Ánh sáng trong ta - Giải mã nỗi sợ hãi Kỳ 1: Tôi sợ cái mới

Nỗi sợ hãi có tác động mạnh mẽ về mặt sinh lý. Nó như một dòng điện chạy qua và khiến cơ thể bạn trở nên cảnh giác.

Sợ hãi vì gặp nguy hiểm hay chỉ là đang đối mặt với điều mới lạ

Sợ hãi thường làm chúng ta choáng ngợp trong những tình huống mới, khi chúng ta gặp gỡ những người chưa quen và đối mặt với những cảm xúc xa lạ. Cảm giác lo lắng cũng gần giống với sợ hãi, nhưng nó xuất hiện thường xuyên hơn và có lẽ cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn vì nó có khả năng kích động thần kinh của chúng ta ngay cả khi không có mối đe dọa nào diễn ra trước mắt, khi chúng ta chỉ đang tưởng tượng về những kết quả tiêu cực tiềm ẩn và sợ hãi về những gì "có thể xảy ra".

Nhưng điều đáng nói ở đây là đôi khi chúng ta cũng phản ứng thái quá với nỗi sợ hãi của mình. Chúng ta dễ lầm tưởng một cơn hoảng sợ bất chợt hoặc một chút lo lắng thoáng qua là dấu hiệu để chúng ta lùi lại, đứng yên và tránh trải nghiệm một điều mới.

Khi trưởng thành hơn, chúng ta có nhiều kiểu phản ứng hơn trước nỗi sợ hãi, căng thẳng và những điều nguy hiểm. Khi sợ hãi, một đứa trẻ có thể la hét, còn người lớn chọn cách tránh né. Chẳng hạn như bạn không bước tới để giới thiệu bản thân với người mà bạn ngưỡng mộ, không đăng ký một lớp học đầy thách thức đối với bạn, không trò chuyện với người có quan điểm chính trị hoặc tôn giáo mà bạn chưa hiểu…

Khi tránh chấp nhận rủi ro để không phải đối mặt với cảm giác lo lắng và khó chịu, bạn có thể đang tự bỏ lỡ cơ hội của mình. Khi chỉ bám vào những điều quen thuộc, bạn đang làm cho thế giới của mình trở nên nhỏ bé và đang tự tước đi cơ hội phát triển của chính mình.

Giải mã nỗi sợ hãi là quá trình tạm dừng lại để suy ngẫm về bản năng của chính chúng ta, phân tích xem điều gì khiến chúng ta lùi bước cũng như điều gì có thể giúp chúng ta sẵn sàng tiến lên, và có lẽ quan trọng nhất là tìm hiểu lý do chúng ta tiến lên hay lùi bước.

Khi lảng tránh sự mới mẻ hoặc khác biệt và không để bản thân đối mặt với những phản ứng tự nhiên như sợ hãi hoặc lo lắng, chúng ta có xu hướng tìm kiếm và ưu tiên những khía cạnh giống nhau trong cuộc sống của mình. Chúng ta có thể chỉ tham gia vào các cộng đồng có đặc điểm giống mình; có thể coi sự đồng nhất là một phương tiện để cảm thấy dễ chịu và tránh né nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, khi đắm chìm trong vùng an toàn nơi mọi người đều giống nhau, chúng ta càng trở nên nhạy cảm trước những điều khác biệt. Chúng ta trở nên khó chấp nhận bất cứ thứ gì hoặc bất cứ ai không cho ta cảm giác quen thuộc ngay lập tức.

Nỗi sợ hãi mà tôi đang cố che đậy: tôi không muốn thay đổi

Tôi nghĩ cảm giác lo lắng nhất mà tôi từng trải qua trong đời là khi Barack lần đầu tiên nói với tôi rằng anh ấy muốn tranh cử tổng thống Mỹ. Tôi thấy viễn cảnh đó thật sự đáng sợ. Và có lẽ điều tệ hơn là khi chúng tôi tiếp tục thảo luận chuyện tranh cử trong những tuần cuối năm 2006, anh ấy đã nói rõ với tôi rằng quyết định cuối cùng hoàn toàn tùy vào tôi.

Anh ấy yêu tôi, anh ấy cần tôi, và chúng tôi là bạn đồng hành của nhau. Điều đó có nghĩa là nếu tôi cho rằng ý tưởng táo bạo này quá rủi ro hoặc sẽ gây ra quá nhiều rắc rối cho gia đình mình, tôi có thể ngăn chặn nó ngay tại thời điểm đó. Tuy nhiên, tôi biết rằng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, ít nhất tôi nợ anh ấy một sự đánh giá kỹ lưỡng và trung thực về lựa chọn này.

Tôi đã phải kiềm chế cảm xúc ban đầu của mình để suy nghĩ thấu đáo hơn. Tôi đã phải loại bỏ những lo lắng không có cơ sở để chú tâm suy xét những điều thật sự cần thiết. Tôi đã luôn nghĩ về ý tưởng có vẻ phi lý và đáng sợ này trong vài tuần. Tôi nghĩ về nó khi đang trên đường đến văn phòng làm việc, khi tập luyện chăm chỉ ở phòng gym, khi đưa các con đi ngủ và khi nằm cạnh chồng mình vào buổi tối.

Tôi hiểu rằng Barack muốn trở thành tổng thống. Tôi chắc chắn anh ấy sẽ trở thành một vị tổng thống tuyệt vời. Nhưng đồng thời, bản thân tôi lại không thích đời sống chính trị. Tôi yêu công việc của mình. Tôi muốn mang đến cho Sasha và Malia một cuộc sống ổn định và yên bình. Tôi không thích cuộc sống có nhiều sự gián đoạn và khó đoán, và tôi biết một chiến dịch tranh cử tổng thống sẽ khiến chúng tôi phải đối diện với rất nhiều sự gián đoạn và khó đoán. Tôi cũng biết rằng chúng tôi sẽ phải chịu đựng sự phán xét. Rất nhiều sự phán xét. Về cơ bản, khi ra tranh cử tổng thống, bạn đang yêu cầu mọi người dân Mỹ tán thành hoặc không tán thành bạn bằng lá phiếu của họ.

Để tôi nói cho bạn biết, cảm giác đó thật sự rất đáng sợ

Tôi đã tự nhủ rằng chỉ cần nói “không” là tôi sẽ lập tức cảm thấy nhẹ nhõm. Nếu tôi nói “không”, mọi thứ vẫn như cũ. Chúng tôi vẫn sống thoải mái trong ngôi nhà của mình, trong thành phố của mình, với những công việc chúng tôi đang làm, xung quanh là những người mà chúng tôi quen biết. Chúng tôi không cần chuyển trường, không cần chuyển chỗ ở, không có gì thay đổi cả.

Vậy là cuối cùng lý do cơ bản cũng được phơi bày, đó là nỗi sợ hãi mà tôi đang cố che đậy: tôi không muốn thay đổi. Tôi không muốn cảm thấy khó chịu, bất định hay mất kiểm soát. Tôi không muốn chồng mình tranh cử tổng thống vì tôi không thể dự đoán được – thật sự không thể tưởng tượng được – trải nghiệm đó sẽ dẫn đến kết quả gì. Tất nhiên là tôi có những lo lắng chính đáng, nhưng thật ra tôi sợ điều gì? Tôi sợ cái mới.

Việc nhận ra nỗi sợ của mình đã giúp tôi suy nghĩ rõ ràng hơn. Bằng cách nào đó, ý tưởng tranh cử tổng thống bỗng trở nên bớt phi lý hơn và bớt đáng sợ hơn. Tôi đã có thể tách bạch những lo lắng của mình theo cách khiến chúng bớt áp đảo hơn. Tôi đã thực hành điều này trong nhiều năm và Barack cũng đã làm như vậy. Tôi đã tự nhắc nhở mình rằng trước đây hai chúng tôi đã trải qua rất nhiều thay đổi và rất nhiều điều mới lạ.

Khi còn là thanh thiếu niên, chúng tôi đã rời xa vòng tay an toàn của gia đình để đến trường đại học. Chúng tôi đã bắt đầu những sự nghiệp mới. Chúng tôi đã vượt qua thách thức khi là những người da đen duy nhất trong nhiều môi trường khác nhau. Barack đã từng thắng và thua trong các cuộc bầu cử trước đây. Chúng tôi đã chiến đấu với chứng hiếm muộn, vượt qua nỗi đau mất cha mẹ và chiến đấu với những căng thẳng liên quan đến việc nuôi dạy con cái. Những điều bất định có làm chúng tôi lo lắng không? Sự mới mẻ có làm chúng tôi khó chịu không? Chắc chắn là có, rất nhiều lần. Nhưng chẳng phải chúng tôi đã chứng tỏ được năng lực và khả năng thích ứng của mình trên mỗi chặng đường chúng tôi đi qua rồi sao? Đúng vậy. Thực tế là đến thời điểm đó, chúng tôi đã trải qua những tháng ngày được tôi luyện.

Cuối cùng, tất cả những suy nghĩ đó đã giúp tôi đưa ra quyết định. Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng nỗi sợ hãi của tôi đã suýt thay đổi cả một giai đoạn lịch sử. Nhưng tôi đã không để nỗi sợ lấn át. Tôi đã đồng ý để Barack tranh cử tổng thống.

Tôi không muốn một ngày nào đó phải nói với các con của mình rằng đã có lúc cha của chúng có khả năng trở thành tổng thống, nhưng chính tôi là người đã từ bỏ khả năng đó, giả vờ như tôi muốn tốt cho mọi người trong khi thật ra tôi chỉ đang níu lấy cảm giác thoải mái với cuộc sống hiện tại và đang bảo vệ ước muốn về việc không cần phải thay đổi.

Theo sách Ánh sáng trong ta (The Light We Carry) của Michelle Obama

Kỳ tới: Sức mạnh là thứ nằm ở mặt trái của nỗi sợ hãi

Hạ Vĩ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/anh-sang-trong-ta-giai-ma-noi-so-hai-ky-1-toi-so-cai-moi-232792.html