Anh và EU có thêm 'bước ngoặt' hậu Brexit

Sau nửa năm chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong tuần trước, vấn đề khai thác thủy sản của Anh với các nước châu Âu đã có những chuyển biến mới được kỳ vọng sẽ giảm bớt phần nào căng thẳng trong thời kỳ Anh rời EU (Brexit).

Một chiếc thuyền đánh cá của Bỉ ở eo biển Anh. Ảnh: EFE

Một chiếc thuyền đánh cá của Bỉ ở eo biển Anh. Ảnh: EFE

Trong tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) công bố, EU và Anh đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về quyền khai thác thủy sản trong năm 2021. Thỏa thuận này đảm bảo quyền lợi cho các đội tàu đánh cá của EU và Anh hoạt động trong vùng biển của EU và Anh (tương tự như trước Brexit) đến cuối năm nay. Cùng với đó, thỏa thuận cũng quy định rõ sản lượng và hạn ngạch mà 2 bên được đánh bắt trong 2 năm 2021 và 2022.

Đại diện EC cho biết, thỏa thuận này cung cấp khả năng dự đoán và tính liên tục đảm bảo hoạt động cho các đội tàu đánh cá. Đồng thời, đem lại lợi ích cho ngư dân, các cộng đồng ven biển và các cảng biển. Mặt khác, thỏa thuận cũng góp phần đảm bảo tài nguyên, nguồn lực của biển được khai thác một cách bền vững.

Việc quản lý các nguồn dự trữ chung quan trọng đảm bảo quyền đánh bắt của cả đội tàu EU và Anh cho đến cuối năm 2021 theo Hiệp định Thương mại và Hợp tác (TCA). Cùng với đó là Thỏa thuận thiết lập tổng sản lượng đánh bắt cho phép (TAC) đối với 75 nguồn cá được chia sẻ cho năm 2021, cũng như một số nguồn trữ lượng biển sâu cho năm 2021 và 2022.

Việc ký kết thỏa thuận sẽ được tiến hành trong những ngày tới và sẽ cho phép cả hai bên trao đổi hạn ngạch. Theo đó, khi có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ ấn định chính thức tổng sản lượng đánh bắt cho phép đối với các nguồn cá, cung cấp sự rõ ràng về giới hạn tiếp cận đối với các loài cá không có hạn ngạch khai thác.

Giới quan sát châu Âu đánh giá, mỗi năm, các đội tàu khai thác cá EU hoạt động trong vùng biển của Anh đạt giá trị khoảng 650 triệu USD. Vì vậy, vấn đề đánh bắt cá cũng là một trong những trở ngại lớn nhất đối với tiến trình đạt được thỏa thuận Brexit để Anh chính thức rời Khối từ ngày 1-1 vừa qua.

Giới quan sát khu vực cho rằng, thỏa thuận này tuy là bước chuyển tích cực, song, vẫn khó có thể xoa dịu căng thẳng Brexit. Mặc dù giới chức Anh và EU có thể đã “bắt tay” nhau với thỏa thuận này nhưng chưa thể “dập tắt” sự bất bình trong cộng đồng ngư dân ở cả 2 bên eo biển Manche, Biển Bắc và Biển Ireland.

Nhiều ý kiến trong xã hội Anh cho rằng, ngành đánh bắt cá của nước này phải đối mặt với khó khăn trước mắt và thiệt hại lâu dài theo thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Anh. Theo Thỏa thuận Hợp tác và Thương mại mới, 25% hạn ngạch của EU trước đây trong vùng biển của Anh sẽ được chuyển cho nước này đến tháng 6-2026 với tỷ lệ cụ thể của TAC hàng năm được thỏa thuận cho từng nguồn khai thác thủy sản. Việc tiếp cận lẫn nhau vào vùng biển của hai bên đã xảy ra một số tranh chấp trong thời gian gần đây.

Nổi bật trong đó, các nhà chế biến thủy sản Scotland bày tỏ lo ngại về việc bị cắt khỏi chuỗi cung ứng khi đội tàu đến các cảng ở Đan Mạch để đánh bắt nhằm tránh bị gián đoạn sau Brexit. Trong khi đó, Ireland khẳng định đã bị ảnh hưởng không cân xứng bởi việc chuyển giao hạn ngạch cho Anh theo TCA so với các quốc gia thành viên EU khác...

Đầu tháng này, một cuộc tranh cãi giữa Anh và Pháp cũng đã nổ ra về việc các tàu đánh cá của Pháp tiếp cận vùng biển với giấy phép được cấp bao gồm các điều kiện không có trong thỏa thuận thương mại. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, nước này không chấp nhận được những hành động này và sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của ngư dân. Pháp sẽ không ngần ngại huy động tất cả các “đòn bẩy” chính trị và pháp lý, cùng các biện pháp cưỡng chế.

Dẫu còn nhiều khúc mắc, song, giới quan sát đánh giá, sau khoảng thời gian dài hơn 5 tháng đi từ bất đồng đến tìm ra tiếng nói chung, thỏa thuận về quyền đánh bắt cá mới đạt được đã minh chứng cho thấy các bên có thể hợp tác với nhau để cùng phát triển. Thỏa thuận này được đánh giá là một “bước ngoặt” quan trọng trong thời kỳ Brexit, tạo cơ sở vững chắc cho việc tiếp tục hợp tác giữa EU và Anh trong lĩnh vực thủy sản.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-va-eu-co-them-buoc-ngoat-hau-brexit-post440540.html