Anh thực hiện chiến thuật vừa răn đe vừa đàm phán với Nga về vấn đề Ukraine
Anh đang dẫn đầu các nỗ lực vừa ngoại giao và răn đe đối với Nga liên quan đến căng thẳng leo thang về Ukraine.
Theo Đài phát thanh châu Âu tự do ngày 10/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bắt đầu cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Anh Liz Truss, người hiện đang ở Moskva với chuyến thăm làm việc kéo dài hai ngày.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moskva, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã cảnh báo người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine sẽ là "thảm họa", khi Anh trở thành quốc gia mới nhất tham gia một loạt các chuyến công du ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng trong bối cảnh quân đội Nga đang tăng cường gần biên giới với Ukraine mà phương Tây nghi ngờ là chuẩn bị cho một cuộc tấn công.
"Về cơ bản, một cuộc chiến ở Ukraine sẽ là thảm họa đối với người dân Nga và Ukraine cũng như đối với an ninh châu Âu và cả NATO đã nói rõ rằng bất kỳ cuộc xâm nhập nào vào Ukraine sẽ gây ra hậu quả lớn và phải trả giá đắt", Ngoại trưởng Truss nói, lưu ý trước đó rằng biện pháp duy nhất ở phía trước là Nga phải cải thiện và theo đuổi con đường ngoại giao, đồng thời cảnh báo chiến lược hiện tại của Điện Kremlin đang làm tổn hại đến vị thế và lợi ích của Nga.
Đáp lại bình luận của bà Truss, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố những lời đe dọa của phương Tây nhằm vào Moskva sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng tình hình. Ông Lavrov nêu rõ: "Các phương pháp tiếp cận ý tưởng, tối hậu thư, các mối đe dọa - đây là con đường vô nghĩa", đồng thời cho biết thêm "chúng ta chỉ có thể bình thường hóa quan hệ thông qua đối thoại tôn trọng lẫn nhau". Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh rằng rằng quan hệ song phương giữa hai bên "có thể ở mức thấp nhất trong nhiều năm" nhưng cho biết Moskva sẵn sàng cải thiện quan hệ.
Theo trang web của Chính phủ Anh (gov.uk), nước này đang dẫn đầu các nỗ lực vừa ngoại giao và răn đe - tuần trước Thủ tướng Boris Johnson đã đến thăm Kiev và ngày 9/2 đã tiếp Thủ tướng Litva Ingrida Šimonytė, trao đổi với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte về tình hình ở Đông Âu. Ngoại trưởng Anh cũng đã thảo luận với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra về tình hình ở biên giới Ukraine trong những ngày gần đây.
Trong một nỗ lực ngoại giao phối hợp, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến Brussels để tham vấn với người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg và sau đó đến Warsaw để gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace dự kiến có mặt tại Moskva vào ngày 11/2.
Trước đó ngày 9/2, Anh cho biết sẵn sàng triển khai thêm 1.000 binh sĩ để đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nhân đạo nào liên quan đến vấn đề Ukraine. Anh cũng đang gia tăng gấp đôi số binh sĩ triển khai cho NATO ở Estonia, từ 900 lên 1.750 binh sĩ và có một lực lượng nhỏ ở Ukraine để hỗ trợ huấn luyện về tên lửa chống tăng của Anh. Thủ tướng Johnson cũng cam kết tăng thêm 1.000 binh sĩ Anh được đặt trong tình trạng sẵn sàng hỗ trợ một cuộc ứng phó nhân đạo trong khu vực nếu cần. Theo ông Johnson, Anh có kế hoạch triển khai thêm máy bay thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đến miền Nam châu Âu và hai tàu hải quân đến phía Đông Địa Trung Hải.
Các chuyến thăm ngoại giao và tuyên bố của những quan chức hàng đầu trong Chính phủ Anh diễn ra sau thông báo vào tuần trước về chế độ trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay của nước này đối với Nga. Cách tiếp cận mới cho phép Anh trừng phạt hàng loạt cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đến lợi ích chiến lược của Nga.