Chủ tịch Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB) Ismail Demir đã chính thức xác nhận tin này. Theo ông Demir, Công ty BMC của nước này, đang phát triển động cơ giành cho xe tăng Altay; loại động cơ do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển, có tên là Batu.
Theo đặc điểm sơ bộ, động cơ Batu là loại diesel tăng áp 12 xi-lanh, bố trí hình chữ V, làm mát bằng nước, có công suất 1.500 mã lực; mô-men xoắn đạt 4.600 Nm. Động cơ này sẽ giúp xe tăng chủ lực Altay có khả năng cơ động khắp các địa hình.
Nếu động cơ Batu của Thổ Nhĩ Kỳ thành công, Ankara sẽ lắp loại động cơ này vào xe tăng chủ lực Altay trong phiên bản tiếp theo. Batu có lẽ là niềm tự hào của ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và công nghiệp quốc phòng nước này nói riêng.
Altay là xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ, thiết kế dựa trên khung gầm K2 Black Panther của Hàn Quốc; theo kế hoạch dự kiến được sản xuất vào năm 2021, bởi công ty Otokar của Thổ Nhĩ Kỳ.
Altay là một trong những thiết kế xe tăng đắt nhất, với đơn giá 13,75 triệu USD; Altay vinh dự là một trong 5 mẫu xe tăng thế hệ 4 đầu tiên trên thế giới, ngang hàng với K2 Black Panther của Hàn Quốc, Type 10 của Nhật Bản; Leclerc XLR Scorpion của Pháp và T-14 Armata của Nga.
Năm 2007, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với Otokar để chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực Altay, nhằm thay thế Leopards của Đức và M60 của Mỹ. Ngoài ra Thổ hy vọng, trong tương lai, Altay không chỉ được cung cấp cho quân đội, mà còn được xuất khẩu.
Có một số lý do để Thổ phát triển loại xe tăng chiến đấu chủ lực mới. Thứ nhất, tự chế tạo ra sẽ rẻ hơn. Thứ hai, chính sách của Thổ đã dẫn đến những căng thẳng với các nước NATO, nên có thể các nước này, ngừng cung cấp hoàn toàn vũ khí và linh kiện cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi chế tạo xe tăng Altay, kinh nghiệm của nước ngoài đã được sử dụng, hơn 60% công nghệ được vay mượn từ các công ty nước ngoài (Đức và Hàn Quốc); trọng lượng của Altay là 60 tấn, do vậy cần động cơ từ 1.300 đến 1.500 mã lực.
Altay được trang bị pháo nòng trơn MKEK120 120mm, được lắp ráp theo giấy phép của Hyundai Rotem (Hàn Quốc). Tầm bắn hiệu quả của pháo là 3 km. Ngoài ra, một mô-đun điều khiển từ xa với súng máy 12,7mm được lắp trên nóc tháp pháo.
Trong loạt đầu tiên, Altay sẽ dùng động cơ của Hàn Quốc; hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán với Hàn Quốc để cung cấp động cơ. Loại động cơ của Hàn Quốc là Doosan Infracore DV27K, cũng là loại 12 xi lanh, làm mát bằng nước, công suất 1.500 mã lực.
Batu là tên của động cơ Thổ Nhĩ Kỳ đang được phát triển, động cơ này sẽ tiếp tục thử nghiệm trong năm nay và lắp trên các xe tăng Altay của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai.
Đi kèm với động cơ sẽ là hộp số tự động. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có công nghệ để sản xuất hộp số tự động, vì vậy họ đã phải liên doanh với nhà sản xuất Fiat/Iveco của Italia. Đối tác phía Thổ Nhĩ Kỳ tham gia là công ty sản xuất động cơ BMS.
Theo kế hoạch ban đầu, Altay dự kiến sử dụng hộp số Rank và động cơ MTU của Đức; một văn bản đã được ký kết, khi MTU của Đức cung cấp cho phía Thổ Nhĩ Kỳ động cơ diesel 1.500 mã lực. Rheinmetall của Đức đã thành lập một liên doanh với BMS của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng lệnh cấm vận vũ khí đã cản trở tất cả.
Do lệnh cấm vận, các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức đã bị đình trệ. Berlin áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara và các công ty Đức rút khỏi dự án.
Đức là một trong số các quốc gia châu Âu đã áp đặt các hạn chế về thương mại quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do của lệnh cấm vận vũ khí, là sự tham gia của người Thổ vào cuộc nội chiến ở Syria.
Việc sản xuất hàng loạt xe tăng Altay đã bắt đầu, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt hàng 250 chiếc. Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, mặc dù Altay trông khá ấn tượng, nhưng tính năng của nó lại thua T-90A của Nga và Leopard-2 của Đức. Thổ Nhĩ Kỳ cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm trong việc chế tạo xe tăng. Nguồn ảnh: Pinterest.
Xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh "bình thường" tới đâu? Nguồn: QPVN.
Tiến Minh