Anh thông qua thỏa thuận Microsoft mua Activision giá 68,7 tỉ USD, lớn nhất lịch sử ngành game
Cơ quan quản lý chống độc quyền Anh hôm 13.10 đã thông qua việc mua lại Activision Blizzard, nhà sản xuất game Call of Duty, của Microsoft sau khi thỏa thuận được điều chỉnh giải quyết đáng kể những lo ngại trước đó.
Call of Duty là một loạt game đình đám thuộc thể loại bắn súng góc nhìn thứ nhất. Loạt game này được bắt đầu trên phiên bản dùng cho máy tính cá nhân, sau đó được mở rộng ra các hệ máy console và máy cầm tay. Một vài bản mở rộng cũng được phát hành bên cạnh các tựa game chính.
Activision Blizzard (Mỹ) vào tháng 8 đã đồng ý bán quyền phát trực tuyến của mình cho Ubisoft Entertainment (Pháp), còn Microsoft (Mỹ) vào tháng trước đã đưa ra các biện pháp khắc phục để đảm bảo các điều khoản mua bán được cơ quan quản lý thông qua, xoa dịu một số lo ngại còn sót lại.
Theo thỏa thuận được điều chỉnh, Microsoft sẽ không thể độc quyền phát hành các game của Activision Blizzard như Overwatch và Diablo trên dịch vụ phát trực tiếp nền tảng đám mây Xbox Cloud Gaming của mình, hay độc quyền kiểm soát các điều khoản cấp phép cho các dịch vụ cạnh tranh.
Thay vào đó, Ubisoft Entertainment sẽ giành được quyền phát trực tiếp trên nền tảng đám mây các game trên máy tính cá nhân và máy chơi game của Activision Blizzard cùng bất kỳ game mới nào do công ty này sản xuất trong 15 năm tới.
Quy định trên sẽ được áp dụng trên toàn cầu trừ châu Âu, nơi đã chấp thuận thỏa thuận ban đầu.
Ở châu Âu, Ubisoft Entertainment sẽ nhận được giấy phép không độc quyền để phát hành các game của Activision Blizzard.
Microsoft sẽ cần giấy phép từ Ubisoft Entertainment để phát trực tiếp game của Activision Blizzard trên nền tảng riêng Xbox ngoài Khu vực kinh tế châu Âu.
Cơ quan quản lý chống độc quyền Anh (CMA) cho biết: “Thỏa thuận mới sẽ ngăn Microsoft hạn chế các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực game trên nền tảng đám mây khi thị trường này phát triển, duy trì mức giá và dịch vụ cạnh tranh cho khách hàng chơi game trên nền tảng đám mây ở Vương quốc Anh”.
Hồi tháng 4, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) gửi đơn kiện nhằm ngăn kế hoạch mua Activision Blizzard của Microsoft với lý do công ty phần mềm Mỹ có thể tạo vị thế độc quyền, gây tác động xấu lên thị trường. Tòa án Mỹ đã từ chối yêu cầu của FTC về việc dừng thương vụ sáp nhập lịch sử này.
Vào đầu năm 2022, Microsoft đã công bố mua lại Activision Blizzard với giá 68,7 tỉ USD (lớn nhất lịch sử ngành game), nhưng thương vụ này bị cơ quan quản lý cạnh tranh của Anh chặn vào tháng 4, do lo ngại gã khổng lồ điện toán Mỹ sẽ giành được quá nhiều quyền kiểm soát thị trường game trên đám mây non trẻ.
Microsoft cho biết “rất biết ơn vì sự xem xét và quyết định kỹ lưỡng của CMA”.
Brad Smith, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Micrsoft, nói: “Chúng tôi hiện đã vượt qua rào cản pháp lý cuối cùng để hoàn tất thương vụ mua lại này, điều mà chúng tôi tin rằng sẽ mang lại lợi ích cho người chơi và ngành công nghiệp game trên toàn thế giới”.
Thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của Microsoft sẽ củng cố sức mạnh cho công ty trong thị trường game đang bùng nổ, nơi có sự tham gia của hai hãng hàng đầu là Tencent và Sony.
"Game là thể loại năng động và thú vị nhất trong giải trí trên tất cả các nền tảng hiện nay, sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nền tảng metaverse", Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella cho biết. Đề nghị của Microsoft là 95 USD cho mỗi cổ phiếu Activision Blizzard. Cổ phiếu Activision Blizzard được giao dịch mức 84,32 USD vào thời điểm đó vào tháng 1.2022.
Thỏa thuận diễn ra vào thời điểm khó khăn với Activision Blizzard, nhà sản xuất các game nổi tiếng như Call of Duty, Overwatch và Candy Crush. Cổ phiếu Activision Blizzard đã giảm mạnh kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021 sau những cáo buộc quấy rối tình dục nhân viên và hành vi sai trái của một số quản lý hàng đầu.
Activision Blizzard giải quyết những cáo buộc đó và cho biết đã sa thải hoặc đuổi việc cũng như kỷ luật nhiều nhân viên.
Giám đốc điều hành Activision Blizzard - Bobby Kotick tiết lộ Microsoft đã liên hệ với ông để mua lại công ty. Sau thỏa thuận này, Bobby Kotick vẫn tiếp tục làm Giám đốc điều hành Activision Blizzard.
Trong cuộc gọi hội nghị với các nhà phân tích, Satya Nadella không trực tiếp đề cập đến vụ bê bối ở Activision Blizzard mà nói về tầm quan trọng của văn hóa trong công ty.
Ông nói: “Điều quan trọng là Activision Blizzard phải thúc đẩy các cam kết văn hóa đổi mới của mình”, đồng thời cho biết thêm “sự thành công của thương vụ mua lại này sẽ phụ thuộc vào nó”.
Sau khi thâu tóm Activision Blizzard, Microsoft sẽ trở thành công ty game lớn thứ ba trên thế giới.
Theo công ty nghiên cứu Mordor Intelligence, thị trường game toàn cầu được định giá là 173,70 tỉ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 314,40 tỉ USD trong 2027.
Microsoft đã có thể khẳng định vị thế quan trọng trong thế giới game với tư cách là một trong ba nhà sản xuất console (máy chơi game video) lớn.
Công ty Mỹ đã đầu tư nhiều vào Mojang Studios (nhà sản xuất game Minecraft) và Zenimax trong các giao dịch hàng tỉ USD những năm qua.
Microsoft cũng tung ra một dịch vụ game điện toán đám mây phổ biến, với hơn hàng chục triệu người đăng ký.
Activision Blizzard là một trong những hãng game lớn nhất với hơn 10.000 nhân viên khắp thế giới, thu hút 400 triệu người dùng hàng tháng tại 190 quốc gia.
Các lãnh đạo Microsoft đã nói về 400 triệu người dùng hoạt động hàng tháng của Activision Blizzard là điểm thu hút chính với thỏa thuận. Các cộng đồng này có thể đóng vai trò quan trọng trong các game khác nhau của Microsoft.
Thư viện game Activision Blizzard có thể mang lại lợi thế cho nền tảng chơi game Xbox của Microsoft so với Playstation của Sony, vốn đã có nhiều năm tận hưởng dòng game độc quyền ổn định hơn.
Nếu không có Activision Blizzard cùng nhiều game khác nhau trên thiết bị di động, console và PC, Microsoft có thể gặp khó khăn trong việc thu hút người dùng đến với dịch vụ đăng ký vừa chớm nở của mình để chơi game. Thu hút người đăng ký đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các hãng công nghệ lớn khi nguồn tăng trưởng truyền thống như bán quảng cáo trở nên kém tin cậy hơn.