Ánh sáng tri thức ở những không gian mới
Sau nhiều năm có dấu hiệu bị tụt giảm, mạng lưới thư viện cơ sở đã có nhiều thay đổi tích cực kể từ khi đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng bắt đầu triển khai cách đây 2 năm. Cùng với hệ thống thư viện công lập, nhiều mô hình thư viện tư nhân, không gian đọc sáng tạo cũng bắt đầu được hình thành, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Một buổi sinh hoạt của các em thiếu nhi tại Thư viện tư nhân Dương Liễu.
Không để sách “nằm im”
"Tôi nghĩ, ai muốn sướng/ Thì phải sống thảnh thơi/ Như một khách du lịch/ Chu du trong cuộc đời/ Vai mang hai chiếc túi/ Một nhỏ và một to/ Túi nhỏ là để nhận/ Túi lớn là để cho" - tôi cứ ấn tượng mãi với những câu thơ được “kết” trong một status trên fanpage của Thư viện D Free book với mong muốn kêu gọi giúp đỡ cho hoạt động của thư viện.
Những “Mạnh Thường Quân” đã góp phần tài trợ cho D Free book, những tình nguyện viên giúp duy trì hoạt động của thư viện, và đặc biệt chính chủ nhân của D Free book - Hoàng Quý Bình, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, có lẽ đều là những người sẵn sàng cho đi nhiều hơn những gì họ nhận về. Chẳng thế mà Bình từng bị gán cho hai từ “dở hơi” khi mở một thư viện hoàn toàn miễn phí với hoạt động mượn sách chỉ bằng "đặt cọc niềm tin".
Bình không phải là kẻ gàn dở duy nhất trong cuộc chơi với sách. Trên cả nước hiện đã và đang có rất nhiều cá nhân tự mở “thư viện” của riêng mình để chia sẻ niềm vui đọc với những người xung quanh.
Đó là các lão nông Trương Văn Hào (Thừa Thiên - Huế), Huỳnh Tấn Hưng (Vĩnh Long), Bùi Đình Thăng (Hưng Yên); là các sinh viên như Hoàng Quý Bình (Đại học Bách Khoa Hà Nội) với D Free book, Trần Mạnh Hào (Trường Cao đẳng Dược Hà Nội) với Thư Sinh Quán; là các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ như Tủ sách gia đình Vân Tùng (Hưng Yên), không gian đọc An Phú (Thái Bình), thư viện Hưng Phúc (Hà Nội); là các thư viện tư nhân như Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường, Thư viện tư nhân Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội); là các câu lạc bộ như Đọc sách cùng con, Sách ơi mở ra; và đặc biệt là các không gian đọc mang những cái tên đầy lạc quan như Hy vọng, Niềm tin, Hoa hướng dương, Ánh sáng, Ước mơ do người khuyết tật thành lập...
Tất cả những “hiệp sĩ” mở thư viện này chỉ xuất phát từ tình yêu với sách và mong muốn ngày càng nhiều hơn nữa những người dân, đặc biệt là trẻ em, được tiếp cận kho tri thức của nhân loại. Đó là động lực để họ miệt mài sưu tập, lưu giữ sách, không cho phép sách “nằm im” trên giá mà để sách được “sống”, được phục vụ cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Sơn, mẹ của Đỗ Hà Cừ - chủ nhân không gian đọc Hy vọng, chia sẻ: “Đỗ Hà Cừ khuyết tật nặng, bị liệt bẩm sinh từ lúc lọt lòng do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Cháu chưa từng đến trường nhưng do thấy được tác dụng của việc đọc sách nên đã quyết tâm thành lập không gian đọc Hy vọng, đến nay đã được 4 năm với gần nghìn người đăng ký mượn thường xuyên và hàng chục nghìn lượt mượn sách”.
Không chỉ sở hữu “gia tài” hơn 4.000 cuốn sách để cho mượn, Đỗ Hà Cừ còn có một kho sách chỉ để dành tặng, trao đổi với các không gian đọc khác và đặc biệt là hỗ trợ các bạn đồng cảnh ngộ xây dựng tủ sách, mở các không gian đọc mới.
Sự phát triển vượt bậc của hệ thống thư viện, đặc biệt là các thư viện tư nhân đã góp phần đưa ánh sáng tri thức, ánh sáng nhân văn đến được với mọi người dân.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Sau 2 năm triển khai đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, hệ thống thư viện tư nhân gia tăng nhanh chóng. Chỉ tính riêng năm 2019, từ đầu năm là 102 thư viện đến nay đã là 178 thư viện, trong đó có thư viện ngay từ khi ra đời đã có quy mô lớn, như thư viện tư nhân của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng (Long Biên, Hà Nội) với vốn tài liệu hơn 10.000 bản sách và 1 triệu tư liệu”.
Mạng lưới thư viện tư nhân này như một thư viện công cộng của thôn làng, hoạt động hết sức hiệu quả, không chỉ là nơi cho mượn sách mà còn tổ chức nhiều hoạt động có liên quan đến sách và văn hóa đọc.
Điểm hẹn tri thức
Tại nhiều địa phương, thư viện cơ sở, trong đó có thư viện tư nhân, đã trở thành một thiết chế văn hóa quen thuộc với nhiều người dân sở tại. Thói quen đến thư viện sau khi tan học hay vào các ngày cuối tuần đã thành nếp đối với nhiều em học sinh. Góp phần lan tỏa tình yêu sách, mang ánh sáng tri thức đến với người dân, xây dựng và hình thành thói quen đọc sách, mạng lưới thư viện tư nhân đã trở thành những điểm hẹn tri thức của nhân dân.
Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, thư viện cơ sở góp phần không nhỏ vào chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Một số thư viện tư nhân, thư viện cơ sở không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là trẻ em, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành nếp sống tương thân tương ái, biết yêu thương, chia sẻ...
Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của nhiều mô hình thư viện tư nhân còn sơ khai, mang tính tự phát. Phần lớn các thư viện tư nhân cơ sở vật chất còn thiếu thốn, kiến thức chuyên môn để đảm bảo duy trì và phát triển thư viện còn hạn hẹp, huy động nguồn tài chính cho hoạt động thư viện còn khó khăn...
Tạo cơ hội cho các thư viện tư nhân có “đất” để xoay xở, góp phần phát triển văn hóa đọc, Luật Thư viện 2019 mới được thông qua ngày 21-11-2019 có nhiều điểm mới như bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập, mở rộng đối tượng được thành lập thư viện...
Đánh giá về sự phát triển của hệ thống thư viện và văn hóa đọc trong hai năm gần đây kể từ khi đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng bắt đầu triển khai, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: "Văn hóa đọc đã lan tỏa trong đời sống xã hội từ đô thị đến nông thôn, từ các học sinh, sinh viên cho đến những đối tượng đặc biệt như phạm nhân, người khiếm thị. Đây là những ánh sáng nhân văn trong việc phát triển văn hóa đọc. Ở đâu có thư viện, ở đâu có người cầm lấy cuốn sách, thì ở đó có ánh sáng của văn hóa, ánh sáng của tri thức, và có ánh sáng, có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong xã hội. Mong rằng có nhiều thêm nữa các tổ chức, các cá nhân, các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động có tính cộng đồng để việc phát triển văn hóa đọc không chỉ của riêng ngành thư viện, của những người làm công tác văn hóa mà của toàn xã hội”.