Anh ra tín hiệu sẵn sàng từ bỏ Nghị định thư Bắc Ireland
Theo phóng viên TTXVN tại London, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã ra tín hiệu về ý định công bố kế hoạch vào tuần tới nhằm từ bỏ các thỏa thuận thương mại hậu Brexit, liên quan tới Bắc Ireland.
Báo Financial Times dẫn nguồn tin trong Chính phủ Anh cho biết nước này đang chuẩn bị công bố trong tuần tới một đạo luật nhằm bãi bỏ các phần chính của Nghị định thư Bắc Ireland, bao gồm chính sách thương mại và trợ cấp, "trừ khi Liên minh châu Âu (EU) thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận".
Ngày 10/5, Thủ tướng Johnson đã trao đổi với người đồng cấp Ireland Michel Martin rằng thỏa thuận hiện tại với EU là "không bền vững", nhấn mạnh tình hình liên quan tới Nghị định thư hiện "rất nghiêm trọng" và đang hủy hoại Thỏa thuận thứ Sáu Tốt lành năm 1998 nhằm bảo đảm hòa bình tại vùng lãnh thổ này sau 3 thập niên xung đột. Thủ tướng Johnson cho biết "những nỗ lực lặp đi lặp lại" của Anh nhằm đạt được các hành động từ EU đã không thành công và "Chính phủ Anh sẽ hành động để bảo vệ hòa bình và ổn định chính trị ở Bắc Ireland nếu không thể tìm ra giải pháp”.
Nhiều nước trong EU ngay lập tức cảnh báo liên minh này không có ý định đàm phán lại các nguyên tắc cơ bản của thỏa thuận, theo đó Bắc Ireland sẽ tuân theo các quy tắc thương mại hàng hóa của EU.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết bất kỳ động thái đơn phương nào hủy bỏ Nghị định thư sẽ có tác động vượt ra ngoài quan hệ Anh-EU.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefèovic, cũng bác bỏ lập luận của ông Johnson rằng Nghị định thư cần được thay đổi hoặc loại bỏ. Trong tuyên bố ngày 10/5, ông nhấn mạnh Nghị định thư - một nền tảng của thỏa thuận Brexit, là thỏa thuận quốc tế, đồng thời khẳng định EU thống nhất quan điểm rằng đàm phán lại Nghị định không phải là một lựa chọn.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cùng ngày cảnh báo các đề xuất của EU nhằm giảm nhẹ việc thực thi Nghị định thư có thể làm "xấu đi" thỏa thuận. Bà cho rằng các đề xuất hiện tại của EU không giải quyết đúng các vấn đề thực sự ảnh hưởng đến Bắc Ireland, đồng thời cho biết nghị định này đã làm gián đoạn thương mại và hiện là “mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của khu vực”.
Áp lực giải quyết những khác biệt liên quan tới Nghị định thư đã gia tăng khi đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) ủng hộ Bắc Ireland nằm trong Vương quốc Anh từ chối tham gia cơ quan điều hành chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland sau cuộc bầu cử ở khu vực vào tuần trước cho đến khi các vấn đề về Nghị định thư được giải quyết. DUP cho rằng các thỏa thuận thương mại trong Nghị định thư làm suy yếu vị trí của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh và phải được loại bỏ.