Anh thương binh thờ phụng mẹ liệt sĩ

Xóm Sỏi ở xã Vạn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) mấy chục năm nay chứng kiến anh thương binh Hoàng Xuân Quảng phụng dưỡng, thờ tự người mẹ của đồng đội như chính mẹ ruột của mình.

Lời hứa ở Đồng Xoài

Giữa cái nắng hè, hàng xóm chứng kiến gia đình thương binh Hoàng Xuân Quảng phải trói ngặt người anh vào cửa sổ để kìm cơn động kinh. Di chứng động kinh đã theo anh Quảng từ năm 1972. Chiến tranh kết thúc, ông Quảng được đưa ra Bắc điều dưỡng nhưng mảnh đạn trong đầu vẫn không thể mổ lấy ra. Trời nắng nóng mùa gió Lào ràn rạt, mỗi tuần ông đều phải nhờ vợ trói vào góc cửa sổ mỗi khi lên cơn.

Hôm đến thăm, ông kể: Ngày 28-12-1972 khi đánh trận Đồng Xoài, tui bị mảnh đạn đánh vào đầu ngất đi. Tỉnh lại, thấy người bạn thời chăn trâu cắt cỏ Hoàng Văn Ninh bị mảnh đạn cối vạt mất một phần lồng ngực. Tôi cõng anh Ninh với vết máu chảy đầm đìa, đi chừng hơn cây số thì lảo đảo nằm bẹp.

Trước khi ra đi, anh Ninh nói với tôi: “Quảng ơi, tao còn mẹ già ở quê đằng đẵng đợi. Mi nếu còn sống thì chăm sóc mẹ tao với”. Tui chưa kịp nói gì thì anh Ninh đã hy sinh. Năm 1975, trận đánh vào cửa ngõ Xuân Lộc, tui bị mảnh bom cắt chân phải.

Phục viên năm 1977, anh thương binh Hoàng Xuân Quảng không về nhà mà lên trụ sở UBND xã xin phép địa phương phụng dưỡng mẹ liệt sĩ Hoàng Văn Ninh - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Định.

Ông Hoàng Xuân Quảng soạn sửa trang thờ mẹ liệt sĩ chuẩn bị tri ân ngày 27-7

Ông Hoàng Xuân Quảng soạn sửa trang thờ mẹ liệt sĩ chuẩn bị tri ân ngày 27-7

“Ngày đó xã đồng ý nhưng ái ngại là nhà tôi nghèo, cụt chân lại động kinh, gạo cơm không đủ ăn thì phụng dưỡng mẹ càng thêm khó khăn. Có người nói, tật nguyền vậy chưa nuôi được mình còn dám nuôi mẹ liệt sĩ. May mắn, vợ tôi đồng tình, gạo cơm khó khăn thì vợ chồng mò cua bắt ốc ngoài đồng. Khi mẹ đẻ của tôi qua đời, tôi vẫn mỗi ngày bên mẹ Định, nhà tôi ăn gì thì mẹ Định ăn cái đó”, anh Quảng nói.

Những năm tháng bao cấp khó khăn, nhiều gia đình phải ăn cháo cầm hơi. Anh Quảng 5 đứa con, nhiều bữa 7 người phải ăn cháo độn gốc chuối nhưng anh vẫn nấu riêng bát cơm trắng, cá bống bắt ở bàu ruộng kho cho mẹ. Mẹ Định chồng mất sớm, có mỗi người con trai là anh Hoàng Văn Ninh thì đã hy sinh. Mẹ không còn ai họ hàng thân thích trong làng, tự tay anh Quảng nấu cơm, bón cho mẹ từng muỗng cơm, thìa canh; tự tay anh tắm rửa, gội đầu, thay quần áo cho mẹ. Nhiều người đến thăm mẹ nhìn cảnh ấy đã không cầm được nước mắt.

“Tui xuất phát từ cái tâm, lời thề với đồng đội nên xem mẹ Định như mẹ mình. Dù có đi làm đâu cũng về với mẹ trong ngày, có cái tiếng cho mẹ yên lòng”, ông Quảng nói.

Truyền thờ tới con cháu

Đầu năm 2007, mẹ Định qua đời, hưởng thọ 90 tuổi, anh Quảng đứng ra lo tang gia, cử hành lễ trọng. Người xóm Sỏi lễ cúng thế nào, ông Quảng tổ chức cho mẹ Định tươm tất như thế. Vành khăn tang ông chịu đến hơn 2 năm: “Tui để tang mẹ Định lâu hơn vì còn để thay cho anh Ninh nữa. Mẹ mất không có nghĩa là hết mà còn phải khói hương đủ đầy, đó là chữ hiếu để lại cho con cháu phải noi theo”, ông tâm sự.

Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Đinh Hữu Thành xúc động chia sẻ: “Cựu chiến binh Hoàng Xuân Quảng là tấm gương cho nhiều người noi theo. Ông thủy chung với lời thề, làm rạng ngời tố chất người lính bộ đội Cụ Hồ, dù hoàn cảnh nào cũng sát cánh cùng đồng đội”.

Anh thương binh năm nào giờ đã thành ông ngoại, ông nội. 5 đứa con gồm 3 gái 2 trai đều thành gia thất. Đứa làm ăn nước ngoài, đứa ở miền Nam, đứa dạy trường làng, nhưng đến ngày giỗ mẹ liệt sĩ, không đứa nào quên. Ông kể: “Con tui làm ăn xa, nhưng giỗ mẹ Định, mấy đứa ở xa gửi tiền về mua đồ thờ cúng. Đứa ở gần thì chuẩn bị cỗ tươm tất. Ngay cả giỗ liệt sĩ Hoàng Văn Ninh, tui cũng làm đủ đầy từ mấy chục năm qua”.

Ông Quảng nay đã 67 tuổi, phải đeo chân giả đi từng bước. Ông Quảng nói: “Tui di ngôn lại rõ ràng cho các con, đây là việc phúc, việc đức, các con cháu được sinh ra, lớn lên thời bình là nhờ công lao của những người mẹ như mẹ Định, như liệt sĩ Hoàng Văn Ninh nên con cái phải phụng thờ. Chúng đều ghi lòng tạc dạ. Không chỉ đời tui, đời con cháu tui mà còn truyền đến các đời sau. Phải thờ mẹ Định, anh Ninh trong nhà từ đường của gia đình, vì đó là đạo hiếu uống nước nhớ nguồn”.

MINH PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/anh-thuong-binh-tho-phung-me-liet-si-674624.html