Anh thử nghiệm tiêm xen kẽ vaccine của nhiều nhà sản xuất

Trong nỗ lực tìm ra những đột phá trong công cuộc phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Đại học Oxford của Anh vừa đưa ra thông báo sẽ khởi động một thử nghiệm y tế, theo đó sẽ tiêm xen kẽ các liều vaccine ngừa COVID-19 của các nhà sản xuất khác nhau.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm kiểu này nhằm theo dõi xem liệu các liều vaccine ngừa COVID-19 khác nhau có thể sử dụng thay thế nhau hay không, cho phép tạo sự linh hoạt hơn trong bối cảnh nguồn cung vaccine đang khan hiếm và khó khăn hiện nay.

Phó Giám đốc Cơ quan Y tế của Chính phủ Anh, ông Jonathan Van-Tam, cho biết thử nghiệm sẽ mang lại cái nhìn sâu hơn về việc sử dụng các loại vaccine ngừa COVID-19.

“Trước những thách thức lớn trong việc chủng ngừa cho một lượng lớn dân số cùng một lúc, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu không đủ đáp ứng, sẽ có nhiều lợi ích nếu chúng ta có các dữ liệu giúp tiến hành chương trình tiêm chủng linh hoạt hơn. Thậm chí có thể bằng cách kết hợp vaccine, phản ứng miễn dịch có thể được tăng cường nhờ lượng kháng thể được tạo ra nhiều hơn và tồn tại lâu hơn”, ông Van-Tam nói.

Nghiên cứu kéo dài 13 tháng sẽ so sánh các sự kết hợp khác nhau giữa các liều cơ bản và liều tăng cường của vaccine của AstraZeneca (của Thụy Điển và Anh) và Pfizer/BioNTech (của Mỹ và Đức) cách nhau 4 và 12 tuần.

Theo số liệu thống kê mới nhất, cho đến nay Anh đã tiến hành tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho hơn 10 triệu người, trong đó có 498.962 người được tiêm mũi thứ 2. Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt chỉ tiêu tiêm cho 15 triệu người nằm trong đối tượng ưu tiên nhất vào giữa tháng 2 này.

Anh, một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng, đã đi trước xu hướng quốc tế bằng cách kéo dài thời gian giữa 2 mũi tiêm lên 12 tuần nhằm có thêm nhiều người được tiêm mũi đầu tiên.

Giáo sư Matthew Snape thuộc trường Đại học Oxford gọi nghiên cứu này là cực kỳ thú vị, cho rằng thử nghiệm mang đến những thông tin quan trọng cho việc triển khai vaccine ở Anh nói riêng và trên toàn cầu nói chung.

Các nước châu Âu khác đã chỉ trích quyết định trên của Anh là rủi ro, nhưng Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 3/2 cho biết nghiên cứu mới đã củng cố chiến lược mà Anh đang thực hiện và chứng minh với thế giới là vaccine của Đại học Oxford và hãng AstraZeneca hoạt động hiệu quả.

Quan chức cấp cao của hãng AstraZeneca là Mene Pangalos cho biết không có bệnh nhân mắc COVID-19 nặng hay cần phải nhập viện điều trị sau 3 tuần kể từ khi tiêm liều vaccine đầu tiên và hiệu quả dường như kéo dài đến 12 tuần sau liều đầu tiên.

Tuy nhiên, theo AP, nghiên cứu chưa được bình duyệt và không đề cập đến liều lượng của vaccine COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech.

Hiện nay, Anh cũng đang sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech trong tiêm ngừa COVID-19. Pfizer đã khuyến cáo nên tiêm mũi thứ 2 cách mũi đầu 21 ngày và chưa đồng ý quyết định của Anh về việc kéo dài thời gian giữa 2 liều tiêm.

Anh hiện là nước bùng phát dịch COVID-19 nguy hiểm nhất châu Âu, đặc biệt khi có biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn đến 70%. Với hơn 108.000 ca tử vong, Anh đang trong đợt phong tỏa toàn quốc thứ 3 để ngăn virus lây lan.

H.Phương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/anh-thu-nghiem-tiem-xen-ke-vaccine-cua-nhieu-nha-san-xuat/422192.vgp