Anh trừng phạt 1 tập đoàn Myanmar vì cung cấp vũ khí cho chính quyền quân sự
Anh công bố một số lệnh trừng phạt mới đối với Myanmar, trong đó có tập đoàn Htoo Group of Companies với cáo buộc có liên quan chính quyền quân sự và cuộc chính biến.
Đài Al Jazeera đưa tin Anh ngày 2-9 đã công bố một số lệnh trừng phạt mới đối với Myanmar, nhắm vào một đối tác kinh doanh chủ chốt của chính quyền quân sự vì đã cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho quân đội Myanmar liên quan cuộc chính biến hồi tháng 2.
Bộ Ngoại giao Anh cũng cho biết sẽ áp đặt lệnh đóng băng tài sản đối với tập đoàn Htoo Group of Companies và người sáng lập Tay Za, thông báo thêm rằng ông Tay Za đã tham gia vào các thương vụ mua bán vũ khí thay mặt cho quân đội.
"Chính quyền quân sự không có dấu hiệu ngừng tấn công bạo lực vào người dân Myanmar" - Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết trong tuyên bố hôm 2-9.
“Cùng với các đối tác của chúng tôi, Anh sẽ tiếp tục hạn chế quyền tiếp cận tài chính của quân đội và việc cung cấp vũ khí được sử dụng để sát hại người vô tội, gồm cả trẻ em và nhắm mục tiêu vào những người ủng hộ hành động của quân đội” – ông Raab nói thêm.
Theo Al Jazeera, các biện pháp trừng phạt sẽ đóng băng tất cả tài sản do Tập đoàn Htoo và ông Tay Za nắm giữ tại Anh, đồng thời cấm nhập cảnh đối với cá nhân này.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết ông Tay Za có liên hệ với quân đội Myanmar “thông qua các mối liên hệ sâu rộng của cá nhân này với các chế độ quân đội trước đây và hiện tại”.
Cơ quan này cũng cáo buộc ông Tay Za có liên quan “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi có vai trò trong việc hỗ trợ quân đội mua sắm vũ khí”.
Trước đó, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể ở Myanmar liên quan cuộc chính biến hồi tháng 2.
Anh đã trừng phạt tập đoàn Myanmar Gems Enterprise, tập đoàn Kinh tế Myanmar và một tập đoàn quân sự khác có tên là Myanmar Economic Holdings Ltd.
Hồi tháng 7, Mỹ cũng đã trừng phạt Bộ trưởng Thông tin Myanmar Chit Naing, Bộ trưởng Đầu tư Aung Naing Oo, Bộ trưởng Lao động và Nhập cư Myint Kyaing, và ông Thet Thet Khine - Bộ trưởng Phúc lợi xã hội, cứu trợ và tái định cư, cũng như ba thành viên của Hội đồng hành chính nhà nước và gia đình của họ.
Dưới sự chủ trì của Anh, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tiếp tục kêu gọi sự khôi phục nền dân chủ tại Myanmar, chấm dứt tình trạng bạo lực và thông qua ngay lập tức năm điểm đồng thuận của ASEAN, bao gồm việc trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các tù nhân khác.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 1.045 người đã thiệt mạng tại Myanmar từ sau cuộc chính biến đến nay, và hơn 6.000 người hiện bị giam giữ vì phản đối chính quyền quân sự.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình yêu cầu khôi phục nền dân chủ vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp quốc gia Đông Nam Á này.
Tại vùng Sagaing, hàng trăm người đêm 2-9 đã tiến hành một cuộc đình công, trong khi một nhóm các nhà sư ở TP. Mandalay đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực của chính quyền quân sự.