ em 5 tuổi đã được chủng ngừa. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh thường tổ chức các đợt tiêm chủng định kỳ cho trẻ 8, 12 và 16 tuần tuổi. Liều tăng cường được cung cấp ở độ tuổi 3 và 14.

Các nhà khoa học Anh hiện đang nhanh chóng thu thập thêm mẫu nước thải mẫu nước thải từ các khu vực địa phương dẫn vào nhà máy Beckton để thu hẹp phạm vi của virus. Nếu những xét nghiệm đó xác định chính xác trung tâm của đợt bùng phát, các đội y tế công cộng có thể cung cấp vắc xin bại liệt cho những người có nguy cơ. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh sẽ liên lạc với các bậc cha mẹ có con dưới 5 tuổi tại thủ đô London để triển khai tiêm chủng cho trẻ.

Bệnh bại liệt hiện chưa có chưa có các biện pháp điều trị đặc hiệu. Người mắc bệnh chủ yếu điều trị triệu chứng, gồm vật lý trị liệu, nẹp và phẫu thuật chỉnh hình nhằm giảm bớt hậu quả của bệnh. Tại Việt Nam, virus bại liệt từng bùng phát thành những dịch lớn vào những năm 1959-1960 ở các tỉnh phía Bắc với khoảng 17.000 trẻ mắc bệnh, trên 500 trẻ tử vong.

Đến nay, nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, căn bệnh này đã gần như bị xóa sổ trên toàn thế giới. Các ca bệnh đã giảm 99% kể từ năm 1988. Virus bại liệt hoang dã hiện chỉ tồn tại ở Afghanistan và Pakistan.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/anh-phat-hien-virus-gay-benh-nguy-hiem-trong-nuoc-thai-o-london-163678.html