Anh sẽ 'rắn' hơn với người bị kết án phạm tội khủng bố
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 2/2 nói rằng, chính phủ sẽ công bố các kế hoạch chi tiết để thay đổi căn bản hệ thống xử lý những người bị kết án phạm tội khủng bố.
Sudesh Amman, 20 tuổi, bị cảnh sát bắn chết trên đường Streatham ở London hôm 2/2 sau khi thấy nam thanh niên này dùng dao đâm người. Cảnh sát gọi vụ tấn công của Amman là một sự cố khủng bố liên quan người Hồi giáo. Amman được ra tù khoảng một tuần trước sau khi thụ án được một nửa thời gian vì tội khủng bố và nằm trong vòng giám sát của cảnh sát. Ba người bị Amman đâm bị thương, nhưng không ai bị nguy hiểm đến tính mạng.
Sở Cảnh sát London nói rằng, cảnh sát đang lục soát các khu nhà ở tại phía nam thủ đô London và hạt Hertfordshire ở miền nam nước Anh. Cảnh sát lục soát một nhà nghỉ ở huyện Streatha - nơi người quản lý nói rằng Amman từng ở. “Mọi người đều ở phòng riêng. Lần cuối tôi nhìn thấy anh ta là khi tôi đang thiết lập hệ thống sưởi cho anh ta hôm thứ Sáu. Anh ta ít nói”, người quản lý nói. Các sĩ quan cảnh sát London thuộc lực lượng chống khủng bố đang dẫn dắt cuộc điều tra.
Chi tiết vụ tấn công và chân dung hung thủ
Khoảng 2 giờ chiều Chủ nhật (giờ địa phương), hai người bị đâm trên đường Streatham, nơi có nhiều cửa hàng và người đi lại. Các nhân chứng nghe thấy tiếng súng nổ sau khi các sĩ quan cảnh sát có vũ trang, những người đuổi theo Amman đang chạy bộ, bắn chết anh ta. Cảnh sát nói rằng, Amman dường như có thiết bị gắn vào người. Nhưng sau đó, thông tin này được xác nhận chỉ là tin đồn, không chính xác.
Ba người được đưa vào bệnh viện, gồm một phụ nữ trạc 50 tuổi và một người đàn ông tầm 40 tuổi. Sức khỏe người đàn ông đã ổn định, còn người phụ nữ đã được xuất viện. Một nữ thanh niên khoảng 20 tuổi bị thương nhẹ, có thể do bị kính vỡ bắn vào sau khi cảnh sát nổ súng. Hiện chưa có thông tin chi tiết về ba người bị thương này.
Amman ra tù hồi tháng 1, sau khi thụ án được một nửa bản án 3 năm 4 tháng tù giam. Anh ta bị tống giam hồi tháng 12/2018 sau khi nhận tội tàng trữ tài liệu chứa thông tin khủng bố và phát tán các ấn bản khủng bố. Một trong những cuốn cẩm nang mà Amman thừa nhận sở hữu có nội dung chiến đấu bằng dao. Khi bị kết án, anh ta mỉm cười. Vào thời điểm Amman được tha tù trước thời hạn, một số người lo ngại rằng, thanh niên này có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng nhưng không có cơ chế pháp lý nào giữ anh ta ở lại trong tù. Tháng 11 năm ngoái, một vụ tấn công gần cầu London khiến 2 người chết cũng do một người đàn ông bị kết án phạm tội khủng bố thực hiện. Kẻ tấn công cũng được tha tù trước thời hạn.
Thị trưởng London Sadiq Khan nói rằng, hơn 70 người bị kết án phạm tội khủng bố đã được trả tự do và kêu gọi chính phủ tái bảo đảm rằng, họ bị trừng phạt xứng đáng và cải tạo tốt. Ông Khan nói: “Với những người được trả tự do, tôi muốn được tái bảo đảm rằng, giới chức có đủ nguồn lực và sự hỗ trợ họ cần để đảm bảo rằng, chúng ta được giữ cho an toàn”. Nghị sĩ Bell Ribeiro-Addy nêu vấn đề: “Anh ta (Amman) được giám sát ngay sau khi được tha tù, vậy tại sao lại thả anh ta sớm như vậy?”.
Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nói rằng, “rõ ràng cảnh sát đang làm mọi thứ có thể để giữ an toàn cho người dân”. Ông nói rằng, các biện pháp mới nhằm tăng cường luật phòng chống khủng bố (đã được thông báo sau vụ tấn công của Amman) sẽ đem lại cho cảnh sát nhiều quyền hạn và nguồn lực hơn. Những thay đổi dự kiến bao gồm loại bỏ việc tha tù trước thời hạn đối với những người bị kết án phạm tội khủng bố; khung phạt tù tối thiểu đối với phạm tội khủng bố nghiêm trọng sẽ là 14 năm…
Tính đến cuối tháng 9/2019, nước Anh có 224 người ngồi tù vì các tội liên quan khủng bố. Phần lớn là các đối tượng cực đoan theo đạo Hồi (173 người) và có 38 đối tượng cực hữu. Hiện nay, hầu hết người bị kết án phạm tội khủng bố có mức án tù dưới 10 năm và hầu hết sẽ không thụ án hết trong tù. Đối với hầu hết án tù (dù liên quan khủng bố hay không), tù nhân có một khoảng thời gian được sinh hoạt bên ngoài nhà tù để cải tạo tại cộng đồng.
Theo giới quan sát, ở bất kỳ thời điểm nào, cảnh sát chống khủng bố và cơ quan tình báo đối nội MI5 cũng có khoảng 3.000 người được gọi là “đối tượng cần quan tâm”, nhưng một con số nhỏ hơn rất nhiều bị giám sát 24/24h, vì phải cần một đội chuyên viên nhiều người mới theo dõi được một đối tượng tình nghi một cách bí mật. Điều này có nghĩa rằng ngăn chặn khủng bố liên quan những quyết định khó khăn, ví dụ nên theo dõi đối tượng tình nghi nào, mức độ rủi ro mà họ gây ra cho cộng đồng cao đến đâu, khi nào là thời điểm tốt nhất để bắt họ… Những năm gần đây, những quyết định như vậy ngày càng trở nên khó khăn vì những kẻ tấn công tiềm năng có xu hướng hành động một mình và sử dụng vũ khí công nghệ thấp, đôi lúc bột phát, bất chợt.
Cựu sĩ quan tình báo quân đội Philip Ingram nói rằng, đã đến lúc chính phủ đánh giá lại luật pháp hiện hành. “Chúng ta đang đối xử với những tên khủng bố này như tội phạm. Liệu một vài trong số chúng không bao giờ có thể cải tạo được? Luật hiện nay có phù hợp để giữ cho công chúng được an toàn?”, ông hỏi.