Anh tái phong tỏa TP Leicester trước làn sóng COVID-19 thứ 2

Anh tái phong tỏa TP Leicester trước làn sóng COVID-19 thứ 2. Ảnh: KT

* WHO cảnh báo giai đoạn tồi tệ nhất của COVID-19 vẫn ở trước mắt

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 30/6 cho biết sẽ áp đặt lại các quy định phong tỏa nghiêm ngặt đối với TP Leicester trước sự bùng phát của dịch bệnh trở lại. Tuyên bố của Bộ trưởng Anh được đưa ra sau khi Leicester ghi nhận gần 700 ca COVID-19 mới chỉ trong vòng 2 tuần đầu của tháng 6, chiếm hơn 25% tổng số ca nhiễm tại thành phố này cho đến nay.

Theo báo cáo, các ca mới ở TP Leicester chủ yếu liên quan tới các cụm dịch mới bùng phát tại các nhà máy chế biến thực phẩm và những đám đông tụ tập tại các cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Trước đó, Chính quyền thành phố đã ra lệnh đóng cửa 5 trường học lớn, yêu cầu người dân duy trì giãn cách 2m và rửa tay thường xuyên.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel vừa qua cũng xác nhận chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ chính quyền TP Leicester trong cuộc chiến chống lại làn sóng thứ 2, đặc biệt là trong lĩnh vực xét nghiệm và các nguồn lực y tế. Bộ Y tế Anh đã triển khai 4 đội xét nghiệm lưu động tới thành phố và bổ sung hàng nghìn bộ xét nghiệm tại nhà.

Tính đến nay, Anh đã ghi nhận tổng cộng hơn 300.000 ca COVID-19 mới với gần 43.500 người tử vong.

Trước đó, ngày 29/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát đi cảnh báo giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới vẫn đang ở trước mắt. Lời cảnh báo được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong buổi họp báo về đại dịch COVID-19 giờ ngày 29/6 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Theo người đứng đầu WHO, với việc nhiều quốc gia trên thế giới gỡ bỏ phong tỏa, cùng tâm lý buông lỏng của người dân, đại dịch COVID-19 đang có môi trường và điều kiện thuận lợi để bùng phát mạnh hơn và tồi tệ hơn cả giai đoạn đầu đại dịch.

“Một vài quốc gia đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng trở lại khi tiến hành mở lại nền kinh tế và đời sống xã hội. Đa số người dân vẫn đang có nguy cơ nhiễm bệnh và virus còn rất nhiều không gian để lây lan. Tất cả chúng ta đều muốn rằng mọi thứ đã kết thúc nhưng thực tế khắc nghiệt là còn lâu nữa đại dịch mới qua. Dù tình hình tại nhiều quốc gia có tiến bộ nhưng trên toàn cầu thì đại dịch vẫn đang tăng tốc”, ông Ghebreyesus nói.

Theo các con số thống kê được WHO đưa ra trong vài ngày qua, mức độ lan rộng của đại dịch COVID-19 trên thế giới thể hiện rõ nhất ở việc hiện chỉ mất khoảng 1 tuần là đã có 1 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khi ở giai doạn đầu của đại dịch, sau hơn 3 tháng mới có 1 triệu người nhiễm.

WHO cũng nhắc lại một cột mốc đáng chú ý khác là ngày 30/6 là vừa tròn 6 tháng WHO nhận được báo cáo đầu tiên từ Trung Quốc về căn bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán. Sau 6 tháng đại dịch chính thức xuất hiện, toàn thế giới đã có trên 10 triệu ca nhiễm và trên 500 ngàn người tử vong vì COVID-19.

Tâm dịch hiện nằm ở châu Mỹ, với hai ổ dịch lớn nhất là Mỹ và Brazil, cũng là hai nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng cộng, châu Mỹ chiếm khoảng một nửa tổng số ca nhiễm và ca tử vong của toàn thế giới. Tại các khu vực khác trên thế giới, dù dịch COVID-19 đã phần nào được khống chế nhưng nguy cơ tái bùng phát vẫn rất cao, như tại Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đức.

L.H (tổng hợp từ VOV)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/241658/anh-tai-phong-toa-tp-leicester-truoc-lan-song-covid-19-thu-2.html