Anh tham gia trở lại dự án Horizon: Nỗ lực hàn gắn hậu Brexit?

Sau quá trình đàm phán kéo dài 6 tháng, Anh và Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí Anh sẽ tham gia trở lại chương trình nghiên cứu khoa học Horizon của khối.

Theo đó, các nhà nghiên cứu của Anh có thể xin tài trợ ngay lập tức và tham gia các dự án thuộc chương trình Horizon, trong khi Anh sẽ bắt đầu thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính cho chương trình bắt đầu từ tháng 1/2024 tới. Bên cạnh ý nghĩa với cộng đồng nghiên cứu của cả EU và Anh, nhiều người còn kỳ vọng việc Anh trở lại với Horizon là bước khởi đầu cho sự hàn gắn giữa hai bên sau nhiều mâu thuẫn thời hậu Brexit.

Ông Sunak cho biết đã đạt được các điều khoản tài chính phù hợp với Anh khi nước này quay trở lại tham gia các chương trình nghiên cứu của EU. Ảnh: Euractiv

Ông Sunak cho biết đã đạt được các điều khoản tài chính phù hợp với Anh khi nước này quay trở lại tham gia các chương trình nghiên cứu của EU. Ảnh: Euractiv

Ý nghĩa với lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Anh

Horizon Europe là một dự án bao gồm các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới của Liên minh Châu Âu (EU), nối tiếp chương trình nghiên cứu Horizon 2020. Horizon Europe bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 và kéo dài trong 7 năm, cho đến 2027. Chương trình Horizon Europe có tổng kinh phí dự tính vào khoảng 100 tỷ euro và được Ủy ban Châu Âu ưu ái nâng mức kinh phí nghiên cứu lên tới hơn 50% so với chương trình Horizon 2020 trước đó.

Horizon Europe có tổng cộng 3 trụ cột nghiên cứu chính. Trong đó gói hỗ trợ nghiên cứu cơ bản được phân bổ 25 tỷ Euro. Tiếp đó, gói hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng nhận được 53,5 tỷ Euro. Đây cũng là gói hỗ trợ lớn nhất và tập trung vào 6 chuyên đề chính, từ y tế, an ninh, khoa học xã hội…cho đến các vấn đề khí hậu, năng lượng và cả không gian. Gói hỗ trợ cuối cùng tập trung vào các nghiên cứu đổi mới và được tài trợ hơn 15 tỉ Euro.

Do những bất đồng về việc đóng góp các khoản nghiên cứu, Vương quốc Anh đã không thể tham gia chương trình Horizon Europe trong 2 năm từ 2021. Điều này đã gây nên nhiều tác động tiêu cực cho cộng đồng các nhà nghiên cứu cũng như các công ty phát triển và đổi mới công nghệ của nước này. Từ các dự án công cho đến các dự án tư nhân đều bị ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều mặt.

Việc Vương quốc Anh tham gia trở lại dự án Horizon là một tín hiệu đáng mừng với giới nghiên cứu trong nước. Đầu tiên, chúng ta phải kể đến việc thỏa thuận mới này cho phép các nhà nghiên cứu của Anh có thể nộp đơn xin tài trợ ngay lập tức và tham gia các dự án thuộc chương trình Horizon. Suy cho cùng, Anh mặc dù phải đóng góp một khoản chi phí tài trợ nghiên cứu ở mức vài tỷ Euro mỗi năm, nhưng các trung tâm nghiên cứu của Anh cũng là những người được hưởng lợi trực tiếp.

Ngoài ra, thay vì phải tạo ra một hội đồng phê duyệt cũng như giám sát các dự án nghiên cứu với chi phí có thể lên tới nhiều triệu Euro, thì nay với Horizon Europe, Anh hoàn toàn có thể không cần làm gì mà vẫn được hưởng lợi từ các thành quả nghiên cứu của khối.

Không những thế, việc Anh có thể tiếp cận chương trình Horizon cũng mở ra khả năng hợp tác trực tiếp giữa các công ty nước này với phần còn lại của Châu Âu. Qua đó, chi phí để nghiên cứu và áp dụng vào thực tế của Vương quốc Anh sẽ giảm đi đáng kể, chưa nói đến các khoản chi phí để giữ bảo mật cũng như độc quyền công nghệ. Báo chí Anh cũng đưa tin, trong vòng hơn 1 năm qua (từ 2022 đến 2023), khi London không được tham gia Horizon, gần 63% công ty của nước này đã phải chuyển hướng hợp tác với một công ty thứ 3 có được các công nghệ tiên tiến của Châu Âu để có thể cập nhật và không bị thụt lùi trên đường đua sáng tạo đầy khốc liệt này.

Một điểm lợi lớn nữa mà chương trình Horizon mang lại, đó là củng cố vị thế của Vương quốc Anh như một điểm đến nghiên cứu hàng đầu và thu hút các tài năng khoa học giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới để mang lại những nghiên cứu đột phá trong tương lai. Điều mà nước Anh luôn tự hào trước sự kiện Brexit.

Những vấn đề 2 bên cần giải quyết

Quan hệ giữa Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh vẫn luôn căng thẳng từ sau những đàm phán về Brexit hồi 2019. Cho đến hồi cuối tháng 2 vừa qua, mối quan hệ này mới có phần dịu lại sau khi 2 bên đạt được thỏa thuận mới về Bắc Ireland. Thỏa thuận với tên gọi “Khuôn khổ Windsor” cho phép việc gỡ bỏ được các bất đồng lớn nhất giữa các bên trong Nghị định thư trước đây về Bắc Ireland, liên quan đến việc kiểm soát hải quan đối với hàng hóa từ các vùng lãnh thổ khác của Vương quốc Anh chuyển đến Bắc Ireland.

Theo Nghị định thư trước đây trong thỏa thuận Brexit ký cuối năm 2019, nhằm bảo vệ tiến trình hòa bình trên đảo Ireland, tránh việc tái lập biên giới cứng giữa tỉnh Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và nước Cộng hòa Ireland thuộc Liên minh châu Âu, Bắc Ireland vẫn được giữ lại trong thị trường chung Châu Âu nhưng EU có quyền kiểm soát hàng hóa từ Vương quốc Anh đến Bắc Ireland, đồng thời một đường biên giới trên biển Ireland cũng được thiết lập.

Chính phủ Anh và các đảng theo chủ trương hợp nhất Bắc Ireland với Vương quốc Anh, ngày càng phản đối quyết liệt điều khoản này, cho rằng như thế là đánh mất chủ quyền của Vương quốc Anh tại Bắc Ireland. Sau một thời gian dài tranh cãi, Brussels và London đã đi đến một thỏa thuận mới thay thế, cho phép thiếp lập một “Làn Xanh” dành riêng cho hàng hóa từ Anh tự do vận chuyển đến Bắc Ireland mà không chịu sự kiểm soát từ hải quan EU, cũng như một “Làn Đỏ” dành cho các hàng hóa nhập vào thị trường EU.

Việc đạt được thỏa thuận này đã cho phép 2 bên tiếp tục bàn đến những vấn đề bất đồng khác. Và một trong những vấn đề nổi cộm trước đó là việc chính phủ Anh từ chối cung cấp chi phí lên tới hơn 16 tỷ Euro trong 7 năm (từ 2021 đến 2027), cho các chương trình hợp tác nghiên cứu của Liên minh Châu Âu, trong đó bao gồm chương trình quan sát Trái đất Copernicus, chương trình nghiên cứu và đổi mới Horizon Europe, chương trình nghiên cứu về năng lượng hạt nhân Euratom…

Theo giới chuyên gia đánh giá, việc chính phủ Anh từ chối tham gia các nghiên cứu của EU bắt nguồn chủ yếu từ các bất đồng về chính trị giữa 2 bên. Và như tôi đã nói ở trên, việc không tham gia các chương trình này có hại nhiều hơn lợi đối với Vương quốc Anh, nhất là trong bối cảnh cuộc đua công nghệ ngày cành trở nên khốc liệt hơn sau đại dịch Covid-19.

Thực tế cũng chứng minh như vậy, giới báo chí Anh cũng như Châu Âu đều nhấn mạnh rằng việc quay trở lại các chương trình của Liên minh Châu Âu là bước tiến mới cho giới nghiên cứu của Anh. Ngoài ra việc chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak chấp nhận chi trả 2,6 tỷ Euro mỗi năm cho những nghiên cứu của EU, cao hơn nhiều so với mức 2,2 tỉ Euro trước đó, nhằm "bù đắp" cho 2 năm vắng bóng của mình, cũng một phần nào đó là minh chứng cho điều này.

Bưới khởi đầu trong quá trình hàn gắn giữa Anh và EU?

Mối quan hệ Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu đã có tín hiệu khởi sắc ngay từ khi thỏa thuận “Khuôn khổ Windsor” được ký kết. Nhưng trên thực tế, các dấu hiệu đầu tiên cho thấy quan hệ song phương bắt đầu triển biến tốt là khi chính phủ của Thủ Tướng Anh Rishi Sunak được thành lập. Khi đó, nước Anh liên tục trải qua nhiều cuộc khủng hoảng gây ra biến động sâu sắc trong đời sống của người dân nước này.

Đầu tiên đó là cuộc khủng hoảng Y tế Covid-19, sau đó là cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Người dân Anh quốc phải đối mặt với tình trạng lạm phát lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều hộ gia đình không còn khả năng chi trả các khoản phí điện nước cũng như thức ăn thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Kéo theo đó là hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra trong lĩnh vực y tế và ngành giao thông vận tải.

Mặc dù đã có những giải pháp trấn an ban đầu nhưng việc tiếp tục không có lối thoát nào hiệu quả cũng gây áp lực lớn lên chính phủ của Thủ Tướng Sunak. Trước những khó khăn đó, chính ông Sunak là người đã chủ động đưa ra các mong muốn đàm phán nhằm giải quyết những bất đồng với EU. Ông duy trì một chính sách uyển chuyển hơn so với người tiền nhiệm trước của mình là ông Boris Johnson. Và tất cả những điều trên đã giúp ông Rishi Sunak có thể nhanh chóng đạt được những thỏa thuận mới cùng với khối 27.

Và việc nước Anh tái tham gia 2 chương trình của Liên minh Châu Âu (Copernicus, Horizon Europe) mới đây lại một lần nữa khẳng định mối quan hệ song phương ngày càng được cải thiện. Vấn đề Anh từ bỏ tư cách tham gia Horizon cũng như từ chối trả các khoản chi phí nghiên cứu là một trong những bất đồng lớn gây tranh cãi giữa 2 bên trong thời kì Brexit. Với thỏa thuận mới này, Vương quốc Anh cho thấy thiện chí và quyết tâm tiếp tục sánh vai với EU trong công cuộc nghiên cứu các công nghệ cho tương lai.

Mặc dù một phần các vấn đề bất đồng lớn đang được tiến hành giải quyết và bước đầu đã có những tín hiệu khởi sắc, nhưng chúng ta cần lưu ý rằng, một trong những «di sản» mà chính phủ của ông Boris Johnson để lại hiện vẫn chưa được giải quyết. Đó là các đàm phán về hiệp định thương mại và hợp tác giữa Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh.

Chính phủ của Thủ Tướng đương nhiệm Rishi Sunak cần đặc biệt lưu ý và cẩn thận trong quá trình đàm phán sắp tới, dự kiến sẽ tiến hành vào 2026. Việc đạt được những thỏa thuận mới trong vấn đề này sẽ giúp London có lại được những lợi thế với thị trường trị giá hàng trăm tỷ Euro cũng như đánh dấu một trang mới trong quan hệ song phương của Vương quốc Anh và EU.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/anh-tham-gia-tro-lai-du-an-horizon-no-luc-han-gan-hau-brexit-post1045037.vov