Ðánh thức tiềm năng du lịch Xuân Trường
Mặc dù hội tụ nhiều điều kiện lý tưởng về cảnh quan tự nhiên, khí hậu và cả giá trị lịch sử để phát triển du lịch, thế nhưng tiềm năng du lịch của xã Xuân Trường (TP Ðà Lạt) bao lâu nay vẫn được ví là 'cô công chúa đang ngủ trong rừng', cần có người đến 'đánh thức'.
Nơi “săn” mây lý tưởng
Một ngày cuối tuần, Phó Chủ tịch xã Xuân Trường Nguyễn Trọng Bình dẫn chúng tôi đến thăm ngọn thác 3 tầng mà ông rất tự hào. Đi bộ một đoạn đường xa và con đường nhỏ len giữa vườn cà phê dài, dốc khiến tôi không ít lần trượt chân và dừng lại nghỉ. Trong câu chuyện dọc đường đi, ông Bình trải lòng về những tâm tư cho du lịch địa phương.
Những ngày mùa hè. Khác với sự đông đúc, kẹt xe và chen lấn nơi trung tâm TP Đà Lạt, xã phía Đông thành phố - Xuân Trường vẫn êm đềm với những vườn cà phê xen lẫn rừng thông, với không khí trong lành, với những mái nhà thấp thoáng dưới tán hồng đang xanh lá. Và buổi chiều, mây vẫn bay la đà trên các đồi chè của xã Trạm Hành lân cận. Đây cũng chính là điểm thu hút khách du lịch tìm đến các địa điểm trên cao của xã Xuân Trường để “săn” mây. “Nhưng cũng chỉ chừng đó, khách ghé ngang, chụp ảnh mây rồi về, không có ý định ở lại để ghé thăm các điểm khác” - ông Nguyễn Trọng Bình tâm tư.
Thực tế từ trước tới nay, khi đến Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng, du khách vẫn chỉ chủ yếu tìm đến xã Trạm Hành ngắm bình minh lên trên những nương chè cổ Cầu Đất, hay ghi lại khoảnh khắc làn sương phủ trắng dưới những thung lũng trập trùng thông vào buổi sáng sớm hay chiều muộn. Và mặc dù lượng khách tìm về xã Trạm Hành ngày càng đông, thì Xuân Trường vẫn chỉ đang là điểm ngang qua bởi không đủ sức để “níu” khách lưu lại.
Trong khi đó, xã Xuân Trường lại chứa đựng những tiềm năng du lịch hết sức phong phú về cả tự nhiên và lịch sử nhưng vẫn chưa được khai thác hết giá trị để phục vụ du lịch. Đó là hệ thống thác Đất Làng, thác Long Thọ, thác 3 tầng với làn bọt tung trắng xóa mát lạnh dưới những cánh rừng thông - nhưng vẫn chỉ mới được người dân địa phương biết đến. Chưa kể, Xuân Trường là một xã anh hùng, là cái nôi cách mạng của TP Đà Lạt. Bản thân những cái tên như Xuân Trường, Trường Xuân hay Đất Làng, suối Ca Nhạc đều đã chứa đựng trong mình những giá trị lịch sử và câu chuyện thú vị có thể đưa vào khai thác để khách du lịch tìm hiểu.
Cúc Nguyên - một du khách đến từ Phú Yên đã tỏ ra rất phấn khích khi được đứng trên quán cà phê mang tên Nóc nhà Đất Làng, để được thu trọn trong tầm mắt những đồi cà phê xanh ngát, hay khi cô được đi bộ trên những con đường nhỏ rợp bóng hồng đang mùa ra trái mà theo cô chia sẻ: “Nếu như không có bạn là người địa phương hướng dẫn thì tôi sẽ không có được những trải nghiệm tuyệt vời này. Đây là những điểm rất đẹp, rất đặc trưng của vùng miền mà tôi chưa thấy được giới thiệu trên bản đồ du lịch của Đà Lạt”.
“Những năm gần đây, việc phát triển nghề làm hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản và trồng rau hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao cũng mở ra hướng phát triển du lịch canh nông, thu hút một lượng khách đến địa phương tham quan nhưng vẫn chỉ đang ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ và tự phát chứ chưa thật sự hình thành được một tour tuyến chuyên nghiệp”- ông Bình cho biết.
Thiếu người “đánh thức”
Một trong những khó khăn lớn nhất mà xã Xuân Trường đang gặp phải là khó thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, cá nhân để phát triển các điểm đến.
Anh Nguyễn Duy Lam - chủ cơ sở lưu trú du lịch Cúc Tím Farmstay - một trong những người được xem là đi tiên phong trong việc đầu tư phát triển du lịch tại xã Xuân Trường cũng nhận thấy rõ điều này. “Xuân Trường được thiên nhiên ưu đãi rất lớn về không khí trong lành và khí hậu mát lạnh tuyệt vời. Vùng đất này có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư biết đến. Xuân Trường cần phải có được sự đầu tư đồng bộ, tạo ra chuỗi các điểm tham quan, tạo ra một hệ sinh thái du lịch thì mới có thể thu hút du khách tìm đến và ở lại. Nếu chỉ làm manh mún, nhỏ lẻ thì thật sự rất khó để tạo được đòn bẩy thúc đẩy du lịch ở đây đi lên” - anh chia sẻ.
Với tổng diện tích hơn 4,5 ha và chỉ mới xây dựng từ tháng 10/2018, khuôn viên xung quanh của Cúc Tím Farmstay được bao bọc bằng thông, và trồng các loại quả đặc trưng của Đà Lạt như dâu tây, cà chua bi, dưa pepino. Anh Lam đang mong muốn hình thành một điểm đến không chỉ đơn thuần là để khách tham quan, mà còn là nơi để nghỉ dưỡng, trải nghiệm, sống chậm lại giữa thiên nhiên và để du khách tìm lại chính mình.
Bên cạnh đó, việc thiếu thốn các cơ sở lưu trú, ăn uống và khu vui chơi đáp ứng nhu cầu cho du khách cũng là một trong những lý do khiến khách lựa chọn trở về trung tâm TP Đà Lạt sau khi tham quan Cầu Đất, thay vì ở lại qua đêm - Đây chính là cái thiếu lớn nhất, đồng thời khó giải quyết nhất đối với sự phát triển du lịch của địa phương.
Trong câu chuyện với Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Bình và cả những người trẻ ở nơi này, không khó để nhận ra khát khao thay đổi, khát khao phát triển du lịch từ nền nông nghiệp của những con người địa phương. Anh Hùng Văn (28 tuổi) chia sẻ với chúng tôi những ấp ủ về hình thức du lịch cộng đồng, về mong muốn đưa du khách đến nơi anh đang sống, để khách được tận tay hái những trái cà phê Arabica chín mọng mà cha mẹ và những người xung quanh anh vốn vẫn rất đỗi tự hào, và để khách rang xay, tự tay pha nên ly cà phê quyện sương gió Xuân Trường.
Tất cả đều vẫn đang chỉ là những dự định, vẫn còn đang được ấp ủ. Và cũng chỉ mới rất ít những điểm tham quan, cơ sở du lịch được xây dựng nên tại xã Xuân Trường. Nhưng những tín hiệu vui đã bắt đầu đến khi đã có nhiều hơn những cá nhân tìm đến, làm việc với chính quyền xã và bày tỏ mong muốn được đầu tư cho vùng đất nhiều tiềm năng này.
“Xuân Trường vẫn đang hướng tới việc xây dựng du lịch dựa trên thương hiệu riêng và các sản phẩm đặc thù của địa phương như hồng sấy gió, cà phê, rau, hoa. Xã cũng chú trọng đến việc mời gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn với du lịch cộng đồng, để người dân được hưởng lợi từ phát triển du lịch” - ông Bình cho biết thêm.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/201907/anh-thuc-tiem-nang-du-lich-xuan-truong-2957345/